Dừng thu phí trạm T2 QL 91 do sai vị trí: Kiến nghị 15 lần … vẫn "án binh bất động"?
Trước khi xây dựng, trạm thu phí T2 đã gặp phải phản ứng gay gắt từ phía người dân và doanh nghiệp tỉnh An Giang, Kiên Giang... Thế nhưng các cơ quan chức năng đều làm ngơ là điều hết sức khó hiểu.
Như DĐDN đã thông tin, trạm thu phí T2, thuộc dự án BOT QL 91 do Công ty CP đầu tư QL 91 Cần Thơ - An Giang làm chủ đầu tư. Dự án triển khai là cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối huyện Lấp Vò và quận Thốt Nốt (Cần Thơ), được khánh thành vào 19/5/2019. Sau khi trạm thu phí đi vào hoạt động thì ngay lập tức đã bị nhiều tài xế phản ứng, bức xúc vì rằng đoạn đường mà họ đi khá ngắn, khoảng cách chỉ vài trăm mét (hướng qua cầu hướng vào địa bàn tỉnh An Giang) nhưng phải đóng tiền qua trạm thu phí T2 cho toàn tuyến là bất hợp lý.
Ngày 25/5, trạm thu phí BOT T2 trên quốc lộ 91 đã phải tạm dừng thu phí chờ phương án giải quyết từ cấp trên.
Do đó, nhiều tài xế chỉ đồng ý trả 2.000 đồng cho 300 m đường BOT sử dụng khi qua trạm T2. Tuy nhiên do không được giải quyết, nhiều phương tiện đã đậu xe tại trạm khiến giao thông ùn tắc, buộc chủ đầu tư phải liên tục xả cửa và có ngày lên tới 30 lần/ ngày để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực này.
Hiệp hội kiến nghị 15 lần… vẫn không thay đổi?
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Ngọc Xuân – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô An Giang, cho biết: Ngay từ khi trạm T2 chuẩn bị xây dựng trạm thu phí, Hiệp hội vận tải ô tô An Giang và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang, đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh về việc đặt trạm thu phí T2 ở vị trí hiện tại là “bất hợp lý, gây ảnh hưởng không nhỏ cho các doanh nghiệp”, thế nhưng các Bộ ngành hữu quan vẫn chưa có cách giải quyết cho sự bất hợp lý này.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô An Giang, cho rằng việc đặt trạm thu phí T2 là bất hợp lý.
Cũng theo ông Xuân, sau những ý kiến không được các đơn vị tiếp thu, Hiệp hội đã gửi liên tiếp 15 lần kiến nghị bằng văn bản tới các cơ quan chức năng, trong đó, có Bộ GTVT. Tuy nhiên, thay vì lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội…thì Bộ GTVT lại có Công văn số 6020/BGTVT-ĐTCT về việc miễn giảm giá vé sử dụng dịch vụ đường bộ T2. Theo đó, 7556 phương tiện đã được giải quyết miễn, giảm. Trong đó có 434 phương tiện được miễn 100% do là tuyến cố định, phương tiện xe bus đóng trên địa bàn, phương tiện ven trạm.
Tuy nhiên, số còn lại 7122 phương tiện phải đóng 50% và còn nhiều phương tiện chưa được giải quyết trong khi đây là đường độc đạo phải qua QL80 đi về tỉnh Kiên Giang và nay lên xuống cầu Vàm Cống.
Việc cầu Vàm Cống được khánh thành và đi vào hoạt động đã không còn ảnh hưởng tới thành phố cần Thơ và tỉnh Kiên Giang. Nhưng đổi lại các phương tiện của tỉnh An Giang bị ảnh hưởng hầu như toàn diện khi phải qua trạm T2.
"Cụ thể, cầu Vàm Cống về thành phố Hồ Chí Minh với lưu lượng phương tiện là rất lớn, thiệt hại về tài chính đối với các doanh nghiệp là không nhỏ trong bối cảnh kinh tế đang còn nhiều khó khăn vướng mắc nhưng lại phải chịu cảnh qua trạm đóng phí quá cao là hết sức bất cập" – ông Xuân nói.
Ông Xuân cho biết thêm, cầu Vàm Cống được xây dựng từ vốn ODA của Hàn Quốc với tổng số tiền là 5700 tỷ đồng thì được miễn thu phí. Trái lại trạm T2 chỉ nâng cấp và mở rộng 40km trên QL91 lại thu mức phí 50% những phương tiện qua đoạn ngang này. "Như vậy, ngành vận tải An Giang lại phải tiêu tốn rất lớn một khoản kinh phí để duy trì hoạt động trạm T2 hay sao?" – ông Xuân đặt câu hỏi.
Theo ông Xuân, với vị trí đặt trạm thu phí T2 hiện nay, thì chủ đầu tư không chi thu tiền của những phương tiện lưu thông tuyến Long Xuyên - Cần Thơ, mà có thể nói là thu tiền toàn bộ phương tiện của tỉnh An Giang khi đi tỉnh Kiên Giang hoặc thành phố Hồ Chi Minh. Rõ ràng, vị trí trạm T2 là bất hợp lý, để khắc phục sai sót này, thay vì truy cứu trách nhiệm những người đã tham mưu, quyết định vị trí đặt trạm lại bắt người dân phải gánh chịu cái sai đó là điều khiến người dân và các doanh nghiệp khó có thể chấp nhận.
Tài xế trả 2000 với quãng đường 300 m là có cơ sở
Tương tự ông Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang, cho hay: Với khoảng cách chỉ 300m nhưng người dân và doanh nghiệp của An Giang đi TP HCM hoặc Kiên Giang phải đóng phí cho cả quãng đường là bất cập. Việc đặt trạm thu phí T2 ở tại vị trí hiện tại rõ ràng là không hợp lý từ ngay ban đầu. Xuất phát từ việc đó, Hiệp hội vận tải ô tô An Giang lúc đó đã nhiều lần lên tiếng và sau này là Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang cũng đã đề nghị.
"Cụ thể, mới đây nhất là ngày 23/5/2019, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang và Hiệp hội vận tải ô tô An Giang cùng ký văn bản kiến nghị kêu cứu tới Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan nên nghiên cứu và sớm giải quyết thỏa đáng việc này cho người dân và doanh nghiệp, vì trên thực tế, bức xúc đã lên tới đỉnh điểm" – ông Việt nói.
Trao đổi với PV DĐDN, ông Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang, cho rằng:Tài xế trả 2.000 đồng với quãng đường 300 m là có cơ sở
Cũng theo ông Việt, việc các tài xế trả 2.000 – 10.000 cho một lượt đi là hoàn toàn có cơ sở. Bởi 300m mà các phương tiện đi qua trạm thu phí là tỉ lệ 1/40 quãng đường và được làm tròn khoảng 5% tương đương 2.000 – 10.000 đồng (với giá vé thấp nhất là 35.000 đồng và cao nhất là 200.000) đồng khi qua trạm T2. Tuy nhiên, các hiệp hội cũng đưa ra phương án đề xuất để lấy được sự đồng thuận trong dư luận, cụ thể:
Và đây là 03 phương án mà hiệp hội kiến nghị nhằm giúp các bên ổn thỏa, góp phần giữ gìn tình hình an ninh trật tự tại địa phương – ông Việt chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề kiến nghị của doanh nghiệp về trạm thu phí đặt sai vị trí, cầu Vàm Cống sử dụng nguồn vốn ODA và việc trạm thu phí T2 tạm dừng thu phí, ông Nguyễn Việt Trí – Giám đốc Sở GTVT An Giang, cho hay: Ở góc độ chuyên môn, sau khi có kế hoạch triển khai dự án, Sở GTVT và các cơ quan ban ngành của tỉnh An Giang cũng đã có những góp ý với Bộ GTVT về vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay sự việc đã ở mức ngoài thẩm quyền nên mọi phát ngôn sẽ do UBND tỉnh An Giang trả lời, Sở GTVT sẽ không bàn thêm.
Tuyến QL 91 được nâng cấp cải tạo mặt đường với tổng chiều dài gần 37km (không tính các tuyến tránh). Tuyến QL 91B được đầu tư nâng cấp cải tạo mặt đường với tổng chiều dài gần 16km. Tổng mức đầu tư hơn 1.720 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 400 tỉ đồng, vốn công ty tự có 280 tỉ đồng, còn lại vay ngân hàng. Sau khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư được phép thu phí trong thời gian là (17 năm 9 tháng), với 2 trạm thu phí T1 và T2 đặt trên tuyến QL 91. Mức giá thu phí thấp nhất 35.000 đồng, cao nhất là 200.000 đồng/lượt xe. Sau quyết toán, vốn đầu tư giảm được 300 tỉ đồng, nhưng mức giá thu phí vẫn giữ nguyên. Thời gian thu phí hoàn vốn cho toàn dự án được Bộ Tài chính thông qua cho phép nâng lên thêm 6 năm 4 tháng. Thế nhưng, sau đó một lần nữa Tổng cục Đường bộ đã có quyết định cho phép thời gian thu phí hoàn vốn của dự án này tăng lên đến 43 năm với lý do là thời gian vừa qua có xem xét giảm giá vé cho một lượng xe khu vực xung quanh trạm thu phí. 15h gày 25/5, trạm thu phí BOT T2 trên quốc lộ 91 đã dừng thu phí, chờ phương án giải quyết từ cấp trên. Riêng trạm T1 cách đó khoảng 32 km vẫn thu phí bình thường. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận