Dùng số liệu nào khi dự báo nCoV ở Việt Nam?
Sau khi số ca nhiễm nCoV ở Việt Nam vượt ngưỡng 100 vào ngày 22/3, xuất hiện một số dự báo (dựa vào kinh nghiệm của các nước đi trước) cho rằng chỉ mất khoảng 7-10 ngày để số ca nhiễm vượt ngưỡng 1.000, và do vậy hai tuần đầu tháng 4 là thời kỳ quyết định trong cuộc chiến chống nCoV ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu bình tâm nhìn lại số liệu công bố – và GIẢ SỬ số liệu này là chính xác – thì nỗi lo ngại này không thực sự có cơ sở.
Thứ nhất, số liệu tổng số ca nhiễm lũy kế (đường màu đỏ trong Hình 1) bao gồm cả 16 ca từ đầu mùa dịch và đều đã khỏi 10 ngày trước khi dịch xuất hiện trở lại vào ngày 3/6. Như vậy, để dự báo diễn biến dịch bệnh ở Việt Nam trong thời gian tới, phải loại 16 ca này khỏi bộ số liệu (đường màu da cam trong Hình 1).
Thứ hai, hơn 40% số ca nhiễm mới từ 6/3 được phát hiện khi đã cách ly, và vì vậy không tạo ra rủi ro lây nhiễm cho cộng đồng (tất nhiên vẫn có khả năng lây nhiễm chéo trong khu cách ly). Do đó, để dự báo diễn biến dịch bệnh, cũng phải loại các ca này ra khỏi tập dữ liệu.
Sau hai bước điều chỉnh dữ liệu, số liệu có thể được sử dụng để dự báo là đường màu xanh lá cây (Hình 1), thấp hơn rất nhiều so với đường màu da cam và màu đỏ. Theo số liệu này, Việt Nam bắt đầu bước qua ngưỡng 100 ca vào ngày 30/3, chậm hơn 8 ngày so với mốc 22/3 trước đó.
Thứ ba, cần lưu ý là Hà Nội và TP.HCM – hai “cụm dịch” chính ở Việt Nam – lại ở hai đầu đất nước, mức độ nhập khẩu lây nhiễm của nhau thấp, và vì vậy gần như là hai cụm dịch độc lập.
Nếu nhìn vấn đề theo cách này, một biện pháp để giảm rủi ro chung cho cả nước là cách ly hai cụm dịch ở Hà Nội và TP.HCM, chẳng hạn bằng cách hạn chế giao thông giữa 2 thành phố. Khi ấy, mức độ rủi ro của từng cụm dịch giảm đi đáng kể vì tính đến 31/3 ở Hà Nội – ngay cả sau sự cố ở BV Bạch Mai – thì tổng số ca lây nhiễm ngoài cộng đồng chỉ là 57 (Hình 2), còn ở TP.HCM là 27 (Hình 3).
Những phân tích trên đây không hề ngụ ý là chúng ta cứ yên tâm kê cao gối ngủ ngon. Mục đích của những phân tích này là để chúng ta bình tâm nhìn sự việc một cách khách quan, từ đó có những biện pháp phù hợp.
Thực tế là nguy cơ lớn nhất không thuần túy đến từ số lượng ca nhiễm dịch, mà quan trọng hơn, đến từ ổ dịch có khả năng bùng phát và lan rộng mà sự cố ở BV Bạch Mai là một ví dụ nhãn tiền: chỉ cần một vài nguồn dịch độc lập, trong môi trường dễ lây nhiễm và mật độ cao, cộng thêm một chút không may mắn sẽ là quá đủ để biến một đốm lửa nhỏ thành một đám cháy to.
Cuối cùng, như đã nói từ đầu, những nhận định trong bài này phụ thuộc vào GIẢ ĐỊNH rằng số liệu chính thức là đầy đủ và chính xác, và một cách kể kiểm định điều này là tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên trong cộng đồng.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận