Dùng quà tặng để kéo vào bẫy lừa thực hiện nhiệm vụ online
Bằng cách nạp vào vài trăm ngàn đến cả triệu đồng, tôi được cam kết sẽ nhận về khoản tiền hoa hồng bằng một phần ba số tiền đã nạp.
Lướt Facebook, tôi tình cờ thấy thông tin về một chương trình tặng áo miễn phí nhằm tri ân khách hàng nữ của một hãng thời trang Việt Nam. Nhấn vào mục gửi tin nhắn để hỏi thêm thông tin về chương trình này, phía đăng tải với hình đại diện của hãng thời trang cho biết quà tặng miễn phí bao gồm: áo khoác gió, áo chống nắng, áo thun, có giá dao động từ 500.000 đồng trở lên.
Sau khi ngỏ lời tôi chọn một mẫu áo phù hợp, bên đó yêu cầu tôi cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại và địa chỉ nhà để được nhận quà. Tôi từng biết chiêu trò tặng quà qua mạng xã hội thường yêu cầu mình chi trả một khoản tiền vận chuyển hoặc tiền dịch vụ phát sinh tương đương trị giá món hàng nên đã cẩn trọng khi cho thông tin.
Sau khi có thông tin, bên đó gửi lại cho tôi một mẫu đăng ký điện tử đã được điền thông tin cá nhân của tôi, bất ngờ là phiếu này có tựa đề: "Phiếu đặt hàng". Nói cách khác, việc này không khác gì tôi yêu cầu đặt mua món hàng trên. Sau đó, họ yêu cầu tôi dùng ứng dụng Telegram để tham gia một buổi hội nghị quảng bá sản phẩm mới tới người tiêu dùng với sự tham gia của nhiều người.
Sẵn tính tò mò, tôi đã tham gia một nhóm theo đường link được gửi đến. Trong nhóm là vô số hình chụp màn hình của rất nhiều người nhận được tiền mệnh giá 10.000 - 20.000 đồng vào tài khoản ngân hàng cá nhân hoặc ví thanh toán điện tử nhờ thực hiện một nhiệm vụ nào đó với thời điểm chỉ một, hai ngày gần đây. Sau khi tôi được cho vào nhóm, có một người nhắn tin liên lạc qua Telegram, nói rằng để được nhận phần quà trên, tôi cần hoàn thành 10 nhiệm vụ. Tôi đồng ý thực hiện theo để xem diễn biến câu chuyện sẽ như thế nào?
Ba nhiệm vụ đầu, tôi được yêu cầu xem một đoạn quảng cáo ngắn về sản phẩm của hãng thời trang trên YouTube, sau đó sẽ được nhận 10.000 đồng cho hai nhiệm vụ đầu và 20.000 đồng cho lần thứ ba. Để được nhận tiền, người kia bắt buộc tôi phải cung cấp thông tin số tài khoản ngân hàng, tên người thụ hưởng. Tôi thực hiện đầy đủ và nhận được số tiền tương ứng rất nhanh chóng.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu chỉ loanh quanh xem clip quảng cáo và nhận tiền tăng dần như thế. Sang nhiệm vụ thứ tư, họ yêu cầu tôi chọn một trong bốn gói đầu tư bằng cách nạp vào số tiền vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng, tương ứng với bốn cấp và nhận về tiền hoa hồng trị giá một phần ba số tiền đã nạp.
Họ đưa ra lời mời hấp dẫn rằng tôi "sẽ nhận lại được số tiền gốc và tiền hoa hồng ngay khi giao dịch" và giải thích "nhiệm vụ này nhằm giúp tăng lượt truy cập, tương tác, giúp các trang web của nhà tài trợ phổ biến trên các trang mạng xã hội". Khi tôi thắc mắc rằng "việc làm này có vẻ không đúng", thì bên kia lấy số quy mô nhãn hàng thời trang ra đảm bảo, đồng thời có phần đe dọa.
Câu chuyện đến đây đã dần rõ, bằng chiêu trò mạo danh đơn vị nhãn hàng thời trang, kẻ gian đã lừa các chị em nhẹ dạ cả tin chuyển tiền theo yêu cầu cho đối tượng trên để được nhận quà và tiền lãi. Có thể, vài giao dịch ban đầu, kẻ gian sẽ chuyển đầy đủ tiền gốc và lãi nhằm tạo niềm tin và khơi gợi lòng tham của nạn nhân. Nhưng càng về sau, số tiền giao dịch ngày một lớn hơn, nguy cơ bạn không nhận được lãi mà còn mất luôn tiền gốc là rất cao.
Các chị em phụ nữ đừng cả tin, chỉ vì món quà tặng hoặc thấy dễ kiếm tiền lời mà mất đi số tiền một cách đáng tiếc. Ngoài ra, việc cung cấp thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng, địa chỉ nơi ở... cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chiêu trò này có thể không mới lạ đối với nhiều người, nhưng tôi nghĩ mình vẫn nên cảnh báo để nhiều người biết rằng "không có bữa ăn nào là miễn phí".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận