Đừng nói giá xăng thế giới mà không nhìn túi tiền người dân
Khu chung cư nơi tôi ở nằm cạnh con hẻm chính dẫn vào một khu phố lao động, vì vậy, đây là tuyến đường rất nhộn nhịp lời rao bán hàng hóa đủ loại. Tiếng loa rao hàng vang lên hàng ngày đến mức tôi thành “chuyên gia giá cả thị trường” khi nào không hay.
Năm 2005, khi con gái tôi ra đời, tôi nghe rao “bánh mì Sài Gòn một ngàn một ổ. Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ”. Hai năm sau, khi tôi sinh con thứ nhì, giá bánh mì vẫn là một ổ một ngàn đồng. Thời gian qua nhanh, lời rao vẫn vậy nhưng giá một ổ bánh mì nhích dần dần lên hai ngàn rồi ba, bốn năm ngàn đồng qua lời rao từ loa người bán dạo.
Và sáng nay, trong khi đang phơi đồ ở balcon, tôi nghe xe bánh mì chạy ngang rao “bánh mì Sài Gòn SÁU ngàn một ổ”.
Bánh-mì-sáu-ngàn-một-ổ có nghĩa là một người mẹ trẻ làm công nhân có thể phải nhịn bữa ăn sáng vào cuối tháng khi lương chưa về.
Có nghĩa là một người cha chạy xe ôm công nghệ sẽ bỏ qua bữa ăn xế để “dằn bụng” trước khi về nhà ăn bữa tối.
Có nghĩa là một đứa bé phải chờ lâu hơn để được ba mẹ mua cho cái cặp mới vào đầu năm học hay món đồ chơi mà bé thích.
Vật giá những mặt hàng thiết yếu với người dân là những điều tác động trực tiếp như vậy trong cuộc sống của họ. “Vật giá leo thang” là nỗi lo nặng trĩu và thường trực của đa số người dân, từ lao động phổ thông tay làm hàm nhai đến người đi làm công sở ăn lương tháng.
Ổ bánh mì 6.000 đồng có nghĩa là giá bánh mì tăng gấp 6 lần tính từ năm 2005 đến nay và người dân chỉ quan tâm đến khoản chi tiêu trực tiếp này vì đây là khoản đánh thẳng vào túi tiền của họ. Họ không cần biết những chuyện vĩ mô như lạm phát bao nhiều phần trăm, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng hay giảm vì dù những con số đó ra sao, họ vẫn phải tốn thêm một vài ngàn đồng để mua được một ổ bánh mì.
Với giá xăng, giá điện, giá nước… cũng vậy, người dân không có sự lựa chọn khác hay từ chối sử dụng những mặt hàng tối cần thiết này. Vì vậy, họ chỉ quan tâm họ sẽ phải mất thêm bao nhiêu cho khoản chi vì tăng giá này. Khi thu nhập không tăng thêm thì những khoản chi vượt thêm này đồng nghĩa với việc người dân phải giật gấu vá vai, bớt khoản này, giảm khoản nọ để “bảo toàn ngân sách”.
Chỉ so sánh với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á chúng ta đã thấy sự chênh lệch rất lớn giữa thu nhập của người dân và giá xăng.
Năm 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 3.743 đô la/người/năm. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Singapore là 62.113 đô la/người/năm, Malaysia (11.056 đô la/người/năm), Thái Lan (7.030 đô la/người/năm) và Indonesia (4.349 đô la/người/năm).
Giá một lít xăng ở Việt Nam đã lên đến 31.000 đồng. Trong khi đó, theo số liệu của Global Petrol Prices, hiện tại giá một lít xăng ở Malaysia khoảng gần 11.000 đồng, Indonesia khoảng 26.000 đồng, Thái Lan là gần 35.000 đồng. Cao nhất là Singapore giá một lít xăng là hơn 52.000 đồng nhưng thu nhập bình quân theo đầu người dân của đảo quốc này là gấp hơn 15 lần so với Việt Nam.
Giải thích với người dân bằng cách đưa ra giá bình quân thế giới hay giá ở nước này, nước khác là hết sức vô nghĩa vì túi tiền của họ đang theo mức thu nhập ở Việt Nam.
Điều cần làm là với đà tăng giá xăng hiện nay, hãy tìm hiểu tại sao những nước như Malaysia có thể giữ giá xăng không tăng phi mã và học hỏi, chớ không phải trấn an người dân bằng cách so sánh “giá xăng chúng ta vẫn rẻ hơn Thái Lan, Singapore” một cách vô cảm!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận