Đừng nghe theo lời khuyên “Hãy cứ là chính mình"
"Hãy cứ là chính mình đi!" là một lời khuyên đôi lúc phản tác dụng. Điều đó dựa trên sự khác nhau giữa sự ái kỷ và sự chân thành đấy!
Trong bài viết đăng trên tờ New York Times, tác giả Adam Grant cho rằng: "'Cứ là chính mình' là một lời khuyên tồi, trừ khi bạn là Oprah Winfrey." Đấy là bài học được tác giả rút ra từ trải nghiệm của chính mình. Trước khi trở thành giáo sư hàng đầu tại Đại học Wharton và thực hiện bài nói đầu tiên trên TED Talk, Adam là một người hướng nội điển hình, và lời khuyên “cứ là chính mình” trở thành rào cản lớn nhất của anh.
Nếu cứ nghe theo lời khuyên đó, Adam sẽ không bao giờ vượt qua được sự khép kín và nỗi sợ đám đông. Cái mác hướng nội vừa là một định danh, vừa vô hình trung biến thành một gánh nặng.
Bài báo hóm hỉnh của Grant vẽ một đường kẻ sắc bén giữa thành thật và chân thành. Thành thật là có gì nói nấy, nghĩ gì làm nấy. Chân thành, đổi lại, là chủ động điều tiết cái tôi nguyên bản để trở nên tốt hơn. Theo cách nghĩ đó, có lẽ không phải lúc nào chúng ta cũng nên “cứ là chính mình".
Là chính mình – Ranh giới giữa chân thành và ái kỷ
Khi còn nhỏ, Jeff Bezos, nhà sáng lập của Amazon, là một cậu bé cực kỳ thông minh. Bà của Jeff là một người hút thuốc trường kỳ, và cậu rất phản đối điều này. Sau quá trình quan sát lâu dài, một ngày, Jeff gõ lên cửa kính ô tô của bà và đùa: “Với tần suất hút thuốc hai phút một điếu, bà đã mất đi tổng cộng 9 năm tuổi thọ rồi đó!".
Thay vì tiếng cười tán dương sự dí dỏm, điều Jeff nhận được chỉ là sự im lặng đầy tổn thương từ bà mình. Đó là lần đầu tiên Jeff Bezos học được rằng: Trong một số trường hợp, sự tử tế quan trọng hơn thông minh. Vì thế, "cứ là chính mình" có thể trở thành một sự biện minh cho việc đặt cái tôi của mình lên trên người khác.
Ranh giới giữa chân thành và ái kỷ rất mong manh, nó giống như khoảng cách giữa điều bạn muốn làm và điều bạn nên làm. Vì thế mà một trong những kỹ năng cần có trong cuộc sống chính là khả năng giám sát bản thân (self-monitoring), để thấu hiểu tác động của mình lên những người xung quanh.
Nếu bạn nói với một đứa trẻ rằng ông già Noel không có thật, điều đó không có nghĩa là bạn khảng khái. Đó đơn thuần là biểu hiện của sự thiếu nhạy cảm với tâm trạng và cảm xúc, thậm chí sức khỏe tinh thần của người khác.
“Cứ là chính mình" sẽ là lý do tuyệt vời để bạn từ chối những điều đi ngược lại với hệ giá trị của bản thân. Song, nó cũng có thể là cái cớ rất tệ để bạn trì hoãn việc tiến bộ và né tránh trách nhiệm. Hãy kiên định “là chính mình" khi nó mang lại cho bạn động lực để làm điều đúng, thay vì là một cái cớ để không bước ra khỏi vùng an toàn.
Cái tôi không tĩnh tại, vậy đâu mới là “mình"?
Lời khuyên “là chính mình" vô tình định sẵn rằng 'mình' là một điều có thể được định nghĩa rõ ràng, là một thực thể bất biến. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của chuyên gia tâm lý Carol Dweck, Đại học Stanford: niềm tin rằng cái tôi bất biến có thể cản trở sự phát triển cá nhân, bởi tính cách mỗi người đều thay đổi theo thời gian và trải nghiệm.
Facebook và xu hướng so sánh bản thân bây giờ với 10 năm trước mang đến một ý tưởng thú vị: chúng ta đã thay đổi nhiều và bất ngờ đến thế nào? Những tấm ảnh không chỉ lưu giữ sự trưởng thành về mặt ngoại hình và phong cách, đó còn là kết quả của rất nhiều biến chuyển về trải nghiệm sống và hệ giá trị.
Cùng một lý do khiến bài kiểm tra Myers-Briggs nổi tiếng bị phản đối bởi rất nhiều chuyên gia tâm lý, việc tin rằng cái tôi là một điều cố hữu và dễ dàng được định nghĩa cũng là một ý niệm có phần ngây thơ và thụ động.
Đừng mãi “là chính mình", khi bạn có thể trở nên tốt hơn mỗi ngày
Trái với “là chính mình" không phải giả tạo, mà là chân thành. Đó là chân thành nhìn nhận bản thân với tất cả những thế mạnh và điểm yếu, chủ động neo giữ vào những giá trị khiến bạn tự hào, và hoàn thiện những phần chưa tích cực.
Mỗi khi làm một việc gì đó, thay vì tự hỏi “Đây có phải là mình không?”, hãy bắt đầu hỏi: “Đây có phải là người mình muốn trở thành không?”. Câu hỏi đó sẽ đưa bạn đi xa hơn, trong một tâm thế tự do hơn rất nhiều.
“Cứ là chính mình" không phải một lời khuyên tồi, nhưng nó gián tiếp giới hạn bạn ở cái tôi của ngày hôm nay, và khiến bạn bối rối với việc mất đi một điều vốn không thể mất. Việc bạn là ai không đơn giản được quyết định bằng một vài tính từ hay đôi dòng miêu tả, mà chính bởi những việc bạn làm và những quyết định bạn đưa ra mỗi ngày.
Lời khuyên này là một cách đánh lạc hướng, bởi nó thôi thúc bạn đi tìm bản thân mình như một thực thể hoàn thiện, một bí mật đang được ẩn giấu. Hành trình ý nghĩa duy nhất thực ra rất đơn giản, đó là hãy tiếp tục làm những điều đúng đắn và hữu ích. Hãy quan tâm đến những điều mang đến cho bạn niềm vui trong cuộc sống. Hãy đi từng bước nhỏ bằng tất cả sự chân thành mà bạn có, rồi sẽ đến một ngày bạn bắt gặp chính mình.
Là chính mình - tâm lý ngại thay đổi
Người phương Đông chúng ta lớn lên với nền văn minh lúa nước phát triển rực rỡ. Sự định cư và mong muốn an ổn để canh tác khiến tổ tiên ta hiếm khi thay đổi. Tâm lý muốn yên ổn, ngại thay đổi ấy đã ngấm sâu trong tâm thức mỗi người.
Dù thế nào, chúng ta cũng không thể chối bỏ nó, Chúng ta có thể dễ dàng thấy điều ấy khi bố mẹ lúc nào cũng muốn chúng ta có một công việc ổn định, có nơi ở cố định, có một mối quan hệ đi đến hôn nhân bền vững. Và ngay chính bản thân chúng ta, sâu trong tâm hồn đôi khi cũng muốn sống bình thường thôi, ổn định: làm mãi một công việc, mặc những chiếc áo đã quá nhàm chán, ăn những món ăn thân thuộc,...
Bởi thế, dù sao việc là một ai đó, là một kiểu người nào đó ấn định vẫn được đa số tán thành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận