Dùng nền tảng online giám sát sông Mekong
Sông Mekong luôn đối mặt các mối đe dọa đến từ biến đổi khí hậu, đập thủy điện thượng nguồn, phù sa giảm, dòng chảy và mực nước bị thay đổi… Gần 3 thập kỷ qua, Trung Quốc liên tục xây dựng các đập thủy điện với tốc độ chóng mặt, khiến các nước ở hạ nguồn lo ngại về việc dòng chảy bị kiểm soát.
Mới đây, Trung tâm Stimson (Mỹ) tham gia phát triển nền tảng trực tuyến Mekong Dams Monitor, cung cấp các công cụ cơ sở dữ liệu truy cập mở để góp phần theo dõi các vấn đề sinh thái liên quan sông Mekong. Các công cụ này cung cấp khả năng hiển thị dữ liệu và giám sát các dự án phát triển hiện nay và trong tương lai, tập trung vào các đập thủy điện của Trung Quốc, cho phép chính phủ Mỹ và các đối tác tư vấn của họ xác định các nguy cơ an ninh đến từ Trung Quốc và những thay đổi trong dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2020 không chỉ mang đến đại dịch COVID-19 mà còn khiến các nước hạ nguồn sông Mekong đối mặt hạn hán nặng nề.
Mekong Dams Monitor nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học - công nghệ dưới hình thức viễn thám và hình ảnh vệ tinh giám sát hồ chứa tại 13 đập dọc sông Mekong và 15 đập ở các phụ lưu. Nền tảng trực tuyến này bắt nguồn từ chương trình Eyes on Earth của Trung tâm Stimson và được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ một phần.
“Dữ liệu và các đầu ra đăng tải trên Mekong Dam Monitor bổ sung cho các nỗ lực nghiên cứu hiện nay của các tổ chức trong khu vực Mekong. Chúng tôi hy vọng cuối cùng sẽ chuyển quyền lãnh đạo nền tảng này cho các đối tác hợp tác trong khu vực và thiết lập các kênh hợp tác chính thức với Ủy hội Sông Mekong”, nhà nghiên cứu Brian Eyler, Trung tâm Stimson, nói. Ông Eyler là tác giả của cuốn sách “Last Days of the Mighty Mekong” (Những ngày cuối cùng của sông Mekong vĩ đại).
Thông điệp phía sau các công cụ cơ sở dữ liệu truy cập mở là Mỹ đang khuyến khích sự giám sát, phản biện của các tầng lớp nhân dân, những người có khả năng thách thức các dự án phát triển của nước ngoài gây tổn hại tới hệ sinh thái, môi trường sông Mekong. Một phần trong chính sách gần đây của Mỹ đối với khu vực sông Mekong là thúc đẩy khả năng hiển thị dữ liệu và độ minh bạch. Mục tiêu chính của chính sách này là nội địa hóa ảnh hưởng của Mỹ bằng cách ủng hộ các thành phần địa phương tham gia trở nên tích cực, tự tin hơn thông qua khả năng hiển thị dữ liệu và đào tạo. Cách tiếp cận không đối đầu này được nêu rõ trong các sáng kiến hợp tác gần đây, bao gồm Đối tác Mekong-Mỹ.
Còn quá sớm để đánh giá tác động của Mekong Dams Monitor và các nền tảng dựa trên dữ liệu khác trong khu vực Mekong. Tuy nhiên, những công cụ này có thể có một số điểm yếu. Ví dụ, độ tiếp cận thông tin ở các nước sông Mekong khác với ở các nước phương Tây. Ngoài ra, khó dịch thông tin từ các công cụ dữ liệu ra các ngôn ngữ đơn giản để đông đảo mọi người có thể hiểu được và thu hút sự quan tâm của họ…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận