"Đừng lấy lý do không kiểm soát được để ra các thủ tục"
Nếu chỉ đặt vấn đề quản lý mà không tạo điều kiện cho phát triển thì chỉ đạt được một mục tiêu thôi...
Vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng đã có cuộc kiểm tra 6 bộ ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Với 43 kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, các Bộ được kiểm tra gồm: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội.
Cần chuyển từ "tiền kiểm sang hậu kiểm"
Tại buổi làm việc, hàng loạt vấn đề chính sách đã được nêu ra, trước hết là các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương. Trong đó, các quy định liên quan tới kinh doanh rượu nhận được ý kiến tranh luận nhiều chiều, như qui định cấm bán rượu trên internet, giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ của các cơ sở lưu trú du lịch…
Theo các doanh nghiệp, Luật Du lịch không đề cập yêu cầu về giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ đối với các cơ sở lưu trú du lịch. Nhưng theo Nghị định 105/2017 về kinh doanh rượu, trường hợp trên vẫn phải xin giấy phép.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Nghị định 105 cần phải được sửa đổi và đồng ý cần xem lại quy định trên. Tuy nhiên, ông An giải thích rằng quy định này là nhằm kiểm soát nguồn gốc rượu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lại cho rằng, các cơ sở lưu trú đã được xếp sao, xếp hạng là đã đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật rồi, các cơ sở này kiến nghị chỉ cần thông báo tới cơ quan nhà nước về việc bán rượu, còn việc kiểm soát nguồn gốc rượu lại được điều chỉnh bởi các quy định khác.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan, thành viên Tổ công tác cho rằng việc quản lý không thể buông lỏng, nhưng cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, bởi trên thực tế kể cả có giấy phép thì doanh nghiệp vẫn có thể bán rượu kém chất lượng hay không rõ nguồn gốc.
"Chúng ta muốn nói việc thay đổi cách thức quản lý, không buông lỏng quản lý nhưng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đã thực hiện thủ tục rồi nhưng cũng phải xem hiệu quả đích thực thế nào? Thực tế mỗi năm kiểm tra được bao nhiêu cơ sở bán rượu không giấy phép? Quản lý không buông lỏng nhưng cần tháo thủ tục cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhấn mạnh, quan điểm của Tổ công tác rằng cấp giấy phép là không cần thiết, mà doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc bán rượu, có hợp đồng với cơ sở, sản xuất kinh doanh rượu đạt yêu cầu.
Ông Dũng cho biết sẽ báo cáo Chính phủ theo hướng như vậy. Nếu chỉ đặt vấn đề quản lý mà không tạo điều kiện cho phát triển thì chỉ đạt được một mục tiêu thôi, bởi thực tế, Nghị định 15/2018 về an toàn thực phẩm cắt giảm thủ tục mạnh mẽ nhưng thực tế vẫn kiểm soát, quản lý được.
"Đừng lấy lý do không kiểm soát được mà sinh ra các thủ tục", ông Mai Tiến Dũng nói.
Nhiều giấy phép, thủ tục sắp được bãi bỏ
Một kiến nghị khác là xem xét bãi bỏ qui định cấm bán rượu trên internet - cũng tại Nghị định 105. Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng rượu bán trên internet sẽ dễ kiểm soát hơn, nhưng thực tế việc kiểm soát rất khó khăn với thương mại điện tử. Nếu Quốc hội bỏ quy định này khi thông qua dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia, thì sẽ Bộ sẽ đề xuất bỏ quy định này trong Nghị định.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, khi công nghệ thông tin phát triển thì rất cần cách quản lý phù hợp, nhưng trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét dự thảo luật trên, Tổ công tác ghi nhận ý kiến này để tham mưu, đề xuất chính sách theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn quản lý được.
Trong khi đó, đại diện các Bộ đồng tình bãi bỏ giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và giấy xác nhận đủ sức khỏe đối với người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm với các doanh nghiệp nhập khẩu rượu, theo Nghị định 15 năm 2018. Yêu cầu này gây ra gánh nặng hành chính và chi phí cho doanh nghiệp.
Một vấn đề khác được đề cập tại buổi kiểm tra là bất cập tại Thông tư số 21/2017 về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Cụ thể, Thông tư 21 quy định việc công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu phải bổ sung nhiều thông tin không liên quan gì đến hàm lượng formaldehyt, rồi phải công bố hợp quy cả vải sử dụng cho may… gây khó khăn và tốn chi phí cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết Bộ đã có làm việc với các hiệp hội và có văn bản tháo gỡ, hiện nay còn một số ý kiến. Về công bố hợp quy cả với vải, Bộ cho rằng là cần thiết để kiểm soát theo chuỗi sản xuất. Còn các thông tin mà doanh nghiệp phải kê khai, Bộ sẽ ngồi lại một lần nữa với các doanh nghiệp, nếu không cần thiết thì bãi bỏ.
Cũng tại buổi kiểm tra, nhiều vấn đề đã được mổ xẻ, phân tích cụ thể và đã được các Bộ cam kết sửa đổi và nêu rõ thời hạn xử lý, các vấn đề chưa kịp sửa thì Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các Bộ kiến nghị đưa ngay vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ để xử lý sớm cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác cũng thẳng thắn nêu rõ một số kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp là không hợp lý. Chẳng hạn như kiến nghị không thu hút các dự án dệt may cùng sử dụng nhiều lao động để tránh cạnh tranh, tạo ra biến động lao động lớn.
"Mục đích của việc kiểm tra các Bộ là nhằm lắng nghe nhiều chiều, vừa bảo đảm lợi ích doanh nghiệp, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, vừa bảo đảm lợi ích cộng đồng và mục tiêu quản lý nhà nước. Các Bộ đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận