menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Trung

Dựng 'hàng rào' ngăn đại gia thao túng ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước muốn siết chặt hơn tỷ lệ sở hữu cổ phần, cho vay với nhóm cổ đông để hạn chế "bóng" đại gia phía sau ngân hàng.

Chiều nay, Quốc hội dự kiến thảo luận về Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó với nhiều quy định được đề xuất để khắc phục vấn đề sở hữu chéo.

Sở hữu chéo là hiện tượng ngân hàng này nắm giữ cổ phần tại nhà băng khác, theo đánh giá của nhiều chuyên gia vẫn là tình trạng nhức nhối tại Việt Nam. Theo các đại biểu Quốc hội, sở hữu chéo ngân hàng làm gia tăng một số rủi ro như tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con, cháu). Hoặc một hệ lụy khác là rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan: việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.

Một trong những mục tiêu quan trọng khi xây dựng dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi là phải hạn chế được tình trạng thao túng của nhóm cổ đông và người có liên quan đối với một tổ chức tín dụng. Vì thế, dự thảo Luật tổ chức tín dụng (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định nhằm hạn chế thao túng, tình trạng nhóm cổ đông ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%; giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 5%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 11%.

Dựng 'hàng rào' ngăn đại gia thao túng ngân hàng

Về hạn chế việc chi phối trong quản trị điều hành, dự thảo Luật quy định chặt hơn với các trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ và không cùng đảm nhiệm chức vụ tại tổ chức tín dụng, nhằm hạn chế những người có thẩm quyền tại ngân hàng có thể can thiệp, chi phối, làm thay đổi quyết định của tổ chức tín dụng đó theo hướng có lợi cho nhóm cá nhân, tổ chức chi phối.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung trách nhiệm công khai thông tin về người có liên quan của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, trách nhiệm công bố công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên.

Ngoài ràng buộc tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông tại ngân hàng, cơ quan quản lý cũng dự kiến kiểm soát chặt hơn hạn mức cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan, hạn chế tập trung tín dụng vào một nhóm khách hàng. Tuy nhiên, phương án giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan sẽ được thực hiện theo lộ trình để tránh tác động đột ngột tới hoạt động của các nhà băng.

Theo đó, dự thảo quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động.

Tỷ lệ này ở các tổ chức tín dụng phi ngân hàng lần lượt là 15% và 25%. Tổng các khoản cấp tín dụng của một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối đa 4 lần vốn tự có. Trường hợp cấp tín dụng vượt hạn mức, Thủ tướng sẽ quy định điều kiện, hồ sơ đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa.

Nói về giải pháp việc xử lý sở hữu chéo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào giữa tháng 9, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, nếu chờ có một quy định xử lý triệt để vấn đề này "sẽ không bao giờ có". Bà cho rằng quy định 'siết' sở hữu chéo sẽ giúp đảm bảo an toàn hệ thống và kiểm soát được những rủi ro, nhưng nó sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, sự điều tiết thị trường của nền kinh tế.

Tỷ lệ cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phần tại ngân hàng hoặc vay vốn có thể dễ dàng được thống kê, theo dõi. Tuy nhiên, các ông chủ thực sự nắm quyền chi phối lại không lộ diện trên hồ sơ nếu họ nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần hoặc lập doanh nghiệp "ma" để vay vốn.

Đơn cử, theo kết luận mới nhất của cơ quan điều tra (Bộ Công an) tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB), hồ sơ sổ sách chỉ thể hiện bà Trương Mỹ Lan nắm giữ 4,98% vốn điều lệ. Nhưng trên thực tế, bà Trương Mỹ Lan sở hữu hơn 91% cổ phần nhà băng này thông qua nhờ 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ, tính đến tháng 10/2022. Từ 2012 đến 2022, trên 90% dư nợ cho vay của SCB chảy vào nhóm của bà Lan thông qua hàng ngàn công ty "ma" được dựng lên.

"Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng cũng coi đây là nội dung trọng tâm để điều chỉnh", bà Hồng chia sẻ. Việc kiểm soát tỷ lệ sở hữu của cá nhân và doanh nghiệp cũng khó khăn nếu "họ cố tình để người khác đứng tên thì không xử lý được". Việc này phải có sự tham gia của cơ quan điều tra.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước đánh giá khó có quy định nào xử lý triệt để mà cần phải xử lý tổng thể, trong đó có các nội dung trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và các giải pháp khác như kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký kinh doanh cũng như sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán có liên quan.

Ngoài giảm sở hữu chéo thao túng hoạt động ngân hàng, dự thảo Luật cũng đề cập biện pháp can thiệp sớm ở các tổ chức tín dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng là những quy định còn nhiều ý kiến khác nhau.

Một số ý kiến cho rằng, các quy định can thiệp sớm nêu tại dự thảo luật là vẫn chậm, và cần nghiên cứu sửa kỹ lưỡng. Do đó sau tiếp thu, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng can thiệp sớm hơn. Cụ thể, các cơ quan quản lý sẽ có phương án can thiệp khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lỗ lũy kế hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ.

Về cho vay đặc biệt, dự thảo luật bỏ các quy định liên quan đến ngân hàng được vay đặc biệt tổ chức bảo hiểm tiền gửi, ngân hàng khác và Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Thay vào đó, ngân hàng được vay đặc biệt các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng có thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt lãi suất 0%/năm với các nhà băng bị kiểm soát đặc biệt, do đây là trường hợp sử dụng gián tiếp nguồn lực của Nhà nước trong trường hợp đặc biệt để bảo đảm an toàn hệ thống.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả