Đừng để tham lam và sợ hãi làm mất thành quả
Nhiều người FOMO - thấy người khác xung quanh kiếm tiền nhanh quá, dễ quá thì tự nhiên xuất hiện tâm lý bồn chồn, sợ mình bị bỏ lỡ cơ hội.
Với những người “may mắn”, việc chỉ một thời gian rất ngắn sau khi tham gia đã thấy được lợi nhuận sẽ khiến cho họ trở nên quá tự tin vào bản thân. Sự quá tự tin này khiến cho họ bị say với chiến thắng, chuyển sang một mức độ rủi ro hơn gấp nhiều lần là thay vì thử đầu tư, họ chính thức bỏ nhiều vốn vào đầu tư, thậm chí vay nợ thêm để đầu tư.
Dễ nhìn thấy nhất điều này ở số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân có dùng ký quỹ, nghĩa là vay của công ty chứng khoán để đầu tư nhằm tăng tỷ suất lợi nhuận.Sau một thời gian quan sát những người xung quanh đầu tư và kiếm lời nhanh chóng dễ dàng, tâm lý FOMO sẽ hối thúc một ai đó gia nhập thị trường. Đó có thể là là một mã chứng khoán, một dự án đất nền hay một loại lan đột biến.
Nhưng quy luật của thị trường là “nóng quá thì mưa”, nghĩa là khi giá tăng nhanh đến một mức nào đó thì sẽ có những nhà đầu tư chốt lời, đặc biệt là các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Và khi tín hiệu chính chốt lời từ các tay to được phát ra thì thị trường sẽ xảy ra hiện tượng điều chỉnh, từ nhẹ 5-10% đến nặng là 10-20% sau vài ngày, hay một vài tuần. Với những nhà đầu tư mới, tham gia vì FOMO thì sẽ là những cú sốc lớn nếu all-in vào những cổ phiếu bị giảm giá mạnh, hay trong trường hợp dùng đòn bẩy. Chẳng hạn trong trường hợp dùng đòn bẩy x2, cổ phiếu giảm giá 10% thì mức lỗ là hơn 20% vì phải trả thêm lãi vay.
Nếu như trước đó, thắng được 5-10% trên số vốn nhỏ thì bây giờ khi bỏ số vốn lớn vào, giá giảm mạnh, nhà đầu tư mới khó mà chịu được cú sốc này. Ví dụ như đầu tư thử 10 triệu đồng, sau một tuần lời được 10%, rồi quyết định bỏ hẳn gấp 10 lần vào đầu tư. Lúc này, nếu giảm 5% thì mức lỗ là 5 triệu đồng, gấp 5 lần mức lời trước đó. Và như vậy, khoản lời trước đó bị xóa sạch, và bị lỗ thêm.
FOMO không hoàn toàn xấu, vì có khi đó là một cơ hội tốt, nhưng quan trọng là biết đa dạng hóa để bảo vệ rủi ro: nếu rủi ro cao thì tỷ trọng thấp, không tham đến mức dùng đòn bẩy, và tâm lý vững khi có những đợt điều chỉnh.
Với nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, sự tham lam và sợ hãi được tiết chế dựa trên những tính toán và thông tin được phân tích. Chẳng hạn quan sát thấy mức độ tăng đến một độ nóng nhất định, theo các chỉ số riêng của họ, thì họ sẽ chốt bớt lợi nhuận, giữ lại một tỷ lệ để khi giá có quay đầu thì lợi nhuận mục tiêu ban đầu vẫn đạt được.
Những nhà đầu tư mới thường tâm lý chưa vững, khi thấy giá giảm mạnh sẽ bị hoảng loạn nên dễ dàng bán tháo theo giá thị trường. Khi hoảng loạn, không còn nhớ lại được cổ phiếu nào có yếu tố cơ bản tốt, lý do khi trước mình mua cổ phiếu này là gì mà chỉ muốn bán nhanh nhất có thể.
Tâm lý mua vội bán mau, tham lam và sợ hãi mạnh mẽ thường chỉ có ở những nhà đầu tư ngắn hạn, còn đối với những nhà đầu tư dài hạn thì việc lựa chọn sẽ kỹ hơn, và một khi đã chọn thì họ có mục tiêu dài cho nên những biến động lên xuống trong ngắn hạn không tác động nhiều đến họ. Có những người đầu tư dài hạn theo phương thức tích lũy trung bình giá, những lần mua thêm rơi vào thời điểm điều chỉnh lại là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận