Đừng để nhà đầu tư mất niềm tin
Hầm Hải Vân 2 thông xe tạm 20 ngày trước và sau Tết rồi lại phải đóng cửa đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo về những xung đột giữa nhà đầu tư với Nhà nước trong việc hợp tác công tư.
Với những ai chứng kiến Lễ khánh thành hầm Hải Vân 2 ngày 11/1, có lẽ không ai ngờ được rằng chủ đầu tư lại thẳng thắn phát biểu trước hàng trăm quan khách hầm sẽ chỉ tạm thông để phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán và sau đó phải đóng cửa vì không đủ chi phí vận hành.
Một viễn cảnh xót xa có thể thấy trước, căn hầm hiện đại dài nhất khu vực Đông Nam Á có thể phải bỏ không vô thời hạn cho đến khi nhận được số tiền cam kết góp vốn từ phía Nhà nước.
Nhà đầu tư có sai không? Có thể khẳng định ngay là không. Họ đã hoàn thành dự án đúng yêu cầu, đúng thời hạn, thậm chí vượt tiến độ với những công nghệ hiện đại nhất do người Việt làm chủ.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là gì? Phải nói cho rõ hầm Hải Vân 2 là một trong bốn dự án thành phần thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả, bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, hầm Cù Mông và Hải Vân 2 với tổng vốn đầu tư vốn đầu tư 21.612 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước cam kết hỗ trợ 5.048 tỷ đồng.
Năm 2017, sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, tái định cư hầm Cổ Mã, phần vốn Nhà nước 5.048 tỷ đồng còn lại 1.180 tỷ đồng. Chính phủ đã quyết định sử dụng kinh phí này để giải phóng mặt bằng, tái định cư hai dự án hầm Cù Mông và Hải Vân 2. Tuy nhiên, đến nay tất cả các hầm đã hoàn thành nhưng số vốn này vẫn chưa được bố trí, hoàn trả lại cho các dự án hầm.
Không chỉ vậy, trong 6 trạm thu phí được Nhà nước cam kết cho doanh nghiệp ký hợp đồng thu phí để hoàn vốn dự án, đến nay cao tốc La Sơn - Túy Loan chưa thể thực hiện thu phí.
Rõ ràng, đã có sự vi phạm những cam kết hợp đồng với Nhà đầu tư và đặt nhà đầu tư vào tình thế khó khăn khi phương án tài chính bị phá vỡ. Điều này dẫn đến việc mất khả năng cân đối nguồn trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp dự án, làm mất uy tín của doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư.
Thậm chí một lãnh đạo cao cấp đại diện nhà đầu tư đã phải thốt lên trước báo giới rằng, “chúng tôi rất nản!”
Đáng lo ngại hơn, câu chuyện này không phải chỉ xảy ra ở một hay hai dự án, mà số lượng các dự án kêu cứu đã lên tới hàng chục. Tất nhiên không phải khi nào phần sai cũng nằm hoàn toàn ở phía Nhà nước.
Phát triển kết cấu hạ tầng đã được xác định là một trong ba đột phá chiến lược. Trong khi nguồn vốn nhà nước còn hạn hẹp, vốn ODA không còn ưu đãi thì thu hút nguồn vốn tư nhân lâu nay được coi là giải pháp khả dĩ nhất.
Việc các nhà đầu tư bị phá vỡ phương án tài chính có thể nhìn thấy ngay là họ sẽ không mặn mà với việc hợp tác công tư. Hệ quả tiếp theo là các tổ chức tín dụng cũng sẽ nói không với đầu tư vốn vào phát triển hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng bởi nguy cơ rủi ro cao.
Với việc ngày càng nhiều nhà đầu tư kêu cứu, cũng như không có bóng dáng nhà đầu tư nước ngoài trong phát triển hạ tầng giao thông cho thấy một điều rõ ràng là đang tồn tại vấn đề trong cách ứng xử của nhà nước với nhà đầu tư. Tâm thế của nhiều cơ quan quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường nhưng vẫn chưa thoát ra hết được tâm thế quản lý thời kỳ kinh tế bao cấp, cơ chế xin – cho, không tôn trọng các cam kết trong hợp đồng đã ký.
Niềm tin của nhiều nhà đầu tư PPP đang bị lung lay. Nếu để mất đi niềm tin này, có thể phải rất lâu, hoặc đánh đổi rất nhiều mới có thể gây dựng lại. Thiết nghĩ đã đến lúc cần có một sự thay đổi cho phù hợp, mà ở đó yếu tố công bằng cần phải đặt lên hàng đầu, cam kết hợp đồng phải được tôn trọng trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên. Có vậy mới hi vọng củng cố được niềm tin của nhà đầu tư và thu hút nguồn vốn của khu vực này cho phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận