menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vy Lam

Đừng để doanh nhân ngồi dự bị, làm khán giả xem 'phục hồi kinh tế'

Doanh nhân cho rằng, cơ quản lý nhà nước vẫn chưa nhận thấy tổn thất của doanh nghiệp chính là tổn thất của địa phương. Tư duy xin cho, ngăn cấm và sợ trách nhiệm trong mùa dịch vẫn còn.

Ngày 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam.

Ngăn sông cấm chợ, cục bộ trong toàn cục

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh Nhân trẻ TP.HCM - cho rằng, làn sóng dịch vừa qua là một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, nỗ lực của chính quyền các cấp tại địa phương là đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, tư duy xin cho, ngăn cấm và sợ trách nhiệm vẫn còn xuất hiện ở một số nơi. Các cơ quản lý nhà nước chưa nhận thấy tổn thất của DN chính là tổn thất của địa phương. Từ đó, làm mất đi lợi thế cạnh tranh của quốc gia nói chung và địa phương nói riêng không những ngắn hạn mà còn trong dài hạn.

Ngoài ra, DN chưa được tận dụng như nguồn lực chính cho giải pháp chống dịch và khôi phục kinh tế. Nếu không tận dụng nguồn lực này vào quá trình xây dựng các quyết sách liên quan đến phát triển kinh tế sẽ là sự lãng phí lớn cho đất nước.

“Theo ngôn ngữ bóng đá thì chúng tôi buộc phải ngồi ghế dự bị khá nhiều, thậm chí còn phải làm khán giả trong các trận bóng quan trọng. Mặc dù giải đấu ở đây là khôi phục và phát triển kinh tế”, ông Trường ví von.

Đừng  để doanh nhân ngồi dự bị, làm khán giả xem 'phục hồi kinh tế'
Chủ tịch nước gặp mặt Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ngày 12/10

Nói về tình trạng “ngăn sông cấm chợ” tại các địa phương khi đã xác định sống chung với dịch Covid-19, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, dùng cụm từ “cục bộ trong toàn cục”. Theo ông, các chỉ thị được ban hành đều có ý nghĩa trong công tác phòng, chống dịch nhưng các địa phương lại sử dụng chưa đúng.

“Người ta đi tới Cà Mau mà chưa đến nơi đã bị đuổi về. Địa phận tỉnh anh thì anh có thể cục bộ, xây bít tường luôn cũng được, nhưng đi ngang qua quốc lộ mà bị địa phương chặn lại thì không đúng. Ngoài ra, việc các chuyên gia di chuyển rất cần thiết nhưng họ không nằm trong luồng xanh nên qua các tỉnh/thành rất khó khăn”, ông nói.

Phục hồi kinh tế cần sự nhất quán

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - ông Đặng Hồng Anh đề xuất với Chủ tịch nước và lãnh đạo TP.HCM giải pháp ưu tiên hàng đầu là tạo thuận lợi cho việc di chuyển và vận chuyển của DN. Vì lưu thông giúp người lao động có thể đi làm, công ty có thể mua nguyên vận liệu sản xuất kinh doanh và bán sản phẩm dịch vụ cho đối tác, khách hàng.

Để tránh tình trạng các địa phương làm theo cách riêng của mình, không thống nhất, ông Hồng Anh đề xuất Bộ GTVT có chính sách chung, trước khi ban hành lấy ý kiến các tỉnh/thành. Nếu địa phương không gửi lại coi như đồng ý với văn bản, nếu có ý kiến phù hợp thì chỉnh sửa và ban hành đồng bộ.

Về vốn, cần gói hỗ trợ vốn cho DN như “bơm oxy”. Gói hỗ trợ đó có thể lấy từ nguồn vốn đầu tư công được Quốc hội thông qua trong chiến lược 5 năm; lấy một phần từ dự trữ ngoại hối và từ các ngân hàng thông qua giãn nợ đồng loạt 6-12 tháng. NHNN tại địa phương cần có số hotline để tiếp nhận thông tin DN và hỗ trợ làm việc với ngân hàng trả lời trong vòng một tuần.

Đừng  để doanh nhân ngồi dự bị, làm khán giả xem 'phục hồi kinh tế'
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - Đặng Hồng Anh đề xuất gỡ khó trong lưu thông

Ông Phạm Phú Trường kiến nghị, các cơ quan nhà nước cần nhanh chóng loại bỏ tư duy cũ khi ra chính sách và thay bằng nguyên tắc “luật không cấm thì được quyền làm”. Nếu đủ an toàn thì DN sản xuất chứ không kể ngành nghề.

Đồng thời, chính sách chống dịch và phục hồi kinh tế cần sự nhất quán ở cấp quốc gia vì không gian phát triển của DN hướng đến toàn quốc và toàn cầu. Trong đó, vận chuyển liên tỉnh, lưu thông hàng hóa, giao thương là điều kiện tiên quyết cho DN hoạt động.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, TP đang hoàn thiện “Chương trình Phòng chống dịch và phục hồi kinh tế” từ nay đến năm 2022, với mục tiêu cố gắng phục hồi trong năm 2022 và sau đó là giai đoạn phát triển. Quá trình này đã có sự tham vấn từ cộng đồng DN.

Đối với việc đi lại, lưu thông hàng hóa, TP đang kết nối với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực phía Nam. TP đã làm việc với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh và sắp tới là các tỉnh khu vực ĐBSCL cũng như các địa phương khác để gỡ vướng mắc chứ không đợi cơ chế chung.

Lắng nghe ý kiến của các doanh nhân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 là rất nặng nề, do đó cần có chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh, an dân bởi tâm lý xã hội đang bị sang chấn sau đại dịch. TP.HCM cần có đề án cụ thể để phục hồi kinh tế của TP, không làm đứt gãy chuỗi lao động và các chuỗi cung ứng khác.

Ngoài ra, có biện pháp để thu hút lao động từ các tỉnh về lại TP. Đặc biệt, cần quan tâm đến đời sống người lao động ở các khu công nghiệp, nhà máy, không để tình trạng một phòng trọ 6-7 người ở chật chội, kém vệ sinh. "Yêu nước, đoàn kết, ý chí, sáng tạo và niềm tin" là 5 lời khuyên mấu chốt mà Chủ tịch nước dành cho các doanh nhân trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
6 Yêu thích
2 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại