Đừng để doanh nghiệp nội chậm lớn ngay trên ‘sân nhà’ vì mối lo rủi ro đầu tư
Nhìn từ trường hợp Công ty Giống gia cầm Minh Dư chấm dứt dự án chăn nuôi công nghệ cao, để thấy mối lo rủi ro đầu tư khiến cho không ít doanh nghiệp (DN) chăn nuôi nội địa vẫn chậm lớn ngay trên “sân nhà” so với khả năng phình to của khối ngoại. Đây cũng là vấn đề chung của nhiều DN khối nội nếu như khâu chính sách không hạn chế được những bất cập, cạnh tranh bất công bằng và tiếp tục có những định hướng lâu dài để tránh bị đẩy ra “ngoài cuộc chơi”.
Thông tin mới đây về việc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư quyết định chấm dứt Dự án Chăn nuôi, sản xuất và xuất khẩu thịt, giống gia cầm công nghệ cao 4.0 (có tổng vốn đầu tư 537 tỷ đồng, rộng 80ha) ở tỉnh Bình Định làm cho nhiều người tiếc nuối.
Bức tranh tương phản ở ngành chăn nuôi
Bởi lẽ, dự án này từng nhắm tới có tổng số gà giống 1 ngày tuổi sản xuất là 32,4 triệu con/năm; giết mổ 5,76 triệu con/năm để chế biến ra khoảng 8.640 tấn thịt gà các loại/năm, qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu (XK) vào một số thị trường tại châu Á, châu Âu.
Đứng trước nhiều mối lo rủi ro về đầu tư, cộng với nguy cơ bị “đẩy ra ngoài cuộc chơi” so với khối ngoại, khiến cho nhiều DN nội địa chậm lớn ngay trên “sân nhà”.
Nguyên nhân của việc chấm dứt dự án là vì DN nêu trên khó tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm con giống.
Một số ý kiến cho rằng đây cũng là tâm lý thận trọng chung của không ít DN chăn nuôi nội địa hiện nay trong việc đầu tư dự án mới nhằm dè chừng những rủi ro không chỉ ở vấn đề rủi đầu ra, khó khăn khi XK, sức cạnh tranh kém mà còn ở vấn đề dòng tiền hạn hẹp.
Trong khi đó, ở một diễn biến khác, một DN chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở tỉnh Đồng Nai là Công ty TNHH Koyu & Unitek trong tháng 9/2024 lại đang có kế hoạch mở rộng đầu tư vùng sản xuất gia cầm (xây dựng thêm nhà máy giết mổ, chế biến, mở rộng quy mô sản xuất). Điều này nhằm đẩy mạnh XK các sản phẩm gà chế biến sang nhiều thị trường (trong đó có kế hoạch mở rộng thị trường XK các sản phẩm thịt gà đi Hong Kong và các nước châu Âu).
Đây là DN nước ngoài tiên phong đầu tư chuỗi chăn nuôi khép kín đến giết mổ, chế biến thịt gà XK vào thị trường Nhật Bản. Hiện nay trung bình mỗi tháng DN này giết mổ, chế biến khoảng 1 triệu con gà, sản lượng XK (chủ yếu là các sản phẩm chế biến) tăng lên từ 300-350 tấn/tháng.
Như vậy có thể thấy rõ bức tranh tương phản giữa một DN chăn nuôi nội địa “sức mỏng”, loay hoay đầu ra nên đành từ bỏ một dự án đầu tư chăn nuôi công nghệ cao và một DN chăn nuôi thuộc khối FDI đang ăn nên làm ra, không ngừng mở rộng thị trường XK. Điều này là khó tránh khỏi khi mà các DN chăn nuôi thuộc khối FDI thường có thế mạnh về vốn và trình độ khoa học công nghệ, có chiến lược đầu tư kinh doanh bài bản, hiệu quả hơn.
Rõ ràng đây là một nghịch lý cho ngành chăn nuôi nội địa khi “chậm lớn” ngay trên “sân nhà” khi vẫn còn đối mặt những rủi ro về đầu tư như thủ tục, lãi suất, rủi ro dịch bệnh, các yếu tố đầu vào và đầu ra. Nhất là để có thể đầu tư cho một dự án sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi, các DN đã phải vượt qua không ít khó khăn về khâu thủ tục, tốn kém nhiều thời gian, chi phí.
Bên cạnh đó, như trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, tổng số nhà máy thuộc DN nước ngoài là 32% nhưng chiếm đến 65% thị phần. Bởi vì yếu kém nguồn tự cung ứng nguyên liệu, dẫn đến chi phí sản xuất cao, lại thường xuyên thua lỗ nên các DN chăn nuôi trong nước càng kém cạnh tranh so với DN ngoại (với chuỗi cung ứng ổn định và chi phí thấp hơn).
Cần tránh bị đẩy ra ngoài "cuộc chơi"
Không chỉ ở ngành chăn nuôi, theo giới chuyên gia, chính yếu tố rủi ro đang “kìm chân” nhiều DN nội địa trong việc mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, thậm chí họ còn thu hẹp hoạt động hoặc tạm rút lui khỏi thị trường để bảo toàn.
Điều này có thể thấy rõ từ số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê với số DN rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu của năm 2024 là 135,3 nghìn DN, tính ra bình quân một tháng có hơn 16,9 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Trong đó, riêng tháng 8/2024 có có 5.334 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 5.160 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; có 1.927 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 11,4% so với tháng 7/2024 và tăng 26,0% so với cùng kỳ năm trước).
Ngoài ra, những nghịch lý, bất cập từ khâu chính sách cũng khiến cho các DN nội địa cảm thấy rủi ro cho việc đầu tư của mình và có vẻ thiệt thòi hơn so với các doanh nghiệp FDI.
Đơn cử như trong lĩnh vực đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ông Nguyễn Ngọc Cường, Giám đốc điều hành CTCP Đầu tư EverSolar, đã chỉ rõ thực trạng hiện nay có quá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng ưu đãi của Chính phủ đối với các doanh nghiệp FDI, tận dụng dòng vốn giá rẻ và mối quan hệ sẵn có với các doanh nghiệp FDI để giành lợi thế lớn trong việc đầu tư kinh doanh ở mảng này. Như thế đã đẩy DN Việt Nam ra “ngoài cuộc chơi”, hoặc chỉ có thể làm nhân công hay nhà thầu cho họ với giá trị thấp.
Trong khi đó, theo ông Cường, đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô trên một MW (1250kwp) trở lên thì cần có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư nội địa tham gia trong lĩnh vực này.
“Với giá thành sản xuất điện năng quy đổi (LCOE) rất thấp và nhu cầu điện luôn tăng tỷ lệ thuận theo mức tăng GDP của Việt Nam hiện nay, đây là lĩnh vực mang lại nguồn lợi thương mại rất lớn, trong khi các DN và nhà đầu tư nội địa hoàn toàn có thể đủ nguồn lực tài chính và công nghệ để tự thực hiện”, ông Cường nói.
Hoặc như với ngành thủy sản. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) trong thượng tuần tháng 9/2024 đã có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ để góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Trong đó có nêu rõ tính bất cập của dự thảo này gây khó khăn, bất cập lớn cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở thị trường nội địa.
Cụ thể, theo Vasep, với các thực phẩm mà DN Việt Nam đầu tư sản xuất để cung ứng cho thị trường nội địa, điều quan ngại là việc giảm năng lực cạnh tranh của hàng nội địa so với hàng nhập khẩu. Chưa tính khả năng giá thành hàng nhập khẩu thấp hơn, mà còn tạo sự cạnh tranh bất công bằng khi mà hàng hóa do DN Việt Nam sản xuất nếu có dùng muối thì phải tăng cường I-ốt, sắt, kẽm – nguy cơ sẽ thua ngay trên sân nhà”.
Cho nên, trước mối lo rủi ro đầu tư, việc DN nội địa không tự tin mở rộng quy mô sản xuất hoặc chấm dứt đầu tư dự án là điều rất đáng lo ngại nếu như khâu chính sách không hạn chế được những bất cập và tiếp tục có những định hướng lâu dài để tránh tình trạng “chậm lớn”, thụt lùi ngay trên “sân nhà” so với năng lực mở rộng của khối FDI.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận