Đừng để các nhà đầu tư "tháo chạy" khỏi những ràng buộc trong xây nhà ở xã hội
Quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội (NƠXH) đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục để thúc đẩy phát triển, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách trong giai đoạn tới.
Nhà đầu tư “tháo chạy”
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng từ báo cáo của các địa phương, đến nay, đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng NƠXH dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, bao gồm 507 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với diện tích đất hơn 1.983ha.
Trong đó, đã hoàn thành 248 dự án NƠXH, quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, với tổng diện tích hơn 5.175.000m2; Đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, với tổng diện tích khoảng 10.825.000m2; và 512 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.
Tuy vậy, với tổng diện tích hơn 5.175.000m2 NƠXH đã xây dựng mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều chính sách từ Chính phủ cho phát triển NƠXH, nhưng quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định nhóm đối tượng chính sách xã hội; quy định chủ đầu tư phải dành 20% quỹ nhà ở trong dự á cho NƠXH; quy định về một số thủ tục hành chính còn phức tạp như phải thẩm định về giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua NƠXH...
Một trong những khó khăn nhất đó là về nguồn vốn, quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư đã “tháo chạy” khỏi những ràng buộc liên quan đến việc xây dựng các sản phẩm NƠXH trong dự án nhà ở thương mại.
“Hiện nay, quy định các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị tại các đô thị từ loại 3 trở lên mới bắt buộc phải dành diện tích đất trong dự án cho phát triển NƠXH. Vì vậy, thời gian qua hầu hết các chủ đầu tư dự án có quy mô dưới 10ha đất đều lựa chọn hình thức nộp bằng tiền thay vì dành quỹ đất hay quỹ nhà trong dự án làm NƠXH dẫn đến việc thiếu quỹ đất cho đầu tư NƠXH” - ông Sinh cho hay.
Siết chặt quy định
Mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thảo luận sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH. Đề nghị các địa phương và DN sẽ tập trung trực tiếp vào các nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Nghị định 100/NĐ-CP để xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp nhất, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia chính sách, thúc đẩy phát triển NƠXH.
Chuyên gia tài chính Bùi Danh Mẫn cho biết, thời gian qua các Bộ, ngành đã mất nhiều thời gian để họp, bàn luận và nghiên cứu về các biện pháp sửa đổi, bổ sung các văn bản luật liên quan đến phát triển NƠXH. Nhưng lại chưa xây dựng được một chế tài cần thiết đối với các chủ đầu tư khi không thực hiện nghiêm các quy định.
Có thể thấy một ví dụ điển hình đó là, luật thì quy định những dự án nhà ở thương mại dưới 10ha được phép đóng tiền để quy đổi 20% tích quy định xây dựng NƠXH, nhưng rất nhiều dự án trên 10ha diện tích 20% quy định xây dựng NƠXH vẫn bị “mất hút” mà không có ai bàn đến chế tài xử lý đối với các dự án này.
“Theo tôi, luật có chỗ nào khó thì cần phải sửa đổi, bổ sung, nhưng quan trọng nhất phải có sự siết chặt về quy định và các chế tài dành cho nhà đầu tư nếu không thực hiện đúng. Chúng ta cần loại bỏ tư duy báo cáo khó khăn sau đó xin ý kiến góp ý về giải pháp tháo gỡ, mất thời gian và tốn kém tiền của Nhà nước” - ông Mẫn nhìn nhận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận