menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Văn Hoàng Bùi

Dừng cuộc chơi vì 'trái đắng' của tư vấn bảo hiểm nhân thọ

'Cứ nghĩ mua bảo hiểm để được bảo vệ, nhưng đến khi phát hiện ra mình bị bệnh hiểm nghèo, anh rể tôi mới nhận ra kiếp nạn của mình'.

"Trường hợp của anh rể tôi là một ví dụ rõ nét cho sự thiếu chuyên nghiệp của một bộ phận không nhỏ tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam. Họ chỉ biết đến hoa hồng khi ký được hợp đồng và sau đó thì để khách hàng 'sống chết mặc bay'.

Anh rể tôi mua một gói bảo hiểm bệnh hiểm nghèo. Anh bị u tuyến yên và được bác sĩ chỉ định phải mổ. Khi anh hỏi tư vấn viên, họ nói trường hợp này không được bảo hiểm vì bệnh không nằm trong danh mục. Vì tin tưởng, cũng là chỗ quen biết, trong khi hợp đồng quá dày, nên anh cũng không kiểm tra lại.

Sau đó, anh phải mổ đi mổ lại thêm vài lần nữa. Hơn một năm sau, trong lúc rảnh rỗi, vô tình chị tôi lôi hợp đồng ra đọc lại và phát hiện ra bệnh của anh nằm trong danh sách được bồi thường bảo hiểm. Thế là chị tức tốc gọi lên công ty bảo hiểm để đòi quyền lợi. Cuối cùng, nhân viên bảo hiểm buộc phải hướng dẫn các thủ tục để chi trả cho anh chị.

Thế nhưng, kiếp nạn chưa qua, để được hưởng bảo hiểm, anh chị phải trải qua rất nhiều thủ tục nhiêu khê. Thật sự, tôi thấy bản chất của bảo hiểm rất tốt. Nhưng chính vì những sự việc như vậy làm nhiều người dần mất tin tưởng vào các công ty bảo hiểm".

Đó là chia sẻ của độc giả Nguyễn Trưởng xung quanh những ồn ào trong thời gian qua liên quan đến bảo hiểm nhân thọ. 2023 trở thành năm lao đao của ngành bảo hiểm nhân thọ. Lần đầu tiên sau 10 năm giữ tốc độ tăng trưởng, tổng doanh thu phí bảo hiểm đi lùi, giảm 8,02% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường giảm sâu 44,5%. Cùng với đó là cuộc khủng hoảng về lòng tin của người dùng.

Nói về câu chuyện đạo đức nghề nghiệp của những tư vấn viên bảo hiểm, bạn đọc Koon Sarah nhận định: "Theo tôi, khủng hoảng của ngành bảo hiểm tất cả là do bên bán. Họ thuê những người tư vấn rất 'dẻo miệng', nói thao thao bất tuyệt toàn những lợi lộc 'khủng', nhưng không hề phân tích kỹ thiệt hơn cho người mua bảo hiểm. Rồi họ đưa cho khách hàng cái hợp đồng gần cả trăm trang, đọc hoa cả mắt và bảo ký.

Lúc tư vấn, nhân viên bảo hiểm còn nói theo kiểu đánh tráo khái niệm: 'Anh chị cứ coi đây là gửi tiết kiệm vì vẫn có lãi suất y như ngân hàng. Thêm vào đó, anh chị còn được bảo hiểm sức khỏe khi có ốm đau, tai nạn'. Nhưng khi 'gạo nấu thành cơm', tôi hỏi họ về lãi suất, việc rút tiền gốc và lãi thì phía công ty bảo hiểm trả lời khiến tôi choáng váng:

'Anh chị nên nhớ cho kỹ rằng đây là mua bảo hiểm, không phải các anh chị gửi tiết kiệm mà muốn rút thì rút. Mà cái gì đã mua, đã dùng rồi thì không thể rút. Ai đã tư vấn cho anh chị những điều đấy?'. Đó là nguyên văn lời của cô quản lý chi nhánh bảo hiểm đã trả lời chúng tôi khi các nhân viên tư vấn trước đây đều nghỉ sạch".

Mất niềm tin vào bảo hiểm nhân thọ sau nhiều năm tham gia, độc giả Lethaian thừa nhận: "Người mua bảo hiểm không phải ai cũng khờ đến nỗi mua mà không đọc hợp đồng, nhất là những người có tiền tỷ dư ra để mua bảo hiểm. Cách đây vài tuần, tôi đến công ty bảo hiểm, gặp một loạt khách hàng mang biểu ngữ, đơn từ 'rồng rắn' đi kiện, vì công ty bảo hiểm đã liên kết với ngân hàng nhằm hô biến sổ tiết kiệm của họ thành hợp đồng bảo hiểm. Đến giờ, khách hàng mất sạch cả mấy tỷ, mấy chục tỷ đồng - số tiền tích cóp cả đời của họ.

Vậy 'tam tai' này thuộc về công ty bảo hiểm hay người mua bảo hiểm bị mất tiền oan? Sau khi gặp thêm vài rắc rối, tôi đến gặp nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty bảo hiểm và 'xin dừng cuộc chơi' dù tôi đã tham gia bảo hiểm khá lâu và chưa từng có ý nghĩ dừng hợp đồng trước hạn. Dừng bảo hiểm nhân thọ, tôi hơi hoang mang, nhưng nghĩ rằng tiếp tục đóng thì còn hoang mang hơn. Ở đây, không ai mong nhận về nhiều hơn số tiền mình đã đóng, nhưng niềm tin mà tôi trao cho họ để bảo vệ mình đã không còn nữa".

Đồng cảm với nỗi bức xúc của những người mua bảo hiểm nhân thọ, bạn đọc Minhkt nhấn mạnh: "Hiện nay, có một sự sai lệch nghiêm trọng trong định nghĩa của mọi người về việc 'mua bảo hiểm để làm gì?'. Tôi vẫn rất hay nghe mấy câu đại loại như: 'mua bảo hiểm của hãng nào lời hơn?', 'mua gói bảo hiểm A của công ty X sẽ lời hơn', "'gói A không lời bằng gói B'... Tóm lại, người ta quan tâm đến tiền lời nhiều hơn là bảo vệ, bảo đảm sự ổn định tài chính kể cả khi gặp rủi ro. Đó là một tư tưởng rất sai lầm.

Phải nói rằng, cái sai này cũng bắt nguồn từ chính cách cung cấp thông tin và bán hàng của các công ty bảo hiểm. Khi thuyết phục khách hàng mua bảo hiểm, phía công ty sẽ in bản thảo hợp đồng, trong đó nội dung chính là thể hiện số tiền lời lũy kế mà khách hàng sẽ nhận được theo từng giai đoạn trong tương lai. Còn lại, hầu như họ không nói gì đến các quyền lợi, trách nhiệm của các bên khi xảy ra các rủi ro nhất định.

Theo tôi, chính điều này làm cho người mua nghĩ rằng bảo hiểm là để đầu tư thu về lợi nhuận. Cho nên, để thay đổi quan niệm này rất khó, đầu tiên cần phải bắt đầu từ chính cách bán hàng của các công ty bảo hiểm".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
1 Bình luận 6 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại