Đứng cho vay, quỳ thu nợ: 'Chuyện lạ' con nợ hành hung, đuổi đánh chủ cho vay
Tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính chính thống ở Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua, thậm chí lên tới 20% ở một số công ty khiến hoạt động kinh doạn gặp khó khăn, thậm chí là thua lỗ.
Khi công ty tài chính cũng 'khóc'
Chỉ cần gõ tìm kiếm cụm từ “nhân viên thu hồi nợ”, ngay lập tức xuất hiện nhiều bài báo và video với nội dung “nhân viên thu hồi nợ bị đánh bầm dập”, “nhân viên thu hồi nợ bị đâm trọng thương”, “nhân viên đòi nợ bị con nợ bắt quỳ”…
Câu chuyện nhân viên đi đòi nợ bị 'tấn công' bởi chính những người đi vay tưởng chừng như ngược đời nay đã không còn là chuyện lạ. Việc con nợ đuổi đánh chủ nợ đang là một trong những vấn đề nhức nhối mà các công ty tài chính tiêu dùng phải đối mặt.
Bà Nguyễn Minh Nguyệt, quyền Tổng giám đốc của FE Credit cho biết, thực trạng nhân viên thu hồi nợ bị người đi vay dọa ngược, vu khống tăng mạnh trong thời gian gần đây. Nếu như 2 năm trước, chỉ có 2 nhân viên thu nợ bị con nợ làm khó thì nay con số này đã tăng lên 24 người trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến đầu năm nay, bà Nguyệt chia sẻ.
Vụ việc người đi vay hành hung nhân viên thu nợ tại Quảng Ninh.
Hết dọa nạt, vu khống, nhiều người đi vay rủ nhau lập các hội nhóm “cùng nhau bùng nợ”, “chia sẻ bí quyết bùng nợ tín dụng” trên các trang mạng xã hội. Các hội nhóm này có tới hàng chục nghìn, thậm chí là hàng trăm nghìn người tham gia và hầu như ngày nào cũng có thêm bài đăng mới hỏi về cách bùng nợ.
Những thực trạng “méo mó” này đã góp phần tăng nợ xấu tại các công ty tài chính. Theo Fiin Group, nợ xấu tại các công ty tài chính đã tăng từ 10,7% trong cuối năm 2022 lên 12,5% trong 6 tháng đầu năm 2023. Nhiều công ty có mức nợ xấu lên tới 8 – 10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20% khiến hoạt động kinh doạn gặp khó khăn, thậm chí là thua lỗ khi phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Trong lúc đó, tín dụng đen phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt với nhiều hình thức biến tướng khác nhau. Trong năm thứ 4 thực hiện Chỉ thị số 12, lực lượng công an đã khởi tố 89 vụ án với 434 bị can, có cả người nước ngoài liên quan đến hoạt động cho vay tín dụng đen với lãi suất lên tới hàng nghìn %.
Nhan nhản các hội nhóm dạy nhau cách bùng tiền tín dụng.
Đã là nợ thì phải trả, sao lại bùng?
Theo khảo sát mới đây về hành vi bùng nợ tín dụng tiêu dùng, có tới 51% người tham ra khảo sát cho rằng việc vay tín dụng “dễ vay, dễ quỵt”, dẫn đến việc nhiều người cố tình bùng nợ.
Trong khi đó, 22% cho rằng người đi vay không có tiền trả nợ nên bùng nợ và 27% cho rằng người đi vay không nhận thức được đây là hành vi vi phạm pháp luật.
TS Cấn Văn Lực cho biết: “Cho vay tiêu dùng khác với cho vay thông thường, cho vay của ngân hành thương mại khác với cho vay của công ty tài chính. Trong khi các ngân hàng thương mại hướng đến đối tượng khách hàng đạt chuẩn và trên chuẩn thì các công ty tài chính lại hướng đến khách hàng dưới chuẩn, nhóm đối tượng dễ bị rơi vào khó khăn kinh tế, từ đó dễ đi đến quyết định bùng nợ khi không có tiền trả”.
Sự nhập nhằng giữa tín dụng đen và các công ty tài chính cũng khiến nhiều người dân dễ rơi vào bẫy tín dụng đen. Hiện tại, có 16 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Thế nhưng sự xuất hiện tràn lan của các tín dụng đen gắn mác công ty tài chính cũng như các app cho vay khiến người dân rơi vào ma trận “công ty tài chính”, gặp khó khăn trong việc phân biệt các công ty tài chính được cấp phép với các tổ chức tín dụng đen.
Bên dưới nhiều bài đăng trong một số hội nhóm dạy nhau các bùng nợ tín dụng, không ít người cho rằng các công ty tài chính đều là tín dụng đen và vì thế họ cho rằng việc bùng nợ là đương nhiên bởi “dẫu sao thì các công ty này cũng đều là lừa đảo”. Cứ thế, người nọ rỉ tai người kia, người này dạy người khác cách vay tiền nhưng không trả.
Hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính bị hạn chế hơn nhiều so với các ngân hàng bởi các công ty này cho khách hàng vay không có tài sản đảm bảo. Khi hoạt động thu hồi nợ hoàn toàn dựa vào tín chấp và ý thức trả nợ của khách hàng thì việc người đi vay chây ì, cố tình không trả nợ lại khiến hoạt động thu nợ của các công ty tín dụng khó càng thêm khó.
Hành vi bùng nợ có thể được khép vào hành vi hình sự song gần như 16 công ty tài chính chính thống không muốn kiện tụng vì khoản nợ cho vay tiêu dùng nhỏ trong khi chi phí về thời gian, nhân lực kiện ra tòa thì quá nhiều, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, cho biết.
“Ở Việt Nam chúng ta đang có quan niệm sai lầm, đó là lỗi luôn thuộc về người cho vay chứ không phải người đi vay. Câu chuyện giữa người đi vay và người cho vay giống như va chạm xảy ra giữa ô tô và người đi bộ, khi xảy ra va chạm, lỗi luôn thuộc về người lái ô tô. Rõ ràng là chúng ta có quan niệm chưa công bằng về quyền lợi, trách nhiệm giữa bên vay và bên cho vay”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Theo ông Lực, cần luật hóa quyền lợi và trách nhiệm của cả hai bên vay và cho vay để công bằng hơn, cần cưỡng chế làm sao để người đi vay tâm phục khẩu phục. Đơn cử như cần phải có hệ thống thông tin dữ liệu vay tiêu dùng tín dụng, từ đó có thể công khai cá nhân có hành vi tín dụng xấu trong quá khứ, giúp các công ty tài chính có thêm thông tin trước khi quyết định cung cấp hồ sơ cho vay.Ngân hàng Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng qua các kênh tín dụng chính thức, chú trọng đến một số giải pháp trọng tâm như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, ban hành các văn bản, thông tư về quyết định hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng và đáng chú ý là nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý cho phép quản lý dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp, đại diện MB Shinsei đề nghị.
Theo thống kê của World Bank, khoảng 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức cũng chỉ mới chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp. Chính vì thế, các công ty tài chính có thể được xem là cứu cánh cho những nhu cầu từ nhỏ nhất của người đi vay.
Nếu không kịp thời ngăn chặn sự bành trướng của tín dụng đen và tình trạng bùng nợ tiêu dùng, các công ty tài chính chính thống sẽ là những người đầu tiên chịu thiệt. Nhưng ngay sau đó sẽ là những người tiêu dùng, nhất là những người từng rủ nhau bùng nợ tín dụng bởi chính họ đã tự tay chặn đứng con đường tiếp cận nguồn vốn vay minh bạch, chính thống và được pháp luật bảo vệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận