24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thúy Hạnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đừng chờ có vắcxin mới làm du lịch

Ngoài việc thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn với dịch COVID-19, ngành du lịch cũng cần có kịch bản “sống chung với dịch”, chủ động có giải pháp kích cầu du lịch nội địa chứ không thể chờ đến khi có vắcxin mới làm du lịch.

Nhiều đại biểu là lãnh đạo các địa phương cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã khẳng định như vậy tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020, do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Quảng Nam ngày 28-11.

Kích cầu du lịch nhưng phải đảm bảo an toàn

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng việc bình yên để tập trung phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch lan rộng toàn cầu là một kỳ tích của VN.

Dù vậy, ngành du lịch vẫn còn tập trung đến số lượng mà chưa chú ý nhiều cho chất lượng, môi trường du lịch vẫn còn là một rào cản, việc chuyển đổi số còn chậm, việc tái cơ cấu nguồn khách cũng ì ạch...

"Quan điểm trên hết vẫn là an toàn. Việc giữ được ngành du lịch như hiện nay là cần thiết và sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc chấp nhận rủi ro.

Trong bối cảnh này cần tập trung kích cầu để người dân trong nước đi du lịch. Doanh nghiệp nên ngồi lại cùng Nhà nước để tạo ra một bộ dữ liệu chung cho ngành du lịch để tất cả cùng dùng, cùng hưởng" - ông Đam nói.

Theo ông Võ Anh Tài - phó tổng giám đốc Saigontourist Group, nguy cơ dịch bệnh quay trở lại đang rất cao. Do đó, ngoài việc bằng mọi cách kìm giữ an toàn, ngành du lịch cũng cần có đầy đủ các kịch bản để thậm chí chấp nhận "sống chung với dịch".

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết sau khi thực hiện chủ trương kích cầu du lịch, từ tháng 6-2020 lượng người đi du lịch đã tăng trở lại. Tháng 6-2020, khách nội địa đã tăng 1,5-3 lần so với một tháng trước đó.

Tuy nhiên, yếu tố an toàn cho du khách, người làm du lịch vẫn được đặt lên hàng đầu. Bởi có giữ được an toàn với dịch bệnh, ngành du lịch mới "sống" được.

Ông Dương Phú Nam, tổng giám đốc Tập đoàn Sun World, cho rằng việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, người dân và du khách cảm thấy an toàn với dịch bệnh là yếu tố rất quan trọng không chỉ với ngành du lịch, nên cần tận dụng tốt.

Xu hướng du lịch số, du lịch thông minh

Cũng tại hội nghị, đại diện các địa phương và nhiều doanh nghiệp cho rằng với sự thay đổi hoàn toàn ngành du lịch sau COVID-19, du khách cũng sẽ dịch chuyển qua hình thức "du lịch số".

Do đó, dù muốn hay không, các doanh nghiệp và các điểm đến phải nhanh chóng tiếp cận thích ứng với xu hướng này để không bị trễ nhịp.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, với bề dày văn hóa và di tích nổi tiếng, từ nhiều năm trước địa phương này đã đầu tư rất mạnh cho nền tảng hạ tầng số phục vụ vận hành ngành du lịch.

Đó là việc số hóa các chủ đề quảng bá điểm đến, xây dựng các trải nghiệm thực tế ảo như "Đi tìm không gian hoàng cung Huế"... Du khách khi đến Huế sẽ được trải nghiệm các mô phỏng về không gian tại điểm đến thông qua bảng mô phỏng 3D.

Địa phương này cũng đã xây dựng một số app du lịch Huế trên các kho ứng dụng, ứng dụng du lịch thông minh và kết nối với hệ thống chính quyền như công an, Sở Du lịch, trung tâm hỗ trợ du khách. Đặc biệt, việc cấp thẻ du lịch cho khách tới Huế cũng đã được triển khai.

Ông Lê Khắc Hiệp, phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cũng cho rằng trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống đã không đáp ứng đủ.

Vì vậy, việc chuyển đổi số sẽ giảm bớt chi phí, giúp hệ thống quản trị doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn.

Trong năm 2021, Vinpearl sẽ tiếp tục tập trung tăng cường tương tác và trải nghiệm cho khách hàng, hoàn thiện các nền tảng số để tăng trải nghiệm trực tuyến cho du khách.

"Đặc biệt, tập đoàn sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng AI, big data để đo lường thị hiếu, nhu cầu của du khách. Qua đó đón đầu xu hướng và nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh của thương hiệu nói riêng và của du lịch VN nói chung" - ông Hiệp nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN Vũ Thế Bình cho rằng cần phân chia trách nhiệm giữa Nhà nước với doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số mà vai trò Nhà nước là phải đi trước.

"Cơ quan quản lý phải xây dựng bộ dữ liệu big data du lịch, đầu tư nền tảng hạ tầng kỹ thuật. Sau đó doanh nghiệp sẽ đầu tư hệ thống của mình để ráp nối và tạo thành một hệ sinh thái" - ông Bình nói.

Lượng khách bay tăng mạnh

Theo ông Lê Hồng Hà - phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, nhờ hiệu ứng của hai đợt kích cầu (tháng 6 và tháng 9-2020), lượng khách bay trên các chuyến bay của Vietnam Airlines tháng 6-2020 vượt 30% so với cùng kỳ năm 2019, tới tháng 9 cũng vượt 29%.

Đừng chờ có vắcxin mới làm du lịch

Du khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài (tháng 11-2020) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Ông Đinh Việt Phương, tổng giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet, cho rằng trong bối cảnh khó khăn, một điều "kỳ diệu" đã tới với ngành hàng không là lượng khách bay đã tăng vọt sau kích cầu. Riêng Vietjet, lượng khách bay đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019, đường bay bận rộn nhất của Vietjet là Hà Nội - Đà Nẵng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả