Đừng biến hướng dẫn viên thành... 'cảnh sát'?
Một dòng trong nghị định 45/2019 vừa có hiệu lực đang gây ra nhiều bối rối và hoang mang trong giới kinh doanh du lịch.
Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, trong đó quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ bị phạt tiền từ 80 đến 90 triệu đồng với hành vi để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật.
Chúng tôi công nhận nghị định 45/2019 cố gắng đưa hoạt động du lịch vào nề nếp. Nhưng nghị định này xem ra xuất phát từ quan niệm rằng người đi du lịch đều mua chương trình trọn gói của doanh nghiệp, đi theo đoàn lớn, có hướng dẫn viên đi kèm.
Quan niệm như vậy không khớp với thực tế, bởi các dịch vụ du lịch rất đa dạng. Điều này cũng trái với định nghĩa về hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành trong Luật Du lịch 2017: là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch...
Kể cả khi đoàn khách đi theo chương trình trọn gói, nhiệm vụ của hướng dẫn viên là quán xuyến chỗ ăn chỗ ở, điểm tham quan, phương tiện vận chuyển, thuyết minh rã rời cả ngày. Đến tối dẫn khách đi chơi, mua sắm, giải quyết vô số trục trặc có thể xảy ra.
Liệu hướng dẫn viên cần bao nhiêu đôi tai và bao nhiêu con mắt để "quản chế" toàn bộ du khách trong một đoàn trung bình 15-20 người? Theo tôi, việc bắt các công ty du lịch thành "cảnh sát" là không thực tế.
Để quản khách, công ty du lịch chỉ còn cách thắt chặt khâu xét duyệt hồ sơ xin visa. Nhưng trừ Hàn Quốc và Nhật Bản hiện trao một phần trách nhiệm sơ tuyển hồ sơ visa, tất cả các nước khác đều tự xét duyệt visa cho du khách mà không quan tâm đến vé máy bay hay chương trình tour là của công ty du lịch.
Vậy ngay cơ quan lãnh sự của quốc gia đã không nghi ngờ khách bỏ trốn, đồng ý cấp visa cho khách thì công ty du lịch liệu có cơ sở gì để phán đoán người khách đó có thể trốn lại để từ chối dịch vụ?
Muốn áp dụng chế độ phạt, phải có biện pháp quản lý. Hay hình phạt đưa ra chỉ là cái thòng lọng hờ, để đến khi có vụ đình đám nào hay dư luận lên án gắt quá thì đem ra áp dụng?
Dĩ nhiên, công ty du lịch nào tạo dựng hồ sơ giả, tham gia các đường dây buôn người, vượt biên... phải bị trừng trị thích đáng. Khi đó, vụ việc đã trở thành hình sự, không đơn thuần là hành chính nữa.
Công ty du lịch chỉ nên bị phạt như trong trường hợp Hàn Quốc và Nhật Bản khi công ty du lịch được ủy thác một phần, có trách nhiệm trong việc sơ tuyển hồ sơ; và bị xử lý bởi quốc gia có luật pháp bị vi phạm - tức là nước đến chứ không phải nước đi.
Các doanh nghiệp lữ hành đang nín thở chờ đợi hướng dẫn thực hiện nghị định. Cần có diễn giải thỏa đáng: thế nào là "để" trong cụm từ "để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài...". Nghị định 45/2019 vừa ban hành, không dễ rút lại nhưng khi làm hướng dẫn, cần rất thận trọng.
Cần cả biện pháp ngắn và dài hạn
Nếu chính quyền thấy việc công dân bỏ trốn ở nước ngoài làm mất thể diện quốc gia và muốn ngăn chặn (hay giảm thiểu) nên tăng cường các biện pháp cả ngắn và dài hạn, như tuyên truyền để mọi người hiểu thực trạng của tình trạng lao động bất hợp pháp.
Cứ nghiên cứu kỹ để thực hiện
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận