Dừng bán vốn nhà nước tại 54 doanh nghiệp nước sạch
Thủ tướng vừa ban hành quyết định dừng bán vốn nhà nước tại 54 doanh nghiệp nước sạch trong năm 2020.
Nội dung này nằm trong Quyết định số 908/QĐ-TTg “Phê duyệt danh mục có vốn nhà nước thực hiện thoái đến hết năm 2020” do Thủ tướng ký ban hành ngày 29.6.
Với quyết tâm cổ phần hóa, Chính phủ ban hành danh mục bắt buộc các công ty có vốn nhà nước phải thoái vốn trong năm 2020. Trong đó, tập trung tại các lĩnh vực nhà nước không cần kiểm soát vốn như xây dựng, bất động sản, nông nghiệp, cơ khí…
Riêng đối với lĩnh vực nước sạch, trước đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 18.7.2017. Theo đó, một loạt các công ty nước sạch trên khắp cả nước sẽ thoái vốn nhà nước theo từng tỷ lệ nhất định. Đặc biệt, nhiều công ty giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống dưới 50% (nhà nước không chi phối, kiểm soát).
Sau quyết định này, thị trường nước sạch cạnh tranh khốc liệt, nhiều bất ổn, đặc biệt là các thương vụ mua bán, thâu tóm, sáp nhập của nước ngoài. Báo Thanh Niên cũng đã đăng tải loạt bài cảnh báo về thương vụ tỷ phú Thái Lan thâu tóm 34% cổ phần Nhà máy nước sạch Sông Đuống. Sự việc đã làm nóng dư luận, được đại biểu Quốc hội, chuyên gia tranh luận và bày tỏ nhiều lo ngại về chất lượng, an ninh nguồn nước…
Thời điểm hiện tại, với Quyết định 908, Chính phủ đã đưa vào phụ lục danh sách 54 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước chưa thực hiện thoái vốn trong năm 2020.
Trong số này, rất nhiều công ty nhà nước chỉ còn sở hữu tỷ lệ cổ phần dưới 50% như: Công ty CP Cấp thoát nước Bình Thuận (36%), Công ty CP Cấp thoát nước Bắc Kạn (36%); Công ty CP Cấp nước Nam Định (49,5%); Công ty CP Cấp nước Nghệ An (38,5%)…
Như vậy, 54 doanh nghiệp cấp nước sẽ dừng thoái vốn nhà nước trong năm 2020 để rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn trong giai đoạn 2021-2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận