Đức tăng mục tiêu trữ khí đốt vì lo Nga siết cung
Đức nâng mục tiêu dự trữ khí đốt lên mức 95% vào thời điểm 1/11, bất chấp việc đường ống Nord Stream 1 hoạt động lại.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck hôm 21/7 cho biết chính phủ sẽ yêu cầu các kho dự trữ khí đốt phải đầy 95% vào ngày 1/11, cao hơn so với mục tiêu cũ là 90%. Động thái này làm tăng khả năng chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz can thiệp vào việc quản lý dự trữ.
Ông Habeck cũng cảnh báo các công ty điều hành kho lưu trữ khí đốt rằng quyền kiểm soát các cơ sở có thể bị tước bỏ nếu họ không tuân thủ.
Bất chấp việc Nga đã nối lại hoạt động của đường ống khí đốt Nord Stream 1 hôm 21/7, Đức vẫn cảnh giác cao độ. Nước này cho biết phải đến năm 2024 mới có thể chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu lo ngại Điện Kremlin sẽ một lần nữa siết dòng chảy khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt.
"Trên thực tế, Nga đang sử dụng sức mạnh rất lớn mà chính chúng ta đã trao cho họ để tống tiền châu Âu và Đức. Điều này cho thấy họ là yếu tố không an toàn trong hoạt động cung cấp năng lượng", ông Habeck nói.
Siegfried Russwurm - Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức cho rằng vẫn còn phải xem liệu dòng khí có thực sự chảy trong dài hạn và với số lượng đã thỏa thuận theo hợp đồng hay không. "Đức và châu Âu không được để Nga tống tiền chính trị", ông nói.
Dự trữ khí đốt của Đức hiện đầy khoảng 65%. Theo tiến độ của mục tiêu mới, các kho khí đốt phải đầy 75% vào ngày 1/9 và 85% ngày 1/10. Chính phủ Đức cũng đã chốt gói cứu trợ mới dành cho hãng năng lượng hàng đầu nước này - Uniper. Hãng này đang gánh mức lỗ hàng chục triệu euro mỗi ngày.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết, chính phủ có thể mua 30% cổ phần Uniper. Việc này sẽ cho họ quyền phủ quyết với các quyết định quan trọng của công ty.
Chính phủ Đức cũng đã kích hoạt bước thứ hai trong ba bước của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt. Bước cuối cùng sẽ cho phép chính phủ phân bổ nguồn khí đốt theo hạn mức.
Ông Habeck cho biết chính phủ cũng đang cân nhắc các giới hạn nghiêm ngặt về sử dụng khí đốt. Ví dụ, chính phủ có thể cấm người dân làm nóng các bể bơi tư nhân bằng khí đốt.
Chính phủ Đức đang phải đối mặt với điều mà Janis Kluge, nhà phân tích về Nga của Viện Quốc tế và An ninh Đức ở Berlin, gọi là "một sự cân bằng rất mong manh" trong cách thức giao tiếp với công chúng. "Một mặt, họ phải vận động mọi người tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm xăng và nói với người dân rằng tình trạng khẩn cấp về năng lượng có thể xảy ra vào mùa đông. Nhưng mặt khác, họ cũng không muốn vì thế mà bị chỉ trích về chính sách trừng phạt và sự ủng hộ đối với Ukraine", ông nói.
Berlin đang nỗ lực mua thêm khí đốt từ Hà Lan, Na Uy và Mỹ. Chính phủ đã dành 2,94 tỷ euro (3 tỷ USD) để thuê bốn bến nổi khí hóa lỏng. Họ hy vọng chúng sẽ hoạt động vào giữa mùa đông, giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng năng lượng dẫn đến suy thoái kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận