Đức ngăn chặn nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp y tế
Chính phủ Đức ngày 20.5 thông qua quy định mới cho phép chính phủ ngăn chặn nước ngoài thâu tóm các công ty trong lĩnh vực y tế.
Theo quy định, chính phủ Đức có quyền hạn mới là chặn doanh nghiệp nước ngoài mua lại những công ty sản xuất vắc xin, dược phẩm, thiết bị và máy móc y tế như máy thở, nếu xác định thương vụ đó đe dọa lợi ích quốc gia.
Chính phủ Đức sẽ được phép kiểm tra và đánh giá bất kỳ nhà đầu tư nào bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) muốn mua hơn 10% cổ phần công ty trong lĩnh vực y tế, thấp hơn so với ngưỡng trước đây là 25%, theo Reuters.
Động thái này diễn ra sau khi có thông tin chính phủ Mỹ định mua lại Curevac, một công ty công nghệ sinh học đang phát triển vắc xin phòng bệnh Covid-19.
Các quan chức chính phủ Đức đã lên tiếng khẳng định phải giữ công ty này là của Đức và Curevac đã từ chối đề nghị từ phía Mỹ.
Ngoài ra, Đức và một số nước thành viên EU khác như Ý, Tây Ban Nha và Ba Lan cũng đang áp dụng các biện pháp đề phòng nguy cơ nước ngoài, nhất là Trung Quốc, thâu tóm doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Chính phủ những nước này đã siết chặt quy định về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng, quốc phòng và công nghệ để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Hôm 17.5, chính trị gia Đức Manfred Weber, lãnh đạo liên minh chính trị Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trong Nghị viện châu Âu, kêu gọi EU ban hành lệnh cấm 12 tháng đối với nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua lại công ty châu Âu.
"Các công ty Trung Quốc, đa phần nhận được hỗ trợ từ quỹ nhà nước, đang cố mua lại những công ty châu Âu dễ bị thâu tóm hoặc đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19. Chúng ta phải chấm dứt tour mua sắm của người Trung Quốc", ông Weber nói.
Giới chức Đức từng gọi vụ Trung Quốc thâu tóm công ty robot Kuka ở bang Bavaria năm 2016 là “một lời cảnh tỉnh”, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ những bộ phận chiến lược của nền kinh tế.
Hồi năm 2018, tập đoàn lưới điện Trung Quốc có kế hoạch mua cổ phần của công ty điều hành lưới điện 50Hertz ở Đức. Ngân hàng quốc doanh Đức KfW đã vào cuộc để ngăn chặn kế hoạch này sau khi chính phủ Đức không thể tìm được nhà đầu tư tư nhân thay thế ở châu Âu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận