Đức lần đầu thâm hụt thương mại trong ba thập kỷ
Do khủng hoảng Ukraine, nền kinh tế lớn nhất châu Âu chứng kiến kim ngạch nhập khẩu năng lượng tăng vọt trong khi xuất khẩu đi lùi.
Cụ thể, xuất khẩu tháng 5 của Đức đã giảm 0,5% so với tháng 4, trong khi nhập khẩu tăng 2,7%. Kết quả là cường quốc công nghiệp này đã nhập siêu một tỷ euro, tương đương khoảng một tỷ USD. Trong khi đó, thặng dư thương mại của Đức vào tháng 4/2022 và tháng 5/2021 lần lượt là 3,1 tỷ euro và 13,4 tỷ euro.
Đây là tháng đầu tiên thâm hụt thương mại kể từ năm 1991, sau khi nước Đức thống nhất. Thay đổi bất ngờ này làm tăng thêm các khó khăn khác, bao gồm tác động của giá năng lượng cao đối với chi tiêu hộ gia đình và mối đe dọa của việc phải phân bổ khí đốt nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung.
"Dữ liệu vĩ mô cho thấy Đức phụ thuộc như thế nào vào nhu cầu nước ngoài cũng như nguồn cung cấp nguyên liệu thô, năng lượng và các sản phẩm trung gian của nước ngoài", Oliver Rakau, Nhà kinh tế tại Oxford, cho biết. Theo ông, trên tất cả các mặt, kinh tế Đức đang bị thách thức.
Thay đổi cán cân thương mại của Đức một phần được thúc đẩy bởi giá năng lượng tăng cao, khi khủng hoảng Ukraine nổ ra. Điều đó dẫn đến giá trị nhập khẩu từ Nga và các nhà cung cấp năng lượng khác tăng vọt, trong khi xuất khẩu của Đức sang Nga giảm mạnh do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong 5 tháng đầu năm, nhập khẩu của Đức từ Nga đã tăng 54,5% so với cùng kỳ một năm trước đó, trong khi xuất khẩu giảm 29,8%.
Thâm hụt của Đức với Trung Quốc cũng đã tăng lên vào năm 2022. Vào tháng 5, nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 35% so với tháng 1, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc ít thay đổi.
Ngược lại, thặng dư của Đức với Mỹ đã tăng lên, với xuất khẩu tăng hơn một phần năm trong 5 tháng đầu năm. Nhiều nhà xuất khẩu của Đức tăng cường tập trung vào thị trường Mỹ sau khi triển vọng kinh tế của Trung Quốc suy giảm.
Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu sắp tới của Đức dường như đang suy yếu khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và lo ngại suy thoái ở Mỹ và châu Âu tăng lên. Cuộc khảo sát của các nhà sản xuất Đức cho biết các đơn đặt hàng xuất khẩu trong tháng 6 đã giảm tháng thứ tư liên tiếp.
Một số đối tác thương mại chính của Đức đã không hài lòng với thặng dư lâu dài của nước này, coi đó là dấu hiệu cho thấy Đức không hỗ trợ đầy đủ cho nhu cầu trong nước, mà dựa vào thị trường nước ngoài.
Vào tháng 6, Bộ Tài chính Mỹ liệt kê Đức nằm trong số 12 quốc gia "đáng chú ý đến các thực hành tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô". Cơ quan này ước tính thặng dư thương mại của Đức với Mỹ tăng lên 73 tỷ USD vào năm 2021, từ mức 57 tỷ USD vào năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận