menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Huyền Trang

Đức dốc sức thoát phụ thuộc năng lượng Nga

Đức quyết tâm thoát khỏi sự phụ thuộc về năng lượng Nga

Đức đang dồn lực thực hiện nhiều phương án, làm việc với hàng loạt đối tác nước ngoài nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, tiến tới thoát phụ thuộc Nga.

Vài ngày sau khi nhậm chức Phó thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế Đức hồi tháng 12/2021, Robert Habeck đã yêu cầu các quan chức cấp cao nhất dưới quyền mình đánh giá chi tiết về tình trạng phụ thuộc của đất nước vào năng lượng Nga. Kết quả khiến ông bị sốc.

Đức chủ yếu dựa vào nguồn hydrocarbon từ Nga để cung cấp năng lượng cho xe cộ, nhà máy hay sưởi ấm các hộ gia đình vào mùa đông và không có kế hoạch dự phòng nào nhằm đảm bảo những nguồn cung khác, ông Habeck nói. Chính phủ Đức không có phương án thay thế khả dĩ nào cho nguồn năng lượng nhập từ Nga.

Ông Habeck được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế Đức sau một chiến dịch vận động tranh cử với lời hứa giảm bớt mối quan hệ giữa nước này với Nga, quốc gia mà ông cho là ngày càng trở nên đối địch với phương Tây. Habeck cho biết chỉ sau khi nhậm chức, ông mới nhận thấy tầm quan trọng to lớn của nhiệm vụ mà mình hướng đến.

"Tôi đã thầm nghĩ rằng 'tình thế chúng ta đang gặp phải thực sự là một thảm họa'", ông nói. "Tôi không thể chịu trách nhiệm nếu tiếp tục kéo dài tình trạng bất lực hoàn toàn, khủng khiếp này".

Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhập khẩu than Nga từ giữa tháng 8/2021 và đang thảo luận về một lệnh cấm dầu Nga nhằm phản đối chiến dịch quân sự ở Ukraine. Các quan chức EU cho biết họ sẽ giải quyết vấn đề nhập khẩu khí đốt Nga ở những giai đoạn tiếp theo, phần lớn do Đức và một số quốc gia thành viên khác vẫn còn bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn năng lượng này.

Nga tuần trước công bố các biện pháp nhằm hạn chế hoạt động mua bán khí đốt với châu Âu, mà theo ông Habeck sẽ khiến khí đốt chuyển tới Đức giảm 10 triệu mét khối mỗi ngày, tương đương khoảng 3% lượng khí đốt xuất khẩu hàng năm của Nga sang Đức.

"Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí", ông nói.

Khi bà Angela Merkel từ chức thủ tướng Đức cuối năm ngoái, những chính sách của bà nhằm đảm bảo nguồn năng lượng giá rẻ cho đất nước đã khiến nguồn cung từ Nga chiếm hơn 55% lượng khí đốt, 50% than và 35% dầu mà Đức tiêu thụ. Đức là khách hàng khí đốt của Nga lớn nhất thế giới và là một trong những quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng Nga.

Trong những tuần sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2, Đức đã chi hàng tỷ USD nhằm giảm tình trạng phụ thuộc vào năng lượng Nga, giành quyền kiểm soát các nhà máy thuộc sở hữu của Nga ở Đức, thay đổi luật để đẩy nhanh những kế hoạch phát triển năng lượng bị đình trệ và tìm kiếm nguồn cung mới ở nước ngoài.

Phó thủ tướng Habeck cũng cảnh báo các doanh nghiệp và cử tri phải chuẩn bị cho kịch bản giá năng lượng tăng và tình trạng thiếu hụt nhiên liệu có thể xảy ra vào mùa đông tới.

Nhiều nhà kinh tế cho biết việc cắt giảm nhập khẩu năng lượng Nga có thể làm suy yếu nền kinh tế vốn tập trung vào sản xuất và xuất khẩu của Đức sau hai thập kỷ phát triển không ngừng.

Các tập đoàn Đức lưu ý năng lượng giá rẻ, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, rất cần thiết đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời cảnh báo nhiều nhà máy sẽ phải phải đóng cửa nếu thiếu chúng. Một số nhà kinh tế ước tính GDP của Đức có thể giảm tới 6% nếu nguồn cung nhiên liệu từ Nga bị chặn.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp Đức đã phàn nàn về tác động của tình trạng giá năng lượng tăng cao. Martin Brudermuller, giám đốc điều hành tập đoàn hóa chất BASF, cho rằng việc chấm dứt nhập khẩu năng lượng Nga sẽ đẩy nền kinh tế Đức vào cuộc khủng hoảng lớn nhất sau Thế chiến II.

"Thách thức lớn nhất của Đức là thích ứng với mô hình kinh doanh mới. Năng lượng giá rẻ từ Nga đã không còn và lợi thế cạnh tranh của Đức cũng vậy", Simone Tagliapietra, giáo sư thỉnh giảng về năng lượng tại Đại học Johns Hopkins chi nhánh châu Âu, bình luận.

Ông Habeck là thành viên hàng đầu của đảng Xanh trong liên minh cầm quyền ở Đức. Đảng này trong nhiều năm qua liên tục kêu gọi hành động nhằm chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, yếu tố quan trọng khiến Trái đất nóng lên và gây ra biến đổi khí hậu.

Sau khi nhậm chức, một trong những động thái đầu tiên của Habeck là "thay máu" đội ngũ cấp cao của Bộ Kinh tế, trong đó có nhiều tổng cục trưởng. Thay thế họ là những quan chức trẻ hơn, được đề bạt từ cấp cơ sở, thậm chí từ ngoài khu vực công, nhằm thay đổi chính sách năng lượng đã được duy trì nhiều thập kỷ.

Ông cũng liên tục công du tới nhiều nước trên thế giới để ký những hợp đồng dầu khí mới và thúc đẩy cải tiến những nhà máy lọc dầu vốn được thiết kế để chỉ xử lý dầu của Nga. Ông phê chuẩn đầu tư hàng tỷ USD xây dựng các trung tâm nhập khẩu khí đốt tự nhiên mới và mạng lưới đường ống dẫn nhiên liệu trên khắp đất nước.

11 tuần sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, chính phủ Đức cho biết nước này đã giảm phụ thuộc vào than, dầu mỏ và khí đốt Nga lần lượt 8%, 12% và 35%. Habeck khẳng định Đức có thể loại bỏ hoàn toàn than và dầu mỏ Nga vào cuối tháng 5, tiến tới chấm dứt nhập khẩu khí đốt Nga vào năm sau. Đức đã nỗ lực tìm được những nguồn cung mới và người dân cũng bắt đầu cắt giảm nhu cầu năng lượng.

Dù vậy, Phó thủ tướng Đức thừa nhận vẫn còn nhiều thách thức lớn phía trước. "Tôi sẽ không ăn mừng cho đến khi dòng khí đốt và dầu mỏ đáng tin cậy chảy vào đất nước. Chúng ta chưa đến được cái đích đó", ông nói.

Đức bắt đầu chịu phụ thuộc vào năng lượng Nga từ thời Chiến tranh Lạnh, khi Tây Đức cung cấp ống thép cho Liên Xô để đổi lấy khí đốt giá rẻ. Tình trạng phụ thuộc ngày càng tăng lên trong nhiệm kỳ 16 năm của thủ tướng Merkel. Chính quyền của bà đã ủng hộ xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt quan trọng giữa Nga và Đức là Nord Stream 1 và 2. Công ty năng lượng nhà nước Nga Gazprom đã mua lại cơ sở lưu trữ khí đốt lớn nhất châu Âu và nhà sản xuất dầu mỏ Nga Rosneft cũng nắm phần lớn cổ phần tại một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Âu, cả hai đều ở Đức.

"Chúng ta đang gánh chịu hậu quả vì cho phép một công ty năng lượng Nga có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn cung của mình", một báo cáo từ chính phủ Đức mới đây kết luận, đề cập đến Rosneft.

Vào thời điểm Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng hai, Đức đang trả khoảng 208 triệu USD mỗi ngày để nhập khẩu năng lượng Nga.

Đức dốc sức thoát phụ thuộc năng lượng Nga
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire ở Paris, ngày 7/2. Ảnh: Reuters.

Ông Habeck không gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực loại bỏ than Nga, bởi nguồn cung than toàn cầu rất dồi dào và nước Đức cũng có trữ lượng khổng lồ dễ dàng tiếp cận, vận chuyển.

Với dầu mỏ, Đức nhiều thập kỷ qua đã phụ thuộc vào nguồn dầu Nga được vận chuyển qua những đường ống chuyên dụng. Các cảng của Đức gặp hạn chế đáng kể về khả năng tiếp nhận tàu dầu siêu lớn từ các nhà cung cấp khác và thiếu đường ống vận chuyển dầu mỏ từ bờ biển đi khắp đất nước. Hai quan chức chính quyền cho biết hầu hết các container được sử dụng để vận chuyển dầu bằng đường sắt cũng đã bị loại bỏ.

Habeck cho biết Bộ Kinh tế Đức không có nhiều kinh nghiệm về tìm nguồn cung cấp dầu mỏ thay thế vào thời điểm ông nhậm chức, vì thế ông đã tiếp cận các giám đốc điều hành của Shell và TotalEnergies cũng như những nhà phân tích độc lập để xin lời khuyên, cuối cùng tiến hành một nghiên cứu nhằm xác định các phương án thay thế phù hợp.

Những hợp đồng mới ký với Na Uy và các quốc gia Vùng Vịnh đã giúp ông giảm đáng kể nguồn cung dầu mỏ của Nga. Nhưng vận chuyển là một vấn đề lớn và nhà máy lọc dầu Schwedt quan trọng ở miền đông nước này, nơi cung cấp hầu hết nhiên liệu cho các phương tiện giao thông cũng như sưởi ấm, lại do Rosneft kiểm soát. Giới chức Đức cho hay tập đoàn này không quan tâm đến việc lọc những nguồn dầu không đến từ Nga.

Một phần của giải pháp có thể nằm ở Gdansk, Ba Lan, cảng trên biển Baltic gần biên giới Đức. Cảng này có khả năng tiếp nhận tàu dầu siêu lớn và được kết nối với nhà máy lọc dầu thông qua đường ống Druzhba do Nga xây dựng. Ba Lan có quyền kiểm soát đoạn đường ống đi qua lãnh thổ của mình.

Hồi tháng hai, ông Habeck đã đến Ba Lan để gặp người đồng cấp Anna Moskwa, theo giới chức hai nước. Ba Lan sẵn sàng giúp đỡ với một điều kiện: Đức phải giành quyền kiểm soát nhà máy Schwedt từ tay tập đoàn Nga. Ba Lan, quốc gia gần như đã loại bỏ hoàn toàn nguồn năng lượng Nga, muốn Đức cũng có hành động tương tự.

Các quan chức Đức cho hay quy định hiện tại không cho phép họ quốc hữu hóa nhà máy Schwedt. Một luật mới dự kiến được thông qua trong tháng này sẽ cho phép chính phủ tịch thu những tài sản như nhà máy lọc dầu Schwedt.

Habeck nhiều lần nhấn mạnh phần khó nhất trong sứ mệnh của ông là đưa đất nước thoát phụ thuộc khí đốt Nga, vốn được cung cấp chủ yếu qua đường ống Nord Stream 1. Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 đã sẵn sàng hoạt động, nhưng Đức từ chối phê duyệt nó sau khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine. Đức đã chi khoảng 20 tỷ USD để xây dựng đường ống này trong 16 năm qua.

An ninh năng lượng Đức phụ thuộc rất lớn vào khí đốt, do nước này đã quyết định loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện than. Khí đốt khó vận chuyển hơn dầu nên không dễ thay đổi nhà cung cấp.

Cơ quan quản lý năng lượng và viễn thông Đức hiện đảm nhận quyền quản lý tài sản của Gazprom tại nước này từ ngày 4/4, theo hai quan chức Đức giấu tên.

Gazprom đã để kho chứa khí đốt ở Đức gần như trống rỗng trước mùa đông năm ngoái. Một phụ tá của Thủ tướng Olaf Scholz cho hay Berlin đã bắt đầu lên kế hoạch tiếp quản cơ sở này vì họ nghi ngờ nó có thể tạo thêm đòn bẩy ngoại giao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông chuẩn bị phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Nhằm "cai" khí đốt Nga, ông Habeck đã tìm cách mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nhà cung cấp như Mỹ và Qatar. Nhưng LNG cần được vận chuyển bằng tàu thủy trước khi tái khí hóa tại các cơ sở cảng đặc biệt mà Đức hiện không có.

Trước khi xung đột Ukraine nổ ra, Phó thủ tướng Habeck cho hay ông đã được thông báo rằng quá trình xây dựng một trạm xử lý LNG trên bờ Biển Bắc của Đức sẽ mất đến 4 năm, nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. Nhưng khi chiến sự bùng phát và căng thẳng năng lượng leo thang, Đức cần một phương án khẩn trương hơn.

Các quan chức mới của Phó thủ tướng Habeck đã tìm ra giải pháp: Những con tàu khổng lồ được gọi là trạm LNG nổi có thể đi vào hoạt động chỉ sau vài tháng. Có 48 cơ sở như vậy trên thế giới và chỉ có 5 cơ sở được cho thuê, tất cả đều thuộc sở hữu của Hoegh LNG Na Uy và công ty Dynagas, Hy Lạp. Đức muốn thuê 4 trong số đó.

Ngày 16/3, ông Habeck đến Na Uy, một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn nhất châu Âu, để thuyết phục thành công Thủ tướng Jonas Gahr Store tăng sản lượng khí đốt giao cho Đức.

Sau đó, ông gặp chủ tịch Hoegh LNG Morten W. Hoegh tại một khu nghỉ mát ven biển ở Oslo và nói rằng Đức cần thuê trạm LNG nổi của công ty trong 10 năm. Hoegh đã đồng ý với đề nghị "rất hấp dẫn" của Đức. Các quan chức của ông Habeck cũng đưa ra lời đề nghị tương tự với Dynagas.

Habeck, Hoegh và người sáng lập Dynagas George Prokopiou đã ký hợp đồng thuê trạm LNG nổi tại một sự kiện ở thành phố Wilhelmshaven hôm 5/5. Quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng neo đậu cho trạm LNG nổi đầu tiên, con tàu dài 300 mét tên Esperanza của Hoegh, đã bắt đầu. Nó sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay, trước khi con tàu thứ hai tên Giant được chuyển tới.

Hai con tàu của Dynagas, Transpower và Transgas, dự kiến hoạt động vào đầu năm sau.

Chính phủ Đức thông báo họ sẽ chi khoảng 3 tỷ euro (gần 3,16 tỷ USD) trong ngân sách hiện tại để duy trì hoạt động cho các trạm LNG nổi, song tổng chi phí thuê tàu trong một thập kỷ chưa được công bố.

Theo ước tính của chính phủ, khi 4 trạm LNG nổi hoạt động hết công suất, Đức có thể chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt Nga.

Đức cần khoảng 95 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Nord Stream, đường ống dẫn của Nga, có công suất 55 tỷ mét khối/năm. Một trạm LNG nổi có thể sản xuất khoảng 5 tỷ mét khối, phần còn lại sẽ đến từ LNG nhập khẩu của các nước láng giềng như Hà Lan.

Ông Habeck hy vọng người tiêu dùng và các doanh nghiệp Đức sẽ tiết kiệm khoảng 10% mức tiêu thụ khí đốt trung bình hàng năm.

"Với tình hình năng lượng hiện nay, việc chúng ta phải làm là tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm", Phó thủ tướng Habeck phát biểu trước quốc hội hôm 12/5.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo nỗ lực cai khí đốt Nga sẽ đi kèm với cái giá không nhỏ. James Huckstepp, chuyên gia tại công ty tư vấn S&P Global Commodity Insights, cho rằng các nhà cung cấp khí đốt lớn như Qatar và Mỹ khó có khả năng tăng cường xuất khẩu trước năm 2024, để lại một khoảng trống lớn mà châu Âu chắc chắn sẽ phải vật lộn để lấp đầy.

"Năm tới, thị trường LNG toàn cầu sẽ cạnh tranh hơn rất nhiều so với hiện nay và giá LNG mà Đức nhập khẩu sẽ cao hơn nhiều so với khí đốt từ Nga", ông nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại