Đức chỉ trích chiến thuật 'tiêu thổ' của Nga ở Ukraine
Thủ tướng Đức chỉ trích Nga dùng chiến thuật "tiêu thổ", phá hủy hạ tầng ở Ukraine, cho rằng điều này khiến phương Tây quyết tâm ứng phó Moskva hơn.
"Chúng ta sẽ không làm ngơ trước hoạt động leo thang gần đây của Nga... Chiến thuật tiêu thổ sẽ không giúp Nga chiến thắng, mà chỉ củng cố hơn nữa sự đoàn kết và quyết tâm của Ukraine cùng các đối tác", Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước Hạ viện hôm nay.
Chiến thuật tiêu thổ là thuật ngữ chỉ hoạt động phá hủy nhà cửa, đường sá, cầu cống, công trình kiên cố, kho tàng, cơ sở vật chất... nhằm ngăn chặn đối phương sử dụng những công trình này.
Ông Scholz còn cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đang sử dụng năng lượng và nạn đói làm vũ khí, nhưng chưa thể bẻ gãy được tinh thần đoàn kết của phương Tây.
Nga chưa bình luận về phát ngôn của ông Scholz. Moskva trước đó nhiều lần khẳng định không vũ khí hóa năng lượng, cho rằng tình hình hiện tại là do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt để đáp trả Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Thủ tướng Đức đưa ra bình luận trong bối cảnh lực lượng Nga gần đây tuyên bố tiếp tục dùng vũ khí chính xác tập kích mục tiêu quân sự và hạ tầng năng lượng ở Ukraine, nhưng không nêu rõ chủng loại vũ khí được sử dụng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Nga đã phá hủy khoảng 30% số trạm điện ở nước này trong một tuần. Cơ quan khẩn cấp Ukraine cho biết các đợt tập kích khiến hơn 1.100 địa phương mất điện.
Ông Scholz còn tuyên bố Đức đã thoát phụ thuộc khí đốt Nga và đang nỗ lực để hạ giá năng lượng, bao gồm tìm kiếm hợp đồng nguồn cung từ các quốc gia khác.
Đức, cũng như các quốc gia thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU), đang đối mặt một mùa đông đầy thách thức, trong bối cảnh giá khí đốt và giá điện tăng vọt, với nguồn cung từ Nga giảm đáng kể. Lãnh đạo 27 nước EU sẽ họp thượng đỉnh trong hai ngày 20 và 21/10 tại Bỉ, tìm cách ứng phó khủng hoảng năng lượng, dù nội bộ còn bất đồng về đề xuất áp giá trần khí đốt.
15 quốc gia, trong đó có Pháp và Ba Lan, muốn áp giá trần khí đốt dưới một hình thức nào đó, nhưng Đức và Hà Lan phản đối mạnh mẽ. Đức là nền kinh tế lớn nhất, mua nhiều khí đốt nhất châu Âu, còn Hà Lan là cửa ngõ giao dịch khí đốt chính của châu lục này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận