Đưa trái xoài Ba Màu xuất ngoại
Huyện Chợ Mới là địa phương đi đầu trong tỉnh An Giang chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, chủ yếu là xoài Ba Màu.
Từ năm 2015 đến nay, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã chuyển dịch hơn 4.600 ha; trong đó, chuyển dịch từ đất lúa 2.860 ha sang trồng màu và cây ăn trái, chủ yếu là xoài Ba Màu. Đi đầu trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng là xã Tấn Mỹ, xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân đã chuyển toàn bộ gần 1.800 ha lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, chủ yếu xoài Ba Màu.
Đến nay, Chợ Mới đã hình thành vườn cây ăn trái lên đến gần 6.500 ha tăng 666 ha, cây xoài vẫn là cây chủ lực với 5.707 ha, chiếm 88% diện tích cây ăn trái của toàn huyện; trong đó, có 127 ha xoài Ba Màu tại 3 xã cù lao Giêng nói trên đã đạt chứng nhận VietGAP với 137 hộ tham gia. Hiện xoài Ba Màu của An Giang chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và một số lượng ít được xuất khẩu vào thị trường Australia, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi Cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang, cho biết, giống xoài Ba Màu trồng ở huyện Chợ Mới có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) với tên gọi là Jin-Hwung, có trọng lượng trái lớn nhất trong 6 giống xoài được trồng phổ biến ở Đài Loan.
Hiện nay, xoài Ba Màu được trồng khá nhiều trong tỉnh An Giang với diện tích khoảng 7.000 ha, chủ yếu trồng tập trung ở 3 xã Cù lao Giêng huyện Chợ Mới. Xoài Ba Màu thu hoạch 2 vụ/năm, sản lượng thu hoạch trung bình đạt 15 tấn/ha.
Theo ông Hiền, xoài Ba Màu của huyện Chợ Mới chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng phần lớn lượng xoài Ba Màu được tiêu thụ thông qua thương lái, chưa có các doanh nghiệp xuất khẩu bao tiêu trực tiếp.
Trong khi đó, các hộ đã tham gia chương trình VietGAP thì giá bán vẫn chưa có sự khác biệt giữa xoài đạt chuẩn VietGAP và xoài sản xuất không có chứng nhận VietGAP. Tại huyện Chợ Mới, hiện chỉ có hai cơ sở là Hợp tác xã trái cây Bình Phước Xuân, Hợp tác xã trái cây GAP Chợ Mới.
Nhưng các hợp tác xã này hoạt chưa mạnh, bước đầu có kết hợp với Công ty Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) xây dựng mã code vùng trồng xoài Ba màu để xuất khẩu sang Đài Loan, Australia nhưng số lượng chưa nhiều, tuy đã có xuất đợt hàng xuất khẩu đầu tiên với lượng xuất khẩu khoảng 64 tấn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang: Xoài Ba Màu của An Giang hiện gặp phải 3 khó khăn là chưa có nhãn hiệu tập thể; chưa có sản phẩm chế biến từ xoài Ba Màu và phát triển xoài Ba màu chưa kết hợp du lịch sinh thái vườn.
Nếu các điểm nghẽn này được tháo gỡ kịp thời, xoài Ba Màu của An Giang sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu và chinh phục các thị trường khó tính trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang ông Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định, chỉ khi xây dựng nhãn hiệu tập thể cùng với việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm xoài Ba Màu, mới kỳ vọng được liên kết trực tiếp với doanh nghiệp xuất khẩu. Từ đó mới có thể nâng giá bán xoài Ba màu đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Xoài là một trong những loại trái cây đã được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, do đó nếu có nhãn hiệu tập thể để dễ dàng truy xuất nguồn gốc, thì xoài ba màu của An Giang mới có nhiều cơ hội được các doanh nghiệp ưu tiên trong bao tiêu sản phẩm, cũng như xuất khẩu ổn định hơn”, ông Lâm nói.
Hiện sản xuất kinh doanh xoài Ba Màu tại An Giang vẫn theo quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay là Trung Quốc càng thắt chặt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ nông sản, thì xoài Ba Màu sẽ gặp khó khăn về xuất khẩu.
Hiện nay, Chợ Mới đang tiến hành dự án "Xây dựng mô hình sản xuất xoài Ba Màu có quy mô 500 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm”, đây là bước thuận lợi để xoài Ba Màu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cũng như thị trường Australia, Đài Loan... Huyện cũng đã thành lập các hợp tác xã liên quan đến xoài Ba Màu, nhưng sự tham gia còn chưa tích cực; nhất là trong vấn đề tiêu thụ.
Theo Ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang, hiện vẫn chưa có các doanh nghiệp, cơ sở chế biến các sản phẩm từ xoài Ba Màu, chỉ có chế biến xoài Cát Chu làm dưa xoài. Trong khi đó, hiện có khoảng 10% sản lượng xoài Ba Màu không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ tiêu thụ nội địa. Do đó, nếu có các sản phẩm chế biến từ xoài Ba Màu sẽ góp phần gia tăng hiệu quả cho ngành xoài Ba Màu của huyện Chợ Mới.
Ông Vũ Minh Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Nếu có những sản phẩm chế biến từ xoài Ba Màu vừa tạo thêm giá trị gia tăng, tận dụng xoài không đạt chuẩn xuất khẩu nhưng đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay An Giang vẫn chưa có các nghiên cứu về quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ xoài Ba Màu để chuyển giao cho các cơ sở, cũng như doanh nghiệp chế biến.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới: Tại ba xã Cù Lao Giêng, cũng là vùng trồng xoài Ba Màu chính của huyện Chợ Mới, tuy có tour du lịch tâm linh, nhưng chưa kết hợp với du lịch sinh thái tham quan vườn xoài. “Ở đây cũng đã bắt đầu manh nha phát triển các homestay tự phát. Nếu các vườn xoài Ba Màu được thiết kế thành sản phẩm của các tour du lịch tâm linh tại ba xã Cù Lao Giêng sẽ giúp tăng thu nhập cho hộ trồng xoài, giúp tiêu thụ xoài Ba Màu, thông qua khách du lịch cũng là một kênh marketing về xoài Ba Màu ở huyện Chợ Mới”, ông Thao cho biết thêm.
Để tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển xoài Ba Màu cũng như phát triển mô hình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh An Giang sẽ tăng cường năng lực vận hành các tổ chức cho Hợp tác xã Trái Cây GAP Chợ Mới; hỗ trợ dịch vụ phát triển kinh doanh; hỗ trợ các hoạt động nối kết thị trường và quảng bá sản phẩm xoài Ba Màu gắn với du lịch tâm linh Cù lao Giêng và phát triển sản phẩm chế biến từ xoài Ba Màu.
Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang sẽ hỗ trợ cho các hợp tác xã trồng xoài Ba Màu xây dựng nhãn hiệu tập thể đạt chứng nhận VietGAP; tư vấn cho Hợp tác xã Trái cây GAP Chợ Mới xây dựng kế hoạch marketing trung và ngắn hạn trong phát triển sản phẩm xoài Ba Màu; tư vấn cho các tổ chức hợp tác xã triển khai các hoạt động trong chiến lược marketing.
Song song đó, tập huấn kiến thức kinh doanh và thị trường cho hợp tác xã trong sản xuất kinh doanh xoài Ba Màu; tư vấn cho các hợp tác xã xây dựng kênh phân phối cho sản phẩm xoài Ba Màu và tham gia và tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm xoài Ba Màu trong và ngoài nước….
Ông Nguyễn Sĩ Lâm cũng cho biết, thời gian tới sẽ hỗ trợ các hoạt động nối kết thị trường và quảng bá sản phẩm xoài Ba Màu gắn với du lịch tâm linh Cù lao Giêng; hỗ trợ xây dựng trang web giới thiệu về xoài Ba Màu và các sản phẩm du lịch như: tham quan vườn xoài, homestay, trải nghiệm trong sản xuất xoài…
Theo Quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, xoài Ba Màu được phát triển thành vùng chuyên canh tại 3 xã Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, là Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân với diện tích khoảng 2.700 ha giai đoạn 2016-2020, và nhân rộng diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 254 ha thuộc các xã Tấn Mỹ (50 ha), xã Mỹ Hiệp (126 ha), xã Bình Phước Xuân (78 ha).
Trên cơ sở phát triển từ vùng xoài chuyên canh, đầu tư phát triển theo hướng GAP gắn với du lịch sinh thái tại 3 xã Cù Lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới cho đối tượng xoài cát Hòa Lộc và xoài Ba Màu đặc biệt ưu tiên cho thị trường cấp cao để tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân. Đây là yếu tố thuận lợi cho việc phát triển cây ăn trái nói chung và xoài Ba Màu nói riêng ở huyện Chợ Mới…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận