Đưa nông sản Việt ra thế giới
Ngoài quả xoài, Sơn La còn phát triển nhiều loại cây ăn quả thế mạnh khác như chuối, nhãn, chanh leo, mận hậu. Không chỉ đáp ứng thị trường trong nước, các sản phẩm này còn được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ...
Mới đây, UBND huyện Yên Châu - tỉnh Sơn La đã tổ chức “Ngày hội Xoài Yên Châu năm 2019” nhân dịp lần đầu tiên mặt hàng xoài Yên Châu được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ, Anh và sản phẩm chuối Yên Châu chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu. Đây cũng là thành quả sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng của tỉnh Sơn La trong việc tìm kiếm đầu ra bền vững cho nông sản địa phương.
Giới thiệu sản phẩm xoài đến với khách hàng |
Ngày hội vừa nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu xoài Yên Châu nói riêng, xoài Sơn La nói chung; tôn vinh người trồng xoài; tạo cơ hội cho người trồng xoài được giao lưu học hỏi, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc, nâng giá trị sản phẩm xoài. Đồng thời, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư; thúc đẩy hợp tác giữa người trồng xoài với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; bảo tồn, phát triển giống xoài tròn Yên Châu mang chỉ dẫn địa lý, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Theo số liệu thống kê, diện tích xoài toàn tỉnh hiện là 15.700 ha với sản lượng khoảng 35.500 tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 7.500 tấn. Vùng nguyên liệu xoài trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy được ưu thế có quả trái vụ so với các vùng trồng xoài trong nước và các nước lân cận.
Để chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, Anh, các doanh nghiệp đã đầu tư đồng bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác (rải vụ, bao trái, áp dụng quy trình quản lý chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGap…); Vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật và APHIS (Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ) cấp mã số để quản lý và truy xuất nguồn gốc.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, tỉnh Sơn La đã xác định chính xác những vùng trồng và giống phù hợp với thổ nhưỡng nên sản phẩm có đặc trưng riêng về mẫu mã, hương vị. Mặt khác, địa phương cũng làm rất tốt việc kết nối giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân; tập trung cao cho chương trình xây dựng thương hiệu gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất – cung ứng – chế biến đến xuất khẩu.
Ngoài quả xoài, Sơn La còn phát triển nhiều loại cây ăn quả thế mạnh khác như chuối, nhãn, chanh leo, mận hậu. Không chỉ đáp ứng thị trường trong nước, các sản phẩm này còn được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ...
Trước đó, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã tổ chức Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hoá, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang năm 2019. Hiện giá quả vải thiều chín sớm bình quân đạt từ 30 – 50 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là năm mà chất lượng vải thiều đạt cao nhất của tỉnh. Hiện Bắc Giang đã chuẩn bị và đáp ứng đầy đủ các điều kiện để xuất khẩu trái vải đến các thị trường.
Vải thiều được biết đến là cây ăn quả chủ lực của tỉnh Bắc Giang với diện tích trên 28.000 ha, trong đó một nửa diện tích trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap. Quả vải thiều của tỉnh được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia). Sản lượng hàng năm đạt trên 150.000 tấn thì có khoảng gần 50% sản lượng vải thiều được xuất khẩu. Ngoài ra, cơ quan chức năng Trung Quốc đã chấp thuận 149 mã vùng trồng vải thiều của tỉnh Bắc Giang với 86 cơ sở đóng gói xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc tạo điều kiện cho doanh nghiệp và thương nhân nước ngoài đến thu mua vải theo hợp đồng thương mại chính thức.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận