'Đua nhau' làm phố đi bộ?
Liên tiếp nhiều quận tại TP.HCM đề xuất xây dựng các tuyến phố đi bộ kéo theo lo ngại phá vỡ quy hoạch chung, ảnh hưởng tới giao thông, đô thị TP.
Quận nào cũng muốn phố đi bộ
Mới đây, trong buổi làm việc với Quận ủy Q.3 của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác, ông Phạm Thành Kiên, Bí thư Quận ủy Q.3, cho biết UBND quận đã xây dựng đề án chỉnh trang, cải tạo tuyến đường Nguyễn Thượng Hiền và khu vực hồ Con Rùa thành hai tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm Q.3. Hiện quận đang lấy ý kiến các sở ngành liên quan để hoàn chỉnh đề án, dự kiến trình UBND TP.HCM trong tháng 12 này. Lãnh đạo Q.3 đánh giá việc hình thành các tuyến phố đi bộ sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa về đêm của người dân, kích hoạt thêm tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội của quận. Đồng thời, kết hợp cùng phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của TP, từ đó khai thác tiềm năng kinh tế đêm còn đang bỏ ngỏ.
Không chỉ riêng Q.3, thời gian gần đây, rất nhiều địa phương đã đề xuất, triển khai mô hình phố đi bộ, phố ẩm thực quy mô cấp quận. Mới nhất, Q.10 vừa chính thức chạy thử phố đi bộ Kỳ đài Quang Trung (nằm trước chợ Nguyễn Tri Phương) sau nhiều tháng rục rịch chuẩn bị. Phố đi bộ kết hợp mua sắm, ẩm thực này được xây dựng gần chợ Nguyễn Tri Phương, bắt đầu từ ngã ba Nguyễn Lâm - Bà Hạt đến Nguyễn Lâm - Nhật Tảo, có chiều dài hơn 100 m. Thời gian mở bán dự kiến từ 18 - 22 giờ hằng ngày. Dự kiến, giữa tháng 12, phố đi bộ Kỳ đài Quang Trung sẽ chính thức hoạt động.
Trước đó, UBND Q.4 đã nhiều lần đề xuất xây dựng các tuyến đường đi bộ, hình thành chợ đêm để phát triển du lịch, kinh tế đêm cho quận cũng như TP. Song, do vướng nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa xây dựng được phương án giao thông thuyết phục, chợ đêm Q.4 vẫn chưa thể hình thành. Hiện tuyến đường Vĩnh Khánh (Q.4) đang được tổ chức thành khu phố ẩm thực nhưng thực tế chỉ là “tụ điểm” của những quán ốc, hải sản, chưa được quy hoạch thành phố ẩm thực đúng nghĩa.
Mặt khác, Sở GTVT TP.HCM cũng đang lấy ý kiến các sở, ngành góp ý cho đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP. Khu vực được nghiên cứu bao gồm đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Quách Thị Trang, Tôn Đức Thắng và khu vực xung quanh nhà thờ Đức Bà. Đề án này đã được Sở GTVT xây dựng kế hoạch từ đầu năm 2017 với không gian đi bộ trên 8 tuyến đường: Đồng Khởi, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Đức Thắng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần và Trần Cao Vân nhưng vấp phải ý kiến trái chiều của nhiều chuyên gia quy hoạch do lo ngại không khả thi về tổ chức giao thông.
Kẹt xe có thể gia tăng
Trao đổi với Thanh Niên, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho rằng việc quy hoạch các không gian đi bộ trong khu đô thị đang là xu hướng. Nếu có thể liên kết nhiều tuyến đi bộ với nhau, nhất là ở khu trung tâm TP thì sẽ có tác dụng tốt cho đô thị, giảm giao thông cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường, tăng không gian công cộng để phục vụ người dân… Tuy nhiên, một đô thị có nhiều điểm phố đi bộ rời rạc thì không nên. Phố đi bộ phải hài hòa với tổ chức giao thông đô thị, quan trọng nhất là nghiên cứu để phân luồng giao thông hợp lý, không cản trở lưu thông và phát triển.
Theo vị này, tuyến phố đi bộ kéo dài từ hồ Con Rùa qua các di tích, điểm du lịch nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, kéo dài tới bến Bạch Đằng, nối với Nguyễn Huệ, Lê Lợi… đã có trong quy hoạch chung của TP từ nhiều năm trước và phù hợp với ý đồ điều chỉnh quy hoạch chung của TP sau này. Tuy nhiên với thực trạng giao thông TP hiện nay, vẫn phải nghiên cứu thật kỹ lời giải cho giao thông.
“Làm phố đi bộ không phải phong trào mà phải theo nhu cầu thực tế và tính khả thi về giao thông. Phải có đánh giá tổng thể trên địa bàn quận về quy hoạch, sự cần thiết, phương án tổ chức giao thông như thế nào. Hình thành phố đi bộ phải đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho quận và quan trọng nhất là phục vụ người dân”, vị này nhấn mạnh.
KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích: Quỹ đất dành cho giao thông ở TP.HCM hiện nay quá thấp, không đủ cho xe cộ di chuyển. Trong điều kiện không thể tăng diện tích đất dành cho giao thông, còn giảm xuống, đóng nhiều tuyến đường tại nhiều khu vực để hình thành phố đi bộ thì chắc chắn sẽ gây kẹt xe khu lân cận. Bản thân người dân địa phương cũng di chuyển bất tiện. Chưa kể các đề xuất phố đi bộ đều chỉ chú trọng vào cảnh quan mà quên đi bài toán phố đi bộ chỉ khả thi nếu giải quyết được vấn đề giao thông, đảm bảo giao thông lân cận không kẹt xe, người đến phố đi bộ có đủ không gian gửi xe, đi xe công cộng thì xuống bến nào, đi tới, đi về thế nào…
Phố đi bộ nên nghiên cứu, quy hoạch ở tầm TP, không nên chia nhỏ lẻ, manh mún theo quy hoạch từng quận, huyện. Quy mô như TP.HCM chỉ cần 2 - 3 khu phố đi bộ tại khu vực trung tâm. Hiện phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện chưa hoàn chỉnh, còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển. Mở rộng Bùi Viện - công viên 23 Tháng 9; quy hoạch tuyến chạy dài từ hồ Con Rùa đến bến Bạch Đằng, nối với trục Nguyễn Huệ, Đồng Khởi; triển khai tiếp tuyến phố đi bộ dọc sông Sài Gòn theo đúng quy hoạch là đủ không gian đi bộ hợp lý cho TP.HCM.
Nên chuyển qua định hướng các tuyến phố thân thiện cho người đi bộ
KTS Ngô Viết Nam Sơn hiến kế: “Phố đi bộ đúng nghĩa là đóng giao thông lại để dành không gian cho người dân đi bộ. Không phải chỗ nào cũng làm được mà chỉ có một vài khu vực nhất định mới khả thi và không nên khuyến khích mỗi quận có một khu phố đi bộ. Các quận, huyện nếu có nhu cầu, nên chuyển qua định hướng các tuyến phố thân thiện cho người đi bộ. Những tuyến phố này không cấm xe mà sẽ chỉnh trang, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, khuyến khích làm dịch vụ thương mại ở hai bên đường nhưng chọn những khu lề đường đủ rộng. Có luồng cho xe lưu thông, có vỉa hè cho khách bộ hành và không gian đủ để khách ngồi ăn uống, vui chơi ngoài trời”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận