Đưa ngành du lịch cất cánh bằng bệ phóng kinh tế ban đêm
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, kinh tế ban đêm cần được xác định là một chiến lược quan trọng giúp du lịch Đà Nẵng bứt phá trong giai đoạn hậu Covid-19 và phát triển bền vững trong tương lai.
Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế ban đêm
Từ đầu năm nay, đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại rất lớn đối với ngành du lịch Việt Nam. Riêng đối với TP. Đà Nẵng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tổng lượng khách tham quan, du lịch trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,87 triệu lượt, giảm 55,9% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng hơn 667.000 lượt, giảm 62,2%; khách nội địa đạt khoảng 1,2 triệu lượt, giảm 51,4%. Ước tính, thiệt hại do Covid-19 gây ra trong 6 tháng đầu năm đối với ngành du lịch và lưu trú rơi vào khoảng 5.672 tỷ đồng.
Để khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng, bên cạnh việc triển khai chương trình kích cầu du lịch tạo được tác động tốt, sức lan tỏa cao, ngành du lịch đã chủ động triển khai nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó, phát triển kinh tế ban đêm có thể được xem là một trong những đòn bẩy quan trọng vừa phục vụ mục tiêu trước mắt là khôi phục hoạt động du lịch sau dịch, vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Tại TP. Đà Nẵng, kinh tế ban đêm đang dần hình thành trong thời gian gần đây với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có. Thứ nhất, hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế ban đêm tương đối hiện đại, đồng bộ. Các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn rất đa dạng, phong phú như: các bãi biển đẹp, các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực đặc sắc… đang đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến ưa thích cho du khách trong và ngoài nước.
Cụ thể, về hoạt động, dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, thư giãn, có thể kể đến các khu vui chơi quy mô lớn như Sun World Đà Nẵng Wonders (Công viên châu Á); Khu du lịch suối khoáng nóng Núi Thần Tài tổ chức hoạt động đón khách đến vui chơi giải trí, thưởng thức ẩm thực vào ban đêm; Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài tại Crowne Plaza, Furama Resort, One Opera (hoạt động 24/24h); Các show diễn như Charming Đà Nẵng, Áo dài show, Hồn Việt, Trầm tích sông Hàn; Các hoạt động sự kiện lễ hội hai bên bờ sông Hàn... (hoạt động đến khoảng 22h); Phố đêm, phố đi bộ: đang hình thành khu phố du lịch tại An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn)...; Hoạt động bar/vũ trường, tụ điểm ca nhạc như Sky36 (Khách sạn Novotel), F29 Sky Bar (Khách sạn Golden Bay), Sky21 Bar (Khách sạn Belle Maison)...
Công ty Cổ phần Tập đoàn Sun World (thuộc Tập đoàn Sun Group) đã tiên phong hình thành những sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí về đêm tại Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, nhiều phố chuyên doanh ẩm thực cũng đã được hình thành như: Phố ẩm thực đêm Phạm Hồng Thái, đoạn đường chuyên doanh ẩm thực văn minh thương mại Lê Thanh Nghị, chợ đêm Sơn Trà...
Ngoài ra, các dịch vụ tham quan du lịch về đêm cũng có nhiều điểm nhấn có thể kể đến: tour du lịch đường thủy nội địa thưởng ngoạn sông Hàn; Tour xích lô thưởng ngoạn trung tâm thành phố; nhiều điểm nhấn kiến trúc để tham quan check-in buổi tối như cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, Sun Wheel (Vòng quay mặt trời), cầu Tình yêu...
Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế ban đêm, thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch và bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Cần có chiến lược dài hạn
Đà Nẵng cần xác định kinh tế ban đêm như là một chiến lược quan trọng tạo ra sự cạnh tranh giúp du lịch bứt phá phát triển trong giai đoạn hậu Covid-19 và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Việc phát triển kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch góp phần quan trọng giúp tăng chi tiêu, tăng ngày lưu trú, giải quyết việc làm, đem lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp phục vụ du lịch cũng như các doanh nghiệp khác trên địa bàn, bởi sức lan tỏa của du lịch trong phát triển kinh tế rất lớn và thực sự được khẳng định.
Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của kinh tế đêm gắn với kích cầu du lịch, Sở Du lịch Đà Nẵng đề xuất triển khai một số giải pháp, cụ thể như sau:
Về lâu dài, thành phố sẽ thực hiện quy hoạch và dành quỹ đất cho các cụm/khu vực trọng điểm phát triển kinh tế ban đêm riêng biệt với khu dân cư để định hướng, kêu gọi đầu tư khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt, hấp dẫn, chất lượng và tiêu chuẩn ngang tầm các điểm đến quốc tế.
Giai đoạn 1 (dự kiến từ năm 2021 - 2023) sẽ thí điểm chọn các dịch vụ sẵn có trên 4 khu vực gồm: Phố du lịch An Thượng, tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành để hoàn thiện và khai thác phát triển.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2023 - 2025) sẽ xác định một số khu vực trọng điểm gồm: Phố du lịch An Thượng, mở rộng đến đường Nguyễn Văn Thoại; tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo và mở rộng ra đường Như Nguyệt, Chương Dương; tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành; khu du lịch Sun World Bà Nà Hills; khu vực làng Vân và một số khu vực riêng biệt nằm ở phía Tây thành phố.
Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills.
Thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động, dịch vụ ban đêm tại một số khu vực phù hợp; trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua một số cơ chế chính sách như hỗ trợ miễn phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè; hỗ trợ tiền thuê đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước biển, bãi biển; hỗ trợ tiền điện, nước trong khung giờ từ 22h đêm đến 4h sáng; hỗ trợ tiền thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và đảm bảo an ninh trật tự, phí quảng cáo treo phướn và bảng quảng cáo, chi phí tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng và kinh phí cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ làm ngoài giờ hành chính để đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...
Việc xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và đào tạo lực lượng tham gia phục vụ phát triển dịch vụ kinh tế ban đêm là rất quan trọng, để loại bỏ dần tính hai mặt của mô hình kinh tế nhiều tiềm năng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận