Đưa danh mục vượt qua biến động
Thị trường chứng khoán đang đứng trước những biến động khó lường khi nhìn vào yếu tố vĩ mô của kinh tế thế giới cũng như một số vấn đề nội tại, đòi hỏi nhà đầu tư lựa chọn danh mục phù hợp để hưởng được thành quả phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Nhận diện biến động
Những thông tin chính thống cũng như đồn thổi liên quan đến việc điều tra vụ án thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết khiến dòng tiền có dấu hiệu rút ra khỏi các cổ phiếu nóng, hoặc thực hiện chốt lời các mã đang ở vùng giá cao, vùng quá mua, thay vì chờ đợi lập đỉnh mới như trước đây. Hơn 20 cổ phiếu nóng đã quay đầu giảm giá sàn trong tuần qua. Đầu tuần này, xu thế rút tiền có thể tiếp diễn, gây ảnh hưởng chung đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, ngay cả khi không có sự kiện trên tạo ảnh hưởng dây chuyền, thì thị trường đã được đánh giá đang trong chu kỳ nhiều biến động. Diễn biến xung đột địa chính trị là các thông tin khó dự đoán nhất và có nhiều bất ngờ, ảnh hưởng trọng yếu đến xu thế giá nhóm hàng hóa cơ bản.
Giá hàng hóa cơ bản từ dầu mỏ cho đến sắt thép, hóa chất cho sản xuất công nghiệp, phân bón, lương thực… đã trải qua đợt tăng giá mạnh nên hiện tại, mức tăng giảm ngắn hạn phụ thuộc vào các tin tức như xung đột địa chính trị, tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc, các thỏa thuận của những nước lớn với các quốc gia cung cấp dầu mỏ để tăng sản lượng… đều khó tiên lượng.
Riêng giá phân bón, theo nhận định của một số chuyên gia, giá urê có thể đạt đỉnh trong tháng 3/2022 và giảm mạnh từ tháng 6 trở đi khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách xuất khẩu, cũng như vấn đề thiếu than dần được khắc phục.
Theo Công ty Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam, do ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt nên việc giao dịch urê xuất xứ từ Nga gặp nhiều khó khăn, giá có xu hướng giảm. Trong khi đó, với các xuất xứ khác, giá vẫn giữ đà tăng, nhưng mức tăng đã chậm lại so với các tuần trước đó.
Giá cả biến động hàng tuần, vì thế việc nắm giữ các cổ phiếu hưởng lợi từ đà tăng giá nguyên vật liệu khi đang ở mặt bằng giá cao, hệ số beta cao là một danh mục rủi ro với nhà đầu tư. Đơn cử, cổ phiếu HPG gần đây giảm giá, dù giá thép tăng nhưng do than, một nguyên liệu làm thép cũng tăng giá.
Bao trùm tất cả là rủi ro lạm phát. Bà Bùi Hoàng Minh, chuyên gia phân tích cao cấp Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) chia sẻ, thời kỳ thắt chặt tiền tệ đã bắt đầu và dòng vốn rẻ sẽ mất đi. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn diễn ra, nhưng chậm hơn và rủi ro lạm phát kéo dài trong suốt năm 2022.
Tại Mỹ, ngân hàng trung ương nước này dự kiến tăng lãi suất lên 2,8% vào cuối năm 2023. Riêng năm 2022, Fed dự kiến tăng lãi suất khoảng 6 lần trong năm 2022, nhưng thị trường dự báo số lần tăng có thể là 7. Lạm phát hiện nay hầu như không đến từ chính sách nới lỏng tiền tệ, mà chủ yếu do sự hạn chế của nguồn cung hàng hóa bởi dịch Covid-19 kéo dài, cũng như áp lực liên quan đến chuỗi cung ứng.
Với Việt Nam, HSC nâng dự báo lạm phát năm 2022 từ 3,19% lên 3,6%, sau đó sẽ hạ nhiệt, năm 2023 là 2,5%.
Theo nhiều chuyên gia, đặc thù lạm phát lần này khác các lần trước là do chi phí đẩy, không phải cầu kéo, nên tác động đến thị trường chứng khoán sẽ rất khác giai đoạn trước, nhìn ở bình diện chung của thị trường cũng như ở từng doanh nghiệp niêm yết, tùy thuộc doanh nghiệp có chuyển được chi phí cho người tiêu dùng cuối hay không.
Rủi ro mang tính thời điểm mà nhiều nhà đầu tư nhắc tới lúc này là gần đến tháng 5 với câu cửa miệng “Sale in May” (bán trong tháng 5). Tâm lý nghỉ ngơi xuất hiện sau khi doanh nghiệp công bố thông tin phục vụ đại hội cổ đông, còn kết quả kinh doanh quý đầu năm thường ít đột biến, có thể khiến thanh khoản thị trường chứng khoán giảm.
Phần thưởng từ sự phục hồi kinh tế
Theo báo cáo phát hành ngày 28/3/2022 của Finn Trade, sự hồi phục lợi nhuận đang diễn ra mạnh mẽ. Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng 19,6%, dẫn dắt bởi khối ngân hàng với mức tăng ước đạt 20 - 25%. Đây sẽ là động lực trọng yếu hỗ trợ thị trường năm nay.
Bên cạnh đó, kỳ vọng vào nhu cầu tiêu dùng hồi phục khi các hoạt động kinh tế dần ổn định trở lại là cơ sở để các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành du lịch (bao gồm cảng hàng không và giải trí), hàng cá nhân, đồ uống, điện, thủy sản (đặc biệt là nhóm chế biến cá tra), may mặc đưa ra kế hoạch lợi nhuận tích cực cho năm 2022.
Với lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng (đá, cát sỏi, nhựa đường), lợi nhuận năm 2022 dự kiến tăng lần lượt 88% và 25%, nhờ kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông (bao gồm cao tốc và sân bay).
Mới đây, VinaCapital chia sẻ trong bản tin dành cho nhà đầu tư rằng, Công ty vẫn đang đánh giá những tác động tiếp theo của xung đột địa chính trị và rủi ro lạm phát nhưng quan trọng là các công ty mà quỹ đang nắm giữ chứng minh được sức mạnh thật sự, xét về định giá tiềm năng tăng trưởng đủ bù đắp chi phí đầu tư tăng lên do ảnh hưởng lạm phát. Quỹ đang sở hữu HPG, GMD, DGC và sẽ mở rộng danh mục. VinaCapital lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam, vì câu chuyện tăng trưởng vẫn còn nguyên giá trị.
Cho rằng lạm phát làm chậm lại quá trình tăng trưởng, nhưng chuyên gia phân tích của HSC duy trì quan điểm tích cực về sự phục hồi kinh tế. GDP có thể tăng 6,2% năm 2022 và tăng 6,7% năm 2023.
Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao nhất thế giới và thị trường chứng khoán hưởng lợi từ chu kỳ kinh tế này. Động lực chính đến từ hoạt động sản xuất khi thu hút vốn FDI tăng cao, các cụm khu công nghiệp được mở rộng, là điểm tựa giúp cho nhóm ngành sản xuất tăng trưởng trở lại.
Kỳ vọng tâm lý thị trường bước qua căng thẳng địa chính trị và làm quen tình trạng lạm phát kéo dài trong nửa đầu năm nay, thị trường sẽ tiếp tục chu kỳ tăng trưởng. |
“Chúng tôi kỳ vọng, tâm lý thị trường bước qua căng thẳng địa chính trị và làm quen tình trạng lạm phát kéo dài trong nửa đầu năm nay, thị trường sẽ tiếp tục chu kỳ tăng trưởng trong thời gian sau đó”, bà Bùi Hoàng Minh nói.
Tiền có vào mã lớn?
Phiên giao dịch thứ Năm tuần qua, chỉ số VN30 tăng 8,3 điểm (+0,55%), với 19/30 mã tăng giá, trong đó VNM có mức tăng 6,2% và khối ngoại mua mạnh. Các cổ phiếu khác cùng hợp sức hỗ trợ thị trường bao gồm VRE, PNJ, FPT, GVR và các mã ngân hàng như CTG, VPB, TCB, ACB, MBB, VCB. Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp tăng điểm, trong khi nhóm vốn hóa vừa và nhỏ giảm điểm.
Diễn biến phiên thứ Sáu tiếp tục cho thấy, dòng tiền đã chuyển hướng sang nhóm vốn hóa lớn, nhóm hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, giúp VN30 tăng gần 34 điểm (+2,25%), trong khi VN-Index tăng 1,63%.
Nhìn lại giai đoạn trước, trái với sự hưng phấn của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ kể từ cuối năm 2021, chỉ số VN30 (đại diện của 30 cổ phiếu vốn hoá lớn) có xu hướng đi ngang kể từ tháng 7/2021, biến động trong biên độ hẹp 1.453 - 1.553 điểm.
Theo dữ liệu của SSI Research, trong giai đoạn từ 1/7/2021 - 30/3/2022, vốn hoá nhóm VN30 chỉ tăng 4,2%, lên 3,9 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, định giá P/E giảm 26,2%, xuống 17,3 lần và định giá theo P/B giảm 8%, còn 3,2 lần.
Riêng nhóm ngành ngân hàng, chỉ số giá giảm 7,4%. Finn Trade cho rằng, do thiếu vắng câu chuyện hỗ trợ và rủi ro nợ xấu gia tăng do dịch Covid-19 kéo dài nên cổ phiếu “vua” không hấp dẫn dòng tiền trong thời gian qua. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng là 10%, giảm mạnh so với mức 26% đầu tháng 2/2022.
Mặc dù vậy, đây là nhóm cổ phiếu đáng quan tâm, khi giá đã được chiết khấu và định giá giảm về vùng hấp dẫn, vì ngành ngân hàng dự kiến sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường năm 2022 và chiếm tỷ trọng lớn trong thanh khoản hàng ngày, Finn Trade nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận