Dư thừa vắc-xin, Đức bắt đầu viện trợ cho các nước
Bắt đầu từ tháng 8, Đức sẽ viện trợ lô vắc-xin COVID-19 đầu tiên cho nước ngoài. Với số vắc-xin thừa đang có nguy cơ hết hạn, hoạt động cho tặng đang được xúc tiến.
Khoảng 60% người Đức đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin, trong khi khoảng 100 triệu liều sẽ hết hạn trong quý 3 năm nay. Số vắc-xin sẵn có ở Đức đang vượt xa nhu cầu tiêm.
Chính phủ Đức cam kết viện trợ ít nhất 30 triệu liều vắc-xin AstraZeneca và Johnson&Johnson từ nay đến cuối năm 2021.
Nhưng việc cần làm trước tiên là tập hợp số vắc-xin đang được cất tại các bệnh viện và trung tâm tiêm chủng trên khắp nước Đức. Những bệnh viện và trung tâm này sẽ trả số vắc-xin thừa về kho dự trữ liên bang, báo DW đưa tin.
Theo Bộ Y tế Đức, số vắc-xin gom về sẽ phải được kiểm tra chất lượng và hạn sử dụng trước khi đưa ra bất kỳ nước nào.
Gần đây, một số bác sĩ phàn nàn rằng trong khi nhiều quốc gia đang vô cùng cần vắc-xin thì Đức lại có nhiều vắc-xin sắp hết hạn.
Chính phủ Đức quyết định sẽ chuyển 4/5 số vắc-xin viện trợ thông qua chương trình COVAX để tổ chức này quyết định phân phối cho khu vực nào của thế giới. Tây Ban Nha gần đây cũng bắt đầu viện trợ vắc-xin.
Bread for the World, cơ quan phát triển của các nhà thờ Tin Lành ở Đức, đang thúc giục phải khẩn trương. Tại châu Phi, mới chỉ khoảng 1% dân số đã được tiêm phòng.
Đức quyết định dành 20% số vắc-xin viện trợ để gửi trực tiếp cho một số quốc gia, như Ukraine, Armenia và Namibia. 3 triệu liều được dành cho vùng Tây Balkan. Chưa rõ khi nào số vắc-xin này sẽ được chuyển đi.
Bread for the World cho rằng viện trợ vắc-xin chỉ là một phần nhỏ của giải pháp, và chỉ có cách mở rộng sản xuất vắc-xin mới giải quyết được vấn đề. Tổ chức này cho rằng bước đầu tiên là phải tạo ra năng lực sản xuất ở những nước có khả năng cung cấp vắc-xin hạn chế. Nhưng vấn đề bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin COVID-19 vẫn chỉ nằm trong kế hoạch. Ấn Độ và Nam Phi đã kiến nghị làm việc này suốt từ tháng 10/2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận