Dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư: Quy định chưa rõ, nhà đầu tư còn nhiều băn khoăn?
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư 2020 được xây dựng theo hình thức rút gọn và đang đi vào giai đoạn chỉnh sửa trước khi trình Chính phủ vào tháng 12/2020 để kịp đưa luật vào cuộc sống từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, nhiều luật sư và các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) cho rằng vẫn còn nhiều quy định không rõ nghĩa có thể dẫn tới việc hiểu sai trong thực hiện và sinh ra “giấy phép con” cho DN.
Quy định thiếu và chưa rõ ràng
Góp ý vào Nghị định này Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cho biết, về khái niệm tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư 2020 đã quy định tỷ lệ “trên 50%” thay vì “từ 51% trở lên” như Luật Đầu tư 2014. Tuy nhiên, NĐT băn khoăn đối với các tổ chức có 50,9% vốn nước ngoài không có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do NĐTNN mua cổ phần sau khi thành lập liệu có được hưởng các ưu đãi như hiện có và không bị áp dụng các thủ tục cũng như điều kiện như NĐTNN hay không. Từ đó VBF đề xuất nên có quy định rõ các tổ chức kinh tế có trên 50% và dưới 51% vốn đầu tư nước ngoài vào trước ngày Luật Đầu tư mới có hiệu lực vẫn tiếp tục được hưởng các ưu đãi hiện có và không bị áp dụng các thủ tục cũng như điều kiện như NĐTNN cho dù có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay không.
Các NĐT cũng cho rằng Điều 17 dự thảo thiếu 2 đối tượng áp dụng theo Khoản 2, Điều 15, Luật Đầu tư 2020. Một là dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động. Hai là DN công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao.
Vì vậy Bizlink và VBF cho rằng nên bổ sung quy định và hướng dẫn cụ thể cho trường hợp ưu đãi đầu tư trên. Đồng thời cần có hướng dẫn làm rõ “quy mô vốn đầu tư” theo quy định trên có nghĩa là “tổng vốn đầu tư của dự án” hay “vốn góp thực hiện dự án” được quy định trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và/hoặc phê chuẩn chủ trương đầu tư, để các cơ quan nhà nước và NĐT có cơ sở thực hiện trên thực tế...
Một điểm trăn trở khác là việc xác định thời hạn hoạt động của dự án. Luật Đầu tư 2020 quy định: Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm (khoản 1). Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm... (khoản 2). Khi hết thời hạn hoạt động mà NĐT có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này... Như vậy, quy định này vẫn chưa làm rõ vấn đề khi hết thời hạn hoạt động của dự án và dự án đủ điều kiện để được gia hạn thời hạn hoạt động, thì dự án đầu tư đó sẽ được gia hạn thêm một thời hạn là 50 hoặc 70 năm nữa hay chỉ được gia hạn một khoảng thời gian mà tổng thời gian hoạt động của dự án (bao gồm cả thời hạn ban đầu và thời hạn được gia hạn) không vượt quá 50 hoặc 70 năm.
Lo gánh nặng thủ tục
Ngoài ra nhiều ý kiến cho rằng, các quy định về thủ tục hành chính có thể trở thành gánh nặng cho họ và phát sinh cơ chế xin cho. Ví như Điều 36 Dự thảo Nghị định: NĐT được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37.1 Luật Đầu tư 2020 được tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đăng ký nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định lại không nêu rõ việc nộp bản đăng ký tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có bắt buộc hay không. Nếu là nghĩa vụ bắt buộc thì đó là gánh nặng cho các NĐT.
Hay như Khoản 1 Điều 33 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định về thủ tục thay đổi tên dự án đầu tư, địa chỉ của NĐT hoặc thay đổi tên NĐT ghi rõ: Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho NĐT trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định đã bỏ thủ tục này và áp dụng chung thời hạn điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 15 ngày. Điều này đi ngược lại với định hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN của Chính phủ. Thứ hai, theo quy định tại Khoản 2, Điều 41 của Luật Đầu tư 2020, NĐT phải thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có quy định nào trong Luật Đầu tư hiện hành, Luật Đầu tư 2020 và Dự thảo Nghị định đề cập đến các ngoại lệ mà NĐT không yêu cầu phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính trong quá trình triển khai vận hành dự án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận