'Dự thảo Luật việc làm siết nhóm lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp'
Dự thảo Luật Việc làm không cho người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp là siết nhóm được hưởng, theo đại diện doanh nghiệp TP HCM.
"Lao động nữ sau sinh cần thời gian chăm sóc con nên nghỉ việc một thời gian. Nếu chiếu theo dự thảo Luật Việc làm thì họ sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp", bà Huỳnh Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ, nói tại hội nghị góp ý chính sách do Liên đoàn lao động TP HCM tổ chức ngày 10-11/5.
Theo bà Hà, Luật Việc làm hiện hành quy định chỉ người chấm dứt hợp đồng lao động trái luật mới không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong khi dự thảo lại mở rộng ra nhóm đơn phương nghỉ việc.
Cụ thể, Điều 111 của Dự thảo quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, làm việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp trừ một số trường hợp nghỉ mà không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động. Chiếu theo quy định này, chỉ người nghỉ việc vì bị quấy rối tình dục, ngược đãi, đánh đập, tổn hại danh dự... đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mới được Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả trợ cấp.
Lãnh đạo Công ty Lạc Tỷ cho rằng ngoài những tình huống quy định trong luật, thực tế có rất nhiều lý do khiến lao động đơn phương nghỉ việc, ví dụ: nữ sau sinh cần thời gian chăm con, công việc không còn phù hợp với điều kiện, sức khỏe... Bộ Luật lao động cũng xác định một người nghỉ việc đúng luật khi tuân thủ thời gian báo trước.
"Những lao động này có đóng góp vào quỹ, đang thất nghiệp, không vi phạm pháp luật nhưng lại không được hưởng trợ cấp là chưa hợp lý", bà Hà nói.
Bà Hà cũng cho rằng dự thảo loại trường hợp bị sa thải ra khỏi nhóm được hưởng trợ cấp thất nghiệp là chưa hợp tình hợp lý. Bà ví dụ một người vốn hiền hành nhưng vì một lý do nào đó mà bộc phát đánh nhau trong công ty, chiếu theo quy định sẽ bị sa thải. Nếu may mắn, họ có thể tìm được việc ngay, đảm bảo được cuộc sống. Nhưng nếu không tìm được việc, lại không có trợ cấp thất nghiệp, họ sẽ lâm vào khốn khó. Do đó, bà đề xuất chỉ không trả trợ cấp thất nghiệp cho người đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.
Đồng quan điểm, ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, cho rằng quy định lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không được nhận trợ cấp thất nghiệp là siết điều kiện hưởng.
Ông Cường đặt tình huống một công nhân cảm thấy việc làm ở nhà máy không còn phù hợp nên xin nghỉ để chuyển nghề. Theo luật hiện hành, họ sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp kèm một khoản hỗ trợ học nghề. Nếu theo quy định mới họ sẽ rơi vào tình huống đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nên bị từ chối chi trả trợ cấp, mất luôn quyền lợi được hỗ trợ đào tạo nghề.
"Cần cân nhắc kỹ điều khoản này để đảm bảo quyền lợi lao động bởi họ là bên có đóng góp vào quỹ", ông Cường nói.
Bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ ngày 1/1/2009, được xác định là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc, hỗ trợ học nghề, giúp duy trì và tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách này được điều chỉnh bởi Luật Việc làm.
Nguồn quỹ được hình thành từ sự đóng góp của người lao động, chủ doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước và một số nguồn hợp pháp khác. Nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc "có đóng - có hưởng".
Với tiền lương bình quân đóng vào quỹ đạt khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022-2023, trợ cấp thất nghiệp (60% bình quân tiền lương đóng 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc) người lao động nhận được khoảng 3,3 triệu đồng mỗi tháng.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự án Luật Việc làm sửa đổi. Dự thảo đang được lấy ý kiến từ cuối tháng 3 có 11 nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung như lao động ký hợp đồng một tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; không cố định mức đóng vào quỹ 1%; học sinh, sinh viên không làm thêm quá 20 giờ mỗi tuần...
Lê Tuyết
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận