24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Hồng Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự thảo Luật về PPP: Thay “đổi đất lấy hạ tầng” bằng phương thức nào?

Những tranh cãi xung quanh câu chuyện giữ hay bỏ hình thức hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao) mà điển hình là cơ chế đổi đất lấy hạ tầng vẫn chưa tới hồi chấm dứt.

Hôm nay (18/6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật về PPP).

Tranh cãi bỏ hay là giữ?

Báo cáo kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2018, Tổng Kiểm toàn nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... Qua kiểm toán 2.013 dự án, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 9.447 tỉ đồng.

Ngoài ra, qua kiểm toán 11 dự án BOT và 28 dự án xây dựng - chuyển giao (BT) tại các địa phương cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này. Cụ thể, nhiều dự án cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công; công tác thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, hầu hết các dự án BT và các dự án đối ứng đều chậm tiến độ so với hợp đồng; giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai 2013; xác định đơn giá đất chưa phù hợp; xác định giá đất để giao cho nhà đầu tư tại một số dự án còn tồn tại, bất cập...Quan điểm này được Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chia sẻ.

Ông Cường cũng cho rằng bản chất của hợp đồng BT là việc nhà nước đặt hàng hoặc thuê một nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền ra xây dựng công trình, sau đó bàn giao. Nhà nước sau đó sẽ thanh toán có thể bằng tiền hoặc bằng công trình. “Nếu như chúng ta thuê nhà đầu tư để xây dựng công trình thì chúng ta đã có điều chỉnh bằng luật Đấu thầu, là lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình. Việc chúng ta thanh toán cho nhà đầu tư bằng các giá trị tài sản hoặc đất đai thì chúng ta đã có điều chỉnh ở luật về quản lý tài sản công về cách thức thanh toán. Do vậy, tôi cho ở đây chúng ta không nên đưa BT vào quy định trong luật này”, ĐB Cường nói.

Ngược lại, Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nêu quan điểm: “Trong định nghĩa đầu tư theo phương thức đối tác công - tư là “phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa nhà nước và nhà đầu tư tư nhân”, thì BT cũng là một sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, nó thuộc đối tượng nằm trong luật này”. Do đó, Đại biểu ủng hộ việc tiếp tục quy định trong luật, nhưng tạo hành lang pháp lý khắc phục những hạn chế, bất cập thời gian trước đã xảy ra. Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cũng ủng hộ phương án 1 với lý do, thực tiễn thời gian qua, BT là phương thức thực hiện chủ yếu với khoảng 56% số dự án PPP, hiện còn nhiều dự án đang triển khai.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng hiện nay BT không còn hình thức trả bằng tiền, chỉ còn hình thức trả bằng đất. Trong quá trình thực hiện dự án vừa qua có rất nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này nên cơ quan soạn thảo “sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Nếu bỏ thì thay “đổi đất lấy hạ tầng” bằng hình thức nào?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh trong một lần trả lời báo giới về hình thức BT đã nhấn mạnh, cần tách bạch giữa hai chuyện: Việc các nhà đầu tư tham gia các dự án hạ tầng theo phương thức PPP và cách thức thanh toán của hợp đồng hợp tác.

Theo đó, một mặt, việc kiểm soát khâu đánh giá năng lực nhà đầu tư BT hoặc BOT cũng như kiểm soát giá thành xây dựng là cần thiết, có thể thực thi theo con đường đấu giá - nhà đầu tư nào đưa phương án BT có giá thành hợp lý, đảm bảo năng lực tài chính, đầu tư, vận hành, sẽ có cơ hội trúng đấu giá, đảm bảo công bằng công khai và minh bạch. Một mặt khác, quỹ đất dự kiến dùng làm tài sản thanh toán, hay nói nôm na là đổi lấy dự án hạ tầng - thay vì đổi ngang cho nhà đầu tư tham gia trúng thầu BT, BOT, sẽ được đấu giá công khai minh bạch qua trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.

Trên cơ sở đó, Nhà nước thu được nguồn tiền tối đa -đặc biệt với các tài sản đất công có giá cao có nhiều tổ chức muốn sở hữu, phát triển và khai thác. Nguồn tiền thu được dùng chi trả cho giá dự án tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng, phần dôi dư bổ sung ngân sách.

Cho tới thời điểm hiện tại, Dự thảo Luật về PPP dù sắp được thông qua nhưng Ban soạn thảo đã đưa ra phương án đối với loại hợp đồng BT.

Theo đó, ở phương án 1, nhà nước sẽ chấm dứt hoàn toàn các hình thức hợp đồng BT.

Ở phương án 2 trong trường hợp tiếp tục thực hiện loại hợp đồng BT, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án lấy ý kiến: Một là đấu thầu dự án BT (Nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng, thực hiện đấu giá khu đất để thanh toán dự án BT. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thu được sau khi có kết quả đấu giá sẽ được thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư BT, phần còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước); hai là thực hiện kết hợp đồng thời đấu giá đất và đấu thầu công trình BT (Nhà đầu tư chào đồng thời giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT. Giá trị quỹ đất được xác định trong hợp đồng).

“Nếu chúng ta muốn làm dự án nhanh thì có thể thanh toán đối trừ luôn, đảm bảo đất vẫn đấu giá theo Luật Đất đai, dự án vẫn được đấu thầu công khai, minh bạch”, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng nhiều lần nhấn mạnh.

Về phần mình, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên NHQuang và Cộng sự, Trọng tài Viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh, nếu hình thức dự án BT vẫn được giữ lại thì nên kiên quyết bỏ hẳn cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” mà thay vào đó, thanh toán riêng rẽ cho nhà đầu tư bằng tiền sau khi đã đấu giá quyền sử dụng đất một cách rộng rãi và công khai, minh bạch.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả