Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi: Nhiều thay đổi tích cực
Các công ty sẽ có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm...
Bảo hiểm là một lĩnh vực ngày càng được quan tâm trong bối cảnh đời sống, kinh tế xã hội phát triển, với cơ chế tạo ra khoản tài chính bù đắp tổn thất, khi người tham gia gặp rủi ro. Tuy nhiên, cùng với sự vận động của xã hội, các nội dung cũng như quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cũng cần phải thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tổ chức mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ 8 năm 2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2001, sau đó đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2010 và năm 2019 để đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Đến nay sau 20 năm thi hành, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã phát huy tác dụng trên thực tế và đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo khung pháp lý cao cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển và đóng góp cho nền kinh tế nói chung.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, bất cập như sự thiếu thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và chưa theo kịp với các thông lệ quốc tế. Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này về cơ bản giữ nguyên bố cục của luật hiện hành, gồm 8 chương, 156 điều.
Ông Nguyễn Đình Việt
“Với quá trình chuẩn bị công phu, tích cực, cơ quan soạn thảo Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, kỳ vọng của xã hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp. Với tinh thần cầu thị, mong muốn nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, Ủy ban Kinh tế và Viện Nghiên cứu lập pháp mong muốn với tâm huyết, trách nhiệm và sự nghiên cứu chuyên sâu của mình, các chuyên gia sẽ có nhiều đóng góp cho Ủy ban Kinh tế và Viện Nghiên cứu lập pháp cũng như cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính có thể hoàn thiện Dự án luật tốt nhất, có tính khả thi cao nhất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt nhấn mạnh,
Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm, dự kiến có hiệu lực từ năm 2023. Trong đó, cho phép các công ty có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm.
Như vậy, các cơ quan quản lý hiện sẽ giám sát các công ty bảo hiểm về mặt mô hình, ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm, hơn là đi sâu về kỹ thuật và từng sản phẩm riêng lẻ như trước. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Tuy nhiên, các công ty kinh doanh bảo hiểm phải minh bạch về tỷ lệ an toàn vốn, cùng các yêu cầu khắt khe hơn về thông tin. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định về khung năng lực, tiêu chuẩn, hướng dẫn việc thực hiện các chức năng như: đề xuất mức phí sàn, thẩm định phương pháp định phí bảo hiểm, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, thẩm định các yếu tố trong công thức tính toán vốn trên cơ sở rủi ro và một vài khía cạnh khác.
Về yêu cầu vốn hoá, Dự thảo sửa đổi quy định về khả năng thanh toán và các biện pháp can thiệp khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giảm xuống một mức nhất định. Theo đánh giá của SSI Research, dù không nêu rõ mô hình quản lý vốn nào sẽ được áp dụng, nhưng SSI kỳ vọng đó là mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro (RBC) và chi tiết sẽ được quy định trong các văn bản dưới luật tiếp theo.
“Dự thảo sửa đổi Luật này là một bước tích cực cho sự phát triển dài hạn của ngành bảo hiểm. Với những thay đổi đối về mô hình quản lý vốn, có thể sẽ có áp lực tăng vốn tại một số công ty bảo hiểm nhất định. Tuy nhiên, các quy định này có giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, tạo một khoảng thời gian đệm giữa khung pháp lý và việc áp dụng trong hoạt động thực tế (2023 – 2027). Do đó, điều này sẽ không gây ra những thay đổi đột ngột đối với triển vọng ngắn hạn và trung hạn của ngành”, phân tích của SSI Research nêu.
Đáng chú ý, Dự thảo cấm các công ty bảo hiểm tham gia vào hoạt động kinh doanh bất động sản, ngoại trừ bất động sản được sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc của công ty bảo hiểm, cùng với một số ngoại lệ khác.
Một số sửa đổi khác nhằm tránh gây nhầm lẫn khi áp dụng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm như: Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực từ khi các bên bắt đầu có hợp đồng giao kết; Điều chỉnh thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường bảo hiểm từ 1 năm thành 2 năm; Thời hạn thanh toán và bồi thường bảo hiểm tối đa trong vòng 30 ngày; Quy định về tỷ lệ giá trị bồi thường với tài sản dưới giá trị và tài sản trên giá trị tại ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm.
PGS.TS Đặng Văn Thanh
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội khóa XI, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cho rằng, lần này cần sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm hoàn thiện và toàn diện hơn để phòng ngừa tổn thất, phòng chống gian lận và bảo vệ đối tượng được bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
“Cần tập trung hơn vào nội dung này vì hoạt động kinh doanh bảo hiểm dễ gặp rủi ro, tổn thất và có những gian lận, sai sót. Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung, trong đó có doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, do đó cần nhận thức đúng và đầy đủ về kinh doanh bảo hiểm và vai trò của nó trong nền kinh tế để có những chế tài cần thiết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận