24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mạc Văn Chiến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự thảo Luật Doanh nghiệp và vấn đề tối giản thủ tục thành lập doanh nghiệp

Ở lần sửa đổi này, câu chuyện làm thế nào để có thể tối giản được thủ tục thành lập doanh nghiệp được coi là một trong những sửa đổi quan trọng.

Chỉ sau hơn 3 năm thực hiện, một lần nữa Luật Doanh nghiệp lại được mang ra lấy ý kiến sửa đổi.

Ông Từ Thanh Thảo, Giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM, chuyên gia tư vấn cao cấp tại hãng luật LPVN Lawyers nói về vấn đề này.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp và vấn đề tối giản thủ tục thành lập doanh nghiệp

Thạc sĩ Từ Thanh Thảo, giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP HCM

-Ông có đánh giá như thế nào về thủ tục đăng ký doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014?

Hiện nay, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ.

Về cơ bản, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014 đã có nhiều cải cách quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính biểu hiện thông qua các qui định sau:

Một là, Luật Doanh nghiệp đã bãi bỏ yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp đã quy định tách bạch giữa yêu cầu thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Chúng tôi cho rằng đây là một bước cải cách lớn nhất, quan trọng nhất trong thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Bởi lẽ, việc thành lập doanh nghiệp trong nhiều trường hợp chỉ để cụ thể hóa các ý tưởng trong kinh doanh, theo đó doanh nghiệp giống như một công cụ hay phương tiện để thực hiện các ý tưởng đó, còn việc các ý tưởng này có đủ điều kiện và chất xúc tác để thực hiện trong thực tiễn hay không là câu chuyện của tương lai.

Do đó, khi mới ở giai đoạn khởi đầu cho việc hiện thực hóa ý tưởng trong kinh doanh, chúng ta không thể bắt buộc doanh nghiệp phải đáp ứng hết mọi điều kiện.

Hai là, Luật Doanh nghiệp đã chuẩn hoá các bộ hồ sơ theo hướng tinh gọn nhất có thể và nghiêm cấm cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ khác trái với quy định của Luật này. Qui định này nhằm thống nhất hóa và minh bạch hóa bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, tránh tình trạng cơ quan đăng ký kinh doanh gây phiền hà, sách nhiễu người thành lập doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
Ba là, Luật Doanh nghiệp đã rút ngắn tối thiểu thời gian giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Có thể thấy rằng đây là một trong những cải cách nhằm rút ngắn thời gian gia nhập thị trường, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và tận dụng các cơ hội trong kinh doanh.
Bốn là, Luật Doanh nghiệp đã trao việc quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu cho doanh nghiệp. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Quy định này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có việc tự do tạo lập và sử dụng mẫu dấu của doanh nghiệp.

Những cải cách nêu trên của Luật Doanh nghiệp 2014 mang nhiều tính đột phá, góp phần to lớn vào quá trình đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, những cải cách này còn bộc lộ một số điểm bất cập, tác động bất lợi đến quá trình thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp.

-Cụ thể đó là những bất cập nào, thưa ông?

Một là, đối với ngành nghề đầu tư, kinh doanh. Khi đăng ký doanh nghiệp, trên Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp vẫn phải kê khai ngành nghề kinh doanh và trong điều lệ doanh nghiệp cũng phải ghi nhận ngành nghề kinh doanh. Bên cạnh đó, trong quá trình kinh doanh, nếu doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề ngoài phạm vi các ngành nghề đã kê khai trên Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp lại phải làm thủ tục thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Chúng tôi cho rằng các qui định này là không thật sự cần thiết, gây thêm nhiều thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp và do vậy cải cách về ngành nghề kinh doanh chưa thật sự triệt để.

Bởi lẽ theo qui định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp 2014, trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã bỏ việc ghi ngành nghề nhằm hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh. Ngoài ra, trong điều lệ của doanh nghiệp cũng phải ghi vào rõ ngành nghề kinh doanh. Vì vậy, mỗi khi doanh nghiệp muốn thay đổi ngành nghề kinh doanh thì phải làm thủ tục sửa đổi điều lệ.

Do vậy, tôi cho rằng để việc cải cách này được thật sự triệt để, đảm bảo hiện thực hóa tối đa quyền tự do kinh doanh, thiết nghĩ Luật Doanh nghiệp nên bãi bỏ qui định về kê khai ngành nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và cả điều lệ doanh nghiệp.

Hai là, về việc nộp phiếu lý lịch tư pháp. Luật Doanh nghiệp 2014 qui định khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, trong một số trường hợp, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể yêu cầu người đăng ký nộp Phiếu lý lịch tư pháp. Chúng tôi cho rằng qui định chung chung như vậy có thể tạo điều kiện cho cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc tùy tiện áp dụng, gây thêm nhiều khó khăn, rối rắm cho người thành lập doanh nghiệp, do vậy yêu cầu này cần được bãi bỏ.
Ba là, các cải cách về con dấu doanh nghiệp chưa thật sự triệt để, mặt khác có thể gây ra những rắc rối mới về việc sử dụng con dấu trên thực tế. Luật Doanh nghiệp 2014 yêu cầu trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Thủ tục này làm tốn thêm nhiều thời gian và chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng Luật Doanh nghiệp cần bãi bỏ hẳn việc sử dụng con dấu, và trao quyền hoàn toàn tự quyết cho doanh nghiệp trong việc có sử dụng con dấu hay không và sử dụng như thế nào, qua đó bãi bỏ thủ tục thông báo và cấp giấy chứng nhận mẫu dấu như hiện nay.
Bốn là, Luật Doanh nghiệp 2014 qui định quá nhiều nghĩa vụ thông báo/báo cáo của doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh như thông báo mẫu con dấu; chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần; báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp… Với quá nhiều nghĩa vụ thông báo/báo cáo như vậy sẽ gây ra nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, gây thêm phiền hà cho doanh nghiệp.
Năm là, Luật Doanh nghiệp 2014 chưa quy định cụ thể về thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử mà thủ tục này được hướng dẫn trong các nghị định của Chính phủ. Theo đó, sau khi nhận được thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người dự định thành lập doanh nghiệp vẫn phải nộp một bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Điều này là không cần thiết vì các thông tin doanh nghiệp kê khai tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là đã đầy đủ cơ sở để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng cần luật hóa quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và bãi bỏ quy định về việc nộp bản giấy cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

-Tối giản thủ tục thành lập nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Ở góc nhìn của ông, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần thay đổi nội dung gì để giải bài toán này?

Luật Doanh nghiệp 2014 đã có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy tiếp cận theo hướng đơn giản hóa, minh bạch hóa hơn nữa các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, tăng tính tự chủ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường trách nhiệm hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận này là phù hợp, vừa đảm bảo nâng cao quyền tự kinh doanh, vừa đảm bảo hiệu quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Hiện nay, hành lang pháp lý về công tác hậu kiểm hoạt động của doanh nghiệp đã khá đầy đủ, vấn đề nằm ở chỗ công tác thực thi.

Nhằm đảm bảo tính an toàn và công bằng của môi trường kinh doanh, chúng tôi cho rằng các cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cần tích cực phối hợp, triển khai công tác hậu kiểm sau đăng ký doanh nghiệp như việc tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp có sai phạm, hoặc thậm chí có thể tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với những doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh vi phạm pháp luật.

-Nhưng nhiều ý kiến e ngại rằng thủ tục quá đơn giản sẽ lại tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp trục lợi, ví dụ như thành lập chỉ để lừa đảo hoặc mua bán hóa đơn… Ông nghĩ sao về điều này, thưa ông?

Chúng tôi cho rằng quan ngại này cũng có những cơ sở thực tiễn và pháp lý nhất định. Với các cải cách quá thông thoáng và thủ tục thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng như hiện nay, chẳng hạn một cá nhân chỉ cần đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi, không phải là cán bộ, công chức… là đã có thể thành lập và làm chủ nhiều công ty khác nhau.

Do vậy, trong thời gian qua có rất nhiều trường hợp thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động sản xuất kinh doanh mà chủ yếu để lừa đảo, cờ bạc, rửa tiền hoặc trục lợi bằng việc mua bán hóa đơn VAT nhằm chiếm đoạt tiền thuế.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta lại siết chặt thủ tục thành lập doanh nghiệp, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền tự do kinh doanh của công dân đã được quy định trong hiến pháp. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đã có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ như pháp luật về quản lý thuế, xử phạt vi phạm hành chính về thuế, chống rửa tiền và cả hệ thống pháp luật hình sự để ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả đối với các doanh nghiệp “ma” nêu trên. Đồng thời cần tăng cường công tác phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước hữu quan trong quá trình hậu kiểm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả