24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thục Quyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp: Tranh cãi khái niệm doanh nghiệp nhà nước

Đang có những ý kiến khác nhau trong việc xác định tiêu chí "cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước".

Đây là một trong những vấn đề được nêu ra trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.

Để thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị trung ương 5, Khoản 25 Điều 2 Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 87a vào Luật Doanh nghiệp để sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo hướng quy định DNNN là doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp khác có cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

Về vấn đề này, theo ban soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cho biết, hiện nay có 02 loại ý kiến khác nhau trong việc xác định tiêu chí "cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước"; cụ thể là:

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định "cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước" là trường hợp Nhà nước sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Quy định như vậy sẽ luôn bảo đảm để chủ sở hữu Nhà nước chi phối một cách chủ động việc ban hành đa số quyết định thông thường của doanh nghiệp vì theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì các quyết định loại này được thông qua khi được cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biếu quyết chấp thuận.

Mặt khác, việc áp dụng tỷ lệ đa số từ 51% vốn điều lệ của chủ sở hữu Nhà nước sẽ không gây nhiều nghi ngại của các thành viên, cổ đông tư nhân cho rằng, doanh nghiệp có phần vốn góp, cổ phần đa số của thành viên, cổ đông tư nhân vẫn bị coi là DNNN và bị Nhà nước kiểm soát. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây khó khăn, vướng mắc trong quản trị doanh nghiệp, tác động không tốt đến tiến trình cơ cấu lại DNNN.

Ngoài ra, việc thực hiện phương án này sẽ không dẫn đến thay đổi lớn, đòi hỏi phải sửa đổi cơ bản các quy dịnh về DNNN vì hệ thống quy định về giám sát, quản lý DNNN hiện nay đang phân loại theo tiêu chí tương tự.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định "cổ phần, phần vốn góp chi phối" là trường hợp Nhà nước sở hữu trên 35% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Quy định này được đề xuất trên cơ sở quan điểm cho rằng phải hạ thấp tỷ lệ vốn điều lệ của chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp xuống 35% để mở rộng khái niệm DNNN theo nghĩa "chi phối" với phạm vi rộng nhất; nghĩa là, trong trường hợp chủ sở hữu Nhà nước nắm giữ trên 35% vốn điều lệ thì quyết định của doanh nghiệp có thể không được thông qua nếu không được sự ý kiến đồng ý của chủ sở hữu Nhà nước. Quy định như vậy sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của DNNN.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, thành viên ban soạn thảo Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cho biết, trước đây Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp nhà nước là 100% vốn nhà nước. Nhưng Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII lại có những định hướng khác, bao gồm cả những doanh nghiệp chiếm phần vốn chi phối. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải sửa đổi các quy định để thể chế hóa quan điểm đó.


“Một quy định về doanh nghiệp Nhà nước thay đổi thì phải đánh giá thay đổi tích cực hay tiêu cực đến đâu. Sửa đổi Luật Doanh nghiệp nếu có tác động tích cực thì tốt, còn nếu tiêu cực thì phải có biện pháp hạn chế tiêu cực. Do đó, cần làm rõ tác động liên quan đến các vấn đề như nhân sự, đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh…”, ông Hiếu nhấn mạnh.


Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho rằng, nhiều tác động và có thể sẽ phải làm rõ nhiều khái niệm. Chẳng hạn như vốn nhà nước, khái niệm cũng cần phải làm rõ; đánh giá tác động có thể có nếu khái niệm doanh nghiệp nhà nước được thay đổi, kể cả đối với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP.


Việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng được áp dụng và thay đổi cách quản trị của các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp này sẽ tuân thủ hàng loạt các luật và các quy định về nhân sự, kiểm toán, thanh tra…, SCIC đang quản lý 144 doanh nghiệp, có 51% có vốn nhà nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả