24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự thảo Bộ luật Lao động và những hiệu ứng ngược

Dự thảo Bộ luật Lao động đã qua ngót 10 lần tiếp thu ý kiến, chỉnh lý và bổ sung. Chỉ tính từ khi Chính phủ trình Quốc hội hồi tháng 6 2019 đến nay mới 3 tháng cũng đã có 3 lần chỉnh sửa, bổ sung. Tuy nhiên bản dự thảo mới nhất vẫn tiếp tục nhận được nhữn

Tước bớt quyền được làm việc và gia tăng thu nhập

3 vấn đề trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm: giờ làm việc bình thường, giờ làm thêm tối đa; khái niệm tiền lương tối thiểu và tiền lương giờ làm thêm vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều cho dù đã được nhiều lần thảo luận và như Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, đã thỏa hiệp rất nhiều, phía công đoàn cũng rất gay gắt bảo vệ quan điểm vì quyền lợi người lao động và gây sức ép khá lớn tới ban soạn thảo.

Tại Hội thảo “Dự thảo Bộ luật Lao động: Những tác động tới nền kinh tế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức, TS. Vũ Thành Tự Anh -Giám đốc Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, tư duy của bộ luật không phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế mới, không thị trường, lạc hậu, thậm chí là bước lùi so với bộ luật cũ.

Nhiều DN cũng phản ánh nếu giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn xuống còn 40 giờ/tuần, các DN hoặc sẽ phải tổ chức làm thêm giờ hoặc sẽ phải tuyển dụng thêm nhân lực để bù đắp cho phần sản lượng giảm đi. Do đó, chi phí cho sản xuất và nhân công sẽ tăng, kéo theo giá thành xuất xưởng của sản phẩm sẽ tăng. Các DN nội địa không chịu được áp lực về chi phí sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, giải thể. Còn các DN FDI sẽ phải di chuyển sang các nước khác có chi phí nhân công cạnh tranh hơn.

Cho rằng ở giai đoạn hiện nay, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là sử dụng nhiều lao động. Cái cần nhất hiện nay là tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, vận dụng tối đa số lao động hiện có để tăng trưởng, TS. Nguyễn Đình Cung – thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng nhấn mạnh: Việc khống chế giờ làm tiêu chuẩn, khống chế giờ làm thêm như dự thảo được thuyết minh là bảo vệ quyền lợi lao động theo tư duy tăng lương giảm giờ làm… nhưng thực ra là tước bớt quyền được làm việc của người lao động sức khỏe tốt, năng lực tốt.

Dự thảo luật nghe có vẻ là bảo vệ người lao động yếu thế, nhưng như dự thảo thì chỉ bảo vệ cho khối lao động có quan hệ lao động trong khối DN, trong khi khối lao động không có quan hệ lao động đang đứng ngoài dự thảo này. “Những người soạn thảo dự luật này như cô gái vót chông, cứ gọt dần đi khi phạm vi của luật bị thu hẹp, loại trừ nhiều đối tượng như lao động vị thành niên, viên chức, công chức…

Có nghĩa hiện Dự thảo luật đang điều chỉnh khoảng 45% lao động đang làm công ăn lương cho giới chủ, còn khoảng 55% người lao động không được điều chỉnh bởi dự thảo này”, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học lao động phát biểu.

Khống chế giờ làm tối đa trong ngày cũng là bất hợp lý với những công việc đặc thù. “Nghiên cứu khoa học là một công việc đặc thù do công việc liên tục không thể dừng nghỉ; không thể vì quá giờ làm mà dừng việc công việc”, đại diện Hiệp hội DN điện tử phát biểu. Hoặc với DN sản xuất, những ngành nghề có tính thời vụ mà bị quy định cứng giới hạn giờ làm cho ngày, cho tuần sẽ khiến DN bị trói. Nền kinh tế của Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc vào lợi thế lao động giá rẻ, quy mô lớn. Nếu dự thảo Bộ luật Lao động được thông qua, Việt Nam không thể toàn dụng lao động được mà còn tạo ra thất nghiệp có tính cơ cấu, sẽ gây ra nhiều hiệu ứng ngược.

Luật vô lý đẩy DN phạm luật

Không chỉ vậy, Dự thảo luật có khá nhiều điều khoản được cho là quá o ép DN. Đơn cử dự thảo đưa ra phương án trả lương lũy tiến cho giờ làm thêm. Nhưng theo các DN, tiền lương làm thêm giờ ở Việt Nam hiện nay đã quá cao so với thời giờ làm việc bình thường (150% vào ngày thường, 200% vào ngày nghỉ hằng tuần, 300% vào ngày nghỉ lễ, tết) và cao hơn so với tiền lương làm thêm giờ của nhiều quốc gia khác như Nhật Bản (125% vào ngày thường, 135% vào ngày nghỉ hằng tuần).

Rất bức xúc, ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sông Hồng kiến nghị: “Đừng xô đẩy DN khó khăn thêm nữa. Xin hãy để cho DN và người lao động làm đủ 48 tiếng mỗi tuần. 90-95% số DN Việt Nam nghèo lắm, không đủ tiền để chi trả phần lương vượt trội theo cách trả lương lũy tiến này”.

Trong khi bà Trần Thị Lan Anh – Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động cũng cho rằng, việc tính tiền lương làm thêm theo kiểu lũy tiến vừa gây khó khăn cho quản lý vừa tạo ra hiệu ứng ngược là có thể người lao động làm kém năng suất trong các giờ đầu để chờ các giờ sau có lương cao hơn.

Những trói buộc này là những rào cản vô lý đẩy DN vào khó khăn vì làm tăng chi phí của DN, ở bình diện toàn nền kinh tế, đó là sự lãng phí; nó có thể khiến nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động… hoặc đẩy DN, người lao động vào tình huống phải vượt rào, phạm luật; làm giảm khả năng cạnh tranh của DN, của quốc gia so với các quốc gia cũng đang muốn thu hút đầu tư nước ngoài khác.

“Cách tư duy ở dự thảo Bộ luật Lao động đang làm cho môi trường kinh doanh ngày càng xấu đi. Vì môi trường kinh doanh chỉ có 2 điểm: chi phí thấp và rủi ro thấp. Một chính sách tồi được ban ra sẽ kìm hãm sự phát triển và gây tốn kém cho rất nhiều, gây nhiều hệ lụy khác, làm người dân, xã hội và thị trường mất niềm tin. TS.Nguyễn Đình Cung phát biểu.

Còn TS.Vũ Thành Tự Anh lo ngại: “Với nhiều nội dung trong dự thảo, lợi thế so sánh của Việt Nam tiếp tục bị xói mòn trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Xét trên các tiêu chí: không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, tư duy lạc hậu, làm tổn hại năng lực cạnh tranh quốc gia thì Bộ luật Lao động sửa đổi đạt giải quán quân”.

Dự thảo đưa ra 2 phương án về giờ làm thêm

Phương án 1: Thời gian làm thêm tối đa là 300 giờ/năm; đồng thời nâng quy định khống chế thời gian làm thêm không quá 12 giờ/ngày, không quá 40 giờ/tháng, không quá 200 giờ/năm, một số trường hợp được làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm.

Phương án 2: Thời gian làm thêm tối đa không quá 400 giờ/năm. Về giờ làm việc tiêu chuẩn, theo luật hiện hành là 48 giờ/tuần, dự thảo luật đưa ra giới hạn 40 giờ/tuần. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thời gian làm thêm từ 500 - 600 giờ/năm vẫn đảm bảo sức khỏe cho người lao động. VCCI và nhiều hiệp hội DN đề nghị không quy định giới hạn giờ làm thêm theo tuần, theo tháng, chỉ quy định giới hạn giờ làm thêm theo năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả