menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đậu Thế Vũ

Dù tấn công Ukraine hay không, Putin đã gây tổn hại cho nước Nga

Tin tức từng có vẻ rất đáng khích lệ. Trong lần xuất hiện trên truyền hình ngày 14/2, Vladimir Putin đã thốt lên từ "tốt" với đề xuất của vị bộ trưởng ngoại giao của mình rằng bất chấp những cảnh báo của phương Tây về một cuộc xâm lược Ukraine sắp xảy ra, ngoại giao vẫn nên tiếp tục.

Một ngày sau, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một phần trong số khoảng 180.000 binh lính mà nước này đã triển khai tại biên giới với Ukraine sẽ được rút về doanh trại, sau khi hoàn thành các cuộc diễn tập quân sự mà họ vẫn luôn duy trì.

Các quan chức và nhiều thị trường thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, các thông tin tình báo cho thấy mặc dù một vài đơn vị đang di chuyển, song nhiều đơn vị khác đang chuẩn bị chiến đấu. Với niềm tin rằng ông Putin là người luôn gây bất ngờ, nhiều quan chức an ninh phương Tây đã cáo buộc ông nói dối và lặp lại cảnh báo về một cuộc xâm lược sắp xảy ra của Nga. Theo tờ "Economist" của Anh, ngay cả khi Nga rút quân, cuộc khủng hoảng này vẫn chưa kết thúc và bất kể điều gì xảy ra, chiến tranh hay không chiến tranh, ông Putin đã gây thiệt hại cho đất nước của mình.

Nhiều nhà quan sát phương Tây sẽ tranh cãi về nhận định đó. Họ chỉ ra rằng dù không bắn một phát súng nào, ông Putin cũng đã biến mình thành trung tâm của sự chú ý toàn cầu và một lần nữa chứng tỏ rằng Nga quan trọng. Ông đã gây bất ổn cho Ukraine và gây ấn tượng với mọi người rằng tương lai của nước này là công việc của ông. Ông vẫn có thể giành được sự nhượng bộ từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để tránh chiến tranh. Và ở trong nước, ông đã củng cố vai trò lãnh đạo của mình và làm phân tán sự chú ý khỏi những khó khăn kinh tế và việc đàn áp các nhân vật đối lập như Alexei Navalny.

Tuy nhiên, những điều đạt được này chỉ mang tính chiến thuật. Ngay cả khi ông Putin đã đạt được những điều đó, theo nghĩa lâu dài và chiến lược hơn, ông đã đánh mất vị thế. Mặc dù mọi con mắt đều đổ dồn vào Putin, nhưng ông đã kích động các đối thủ của mình. Được dẫn đầu bởi Tổng thống Mỹ Joe Biden, người từng gọi ông Putin là “kẻ giết người” và chắc chắn rất ghét người đàn ông đã cố gắng ngăn ông làm tổng thống, phương Tây đã nhất trí với việc đe dọa thực hiện một gói trừng phạt cứng rắn hơn so với năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea. NATO - tổ chức hồi năm 2019 bị Tổng thống Pháp mỉa mai là đã "chết não" - đã tìm thấy mục đích mới trong việc bảo vệ hai bên sườn giáp với với Nga. Vốn luôn muốn giữ khoảng cách, nhưng nay Thụy Điển và Phần Lan thậm chí có thể tham gia liên minh này. Đức - quốc gia đã thiếu khôn ngoan khi ủng hộ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) mới, đã chấp nhận rằng khí đốt của Nga là trách nhiệm mà nước này phải giải quyết và một cuộc xâm lược sẽ "giết chết" dự án này. Nếu ông Putin cho rằng những lời đe dọa của ông có thể khiến phương Tây rơi vào bất ổn, ông đã được làm cho tỉnh ngộ.

Ukraine đã thực sự bị thiệt hại. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này cũng làm cho người dân Ukraine tin tưởng rằng vận mệnh của họ gắn với phương Tây. Đúng là ông Putin đã yêu cầu đảm bảo rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO, nhưng thực ra đây chỉ là một viễn cảnh xa vời. Điều quan trọng là Ukraine, bị lãng quên trong những năm gần đây, giờ đang được hưởng sự hỗ trợ ngoại giao và quân sự chưa từng có của phương Tây. Những mối ràng buộc đó, được rèn giũa trong khủng hoảng, sẽ không đột nhiên tan biến khi Nga rút quân. Một lần nữa, nó ngược lại với những gì ông Putin mong muốn.

Cũng đúng là ông Putin đã đặt vấn đề an ninh của châu Âu vào chương trình nghị sự, bao gồm các cuộc thảo luận về tên lửa và các cuộc tập trận quân sự. Nhưng những cuộc thảo luận như vậy sẽ là mối quan tâm của tất cả mọi người, vì chúng làm giảm nguy cơ xung đột. Nếu các cuộc đàm phán đôi bên cùng có lợi được coi là chiến thắng cho ông Putin, hãy tổ chức thêm nhiều cuộc đàm phán như thế.

Mất mát được chú ý nhiều nhất của ông Putin là ở trong nước. Nga đã cố gắng xây dựng một "nền kinh tế pháo đài". Nước này đã tăng dự trữ ngoại hối và giảm tỷ trọng nắm giữ bằng USD. Nga cũng đã hạn chế sự phụ thuộc của các công ty vào vốn nước ngoài và làm việc chăm chỉ để xây dựng “công nghệ cao” của mình (mọi thứ, từ chip đến các ứng dụng cho hệ thống mạng của mình). Nước này cũng đã liên kết với Trung Quốc với hy vọng tìm được người mua khí đốt thay thế, mặt hàng vẫn là nguồn thu ngoại tệ chính của nước này.

Mặc dù những hành động này đã làm giảm bớt tác hại tiềm tàng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng không loại bỏ hoàn hoàn toàn được các tác động. Liên minh châu Âu (EU) vẫn chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga; Trung Quốc chiếm khoảng một nửa con số đó. Đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia (Power of Siberia) chạy tới Trung Quốc khi hoàn thành vào năm 2025 sẽ chỉ vận chuyển được lượng khí đốt bằng 1/5 lượng khí đốt hiện nay được chuyển tới châu Âu. Trong trường hợp xảy ra xung đột nghiêm trọng, các lệnh trừng phạt thông qua hệ thống giao dịch ngân hàng SWIFT hoặc nhằm vào các ngân hàng lớn của Nga sẽ khiến nước này bị loại ra khỏi hệ thống tài chính. Các hạn chế nhập khẩu theo kiểu như đối với Huawei sẽ gây ra khó khăn lớn cho các công ty công nghệ của Nga.

Ông Putin có thể sống với sự phụ thuộc lẫn nhau này hoặc tiếp tục hướng sang Trung Quốc hơn. Tuy nhiên, điều đó có thể khiến Nga trở thành đối tác cấp thấp của một chế độ thiếu tình cảm vốn coi Nga là một đối tác ngoại giao và một nguồn cung cấp hàng hóa giá rẻ. Đó là mối quan hệ ràng buộc mà ông Putin phải chấp nhận.

Liên minh độc tài này cũng phải trả một cái giá tâm lý ở trong nước. Nó sẽ chứng tỏ sự phụ thuộc của ông Putin vào "siloviki" (các chính khách mà xuất thân từ cơ quan an ninh quốc gia hay từ quân đội), những "ông trùm an ninh" coi nền dân chủ và quan hệ gắn bó của Ukraine với phương Tây là mối đe dọa đối với khả năng kiểm soát và cướp bóc nước Nga của chính họ. Đó sẽ là một dấu hiệu nữa cho các nhà tư bản tự do và các nhà kỹ trị, vốn là trụ cột khác của nhà nước Nga, thấy rằng họ đã thất bại. Những người tốt nhất và nhạy bén nhất sẽ ra đi và những người khác sẽ bỏ cuộc. Sự trì trệ và phẫn uất sẽ tạo thành sự chống đối và có thể sẽ phải đối mặt với sự tàn bạo ngày càng cao.

Và điều gì sẽ xảy ra nếu ông Putin, dù lưu tâm đến tất cả những điều này, vẫn quyết định xâm lược? Đó có thể là kết quả tồi tệ của cuộc khủng hoảng này, vì mỗi bên đều tìm cách vượt qua bên kia. Chỉ trong tuần này, Duma Quốc gia Nga đã thúc giục ông Putin công nhận các "nước cộng hòa" tự xưng ở Donbas, vốn tuyên bố chủ quyền đối với những phần rộng lớn lãnh thổ của Ukraine mà họ hiện không kiểm soát. Như vậy ông Putin sẽ có thêm một "nút kích hoạt" nữa mà ông có thể ấn bất cứ khi nào muốn.

Cũng như việc tàn phá Ukraine, chiến tranh sẽ gây hại cho Nga nhiều hơn là lợi ích. Phương Tây sẽ cứng rắn hơn và kiên quyết hơn khi quay lưng lại với khí đốt của Nga; Ukraine sẽ biến thành vết thương rỉ máu, làm chảy máu tiền bạc và nhân mạng Nga; và ông Putin sẽ thành kẻ bị ruồng bỏ. Bản thân Nga sẽ bị tàn phá, trước mắt bởi các lệnh trừng phạt và sau đó là sự chuyên quyền và đàn áp sâu sắc hơn.

Ông Putin đã tự đưa mình vào góc tường. Ông có thể ra đòn. Tuy nhiên, một cuộc rút lui bây giờ, với những tham vọng của ông bị cản trở, có thể chỉ dẫn đến kết cục là một cuộc tấn công sau này. Bằng cách đứng lên chống lại mối đe dọa mà Putin gây ra, phương Tây hoàn toàn có thể ngăn chặn sự lựa chọn định mệnh đó.

Theo Economist

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
4 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả