Dù sức chống chịu và nguồn lực giảm sút, thu ngân sách năm 2022 phấn đấu đạt trên 1.411 nghìn tỷ đồng
Mặc dù nhận định 2022 là năm rất quan trọng khiến sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút đáng kể, nhưng Bộ Tài chính vẫn nêu quyết tâm hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với dự toán năm nay...
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, dự kiến năm 2022, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia 2022-2024.
CHI NGÂN SÁCH TĂNG 4,5%
Cụ thể, về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán thu ngân sách nhà nước 1.411,7 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,1%GDP; từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP.
Trong đó, tỷ trọng thu nội địa chiếm 83,4% tổng thu ngân sách nhà nước, với tốc độ tăng thu nội địa từ thuế, phí khoảng 6% so với ước năm 2021. Thu dầu thô chiếm 2% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 14,1% tổng thu ngân sách nhà nước, với tốc độ tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 5% so với ước năm 2021.
Về phía dự toán chi ngân sách nhà nước đạt 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 76,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 4,5% so dự toán năm 2021.
Cụ thể, dự toán chi đầu tư phát triển 526,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng chi ngân sách nhà nước. Dự toán chi trả nợ lãi, viện trợ, dự trữ quốc gia 107,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 6% tổng chi ngân sách nhà nước.
Dự toán chi thường xuyên, bao gồm chi tinh giản biên chế 1.112,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,3% tổng chi ngân sách nhà nước. Dự phòng ngân sách nhà nước 39 nghìn tỷ đồng.
Bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bằng khoảng 21-22% tổng thu ngân sách nhà nước. Nợ công đến cuối năm 2022 khoảng 43-44% GDP.
"Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng kiểm soát dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút đáng kể. Việc hoàn thành bao phủ vaccine, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là điều kiện quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", Bộ Tài chính đánh giá.
Bộ Tài chính nhận định, năm 2022, tình hình quốc tế, trong nước được dự báo có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức dự báo nhiều hơn.
Dịch Covid-19 còn có thể kéo dài, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới, nguy hiểm hơn, vaccine và thuốc điều trị có thể tiếp tục khan hiếm.
Chính vì vậy, quá trình phục hồi và tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 được dự báo thấp hơn năm 2021.
Bên cạnh đó, một số nền kinh tế lớn thắt chặt dần các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và các dịch bệnh khác cũng là những rủi ro ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế thế giới.
Về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024, Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước 4,65 triệu tỷ đồng, đạt tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân khoảng 15,1% GDP, thu từ thuế, phí gần 13%. Tiếp tục cơ cấu lại thu, tỷ trọng thu nội địa đến năm 2024 đạt gần 85% tổng thu ngân sách nhà nước.
Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2022-2024 khoảng 3,8%GDP. Nợ công đến năm 2024 khoảng 43-44% GDP.
Chi khoảng 5,8 triệu tỷ đồng.
6 GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2022, ngành Tài chính cần tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, đồng thời, khắc phục những khó khăn, hạn chế. Bộ Tài chính chỉ rõ một số nhóm giải pháp trọng tâm.
Việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cần có những động lực hỗ trợ khôi phục nền kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận