Dự luật PPP: Cân bằng lợi ích giữa các bên
Vấn đề khó của dự luật PPP đó là chia sẻ rủi ro nhưng cũng phải cân bằng rủi ro và đảm bảo lợi ích của cả Nhà nước và nhà đầu tư...
Dự luật phức tạp và hóc búa
Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được xác định là mô hình rất cần thiết và phù hợp với Việt Nam. Nhiều năm nay Chính phủ đã kêu gọi đầu tư theo hình thức này. Nhưng thực tế PPP chưa hút được đầu tư tư nhân, chưa hút được đầu tư tư nhân nước ngoài. Đến nay mới có 336 dự án PPP được thực hiện, trong đó có 140 dự án BOT, 188 dự án BT và các dự án theo hình thức khác.
Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tư nhân không mấy mặn mà với hình thức đầu tư này vì khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ, chưa phù hợp. Hiện nay các quy định pháp lý cho PPP mới dừng ở mức Nghị định nên chưa đảm bảo khung pháp lý cao nhất để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến PPP. Trong khi đó, các dự án PPP có quy mô vốn lớn, thời gian đầu tư kéo dài nên phải có khung pháp lý để đảm bảo ổn định đối với các dự án.
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP đã trình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để thẩm tra, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến đóng góp vì như các đại biểu Quốc hội đã nói “đây là một luật phức tạp và hóc búa”. Dự luật này trên cơ sở được kế thừa các quy định đang có để thực hiện các dự án PPP như Nghị định 108/2009/NĐ-CP, Nghị định 15/2015/NĐ-CP, Nghị định 63/2018/NĐ-CP…
Theo các nhà đầu tư nước ngoài, hình thức đối tác công tư PPP là phương thức thực hiện dự án, trong đó các DN tư nhân có lợi nhuận từ việc đầu tư, xây dựng, bảo trì và vận hành cơ sở hạ tầng công cộng; trong khi Chính phủ giảm thuế và hỗ trợ một phần về tài chính. Nhưng “để thúc đẩy đầu tư vào hình thức PPP, các nhà đầu tư cần được cho phép có nhiều lựa chọn khác nhau để huy động vốn đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, “các quy định nghiêm ngặt đã trở thành trở ngại cho việc đầu tư”, ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) phát biểu.
Bên cạnh đó, điểm quan trọng nhất là “sự đảm bảo của Chính phủ” trong việc chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. “Việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý để công nhận các phương thức huy động vốn khác nhau của DN tư nhân và “sự bảo đảm của Chính phủ” để có thể giảm thiểu rủi ro của các nhà đầu tư có khả năng giúp các dự án PPP trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ được thực hiện tích cực hơn nữa”, ông Ryu Hang Ha nhấn mạnh.
Nhiều nhà đầu tư và nhà tài trợ nước ngoài cũng cho rằng, “quan trọng nhất là việc cân bằng hợp lý các rủi ro”. Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam cho biết: Các nhà tài trợ nước ngoài cần đảm bảo những hiệu quả nhất định trong việc thực hiện dự án và nhận được những quyền lợi tương xứng để tránh những rủi ro không muốn có. Bên cạnh đó, là vấn đề sự cân bằng rủi ro thay đổi theo dự án và tùy hoàn cảnh, và theo đại diện các DN nước ngoài thì “không dễ dàng để viết thành luật”.
Nhà đầu tư có tiền, có công nghệ, có quan ngại riêng
Để góp ý cùng Chính phủ sớm hoàn thiện dự thảo luật hóc búa này, trong khuôn khổ chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform), Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tổ chức buổi Tọa đàm trao đổi ý kiến chuyên gia về một số nội dung chủ yếu của dự án Luật. Tại tọa đàm này, cơ chế chia sẻ rủi ro là nội dung được các chuyên gia nước ngoài đặc biệt quan tâm.
“Nhà đầu tư có tiền, có công nghệ và họ cũng có những quan ngại riêng. Họ quan tâm cơ chế bảo lãnh dự án ra sao? Khi vi phạm hợp đồng thì xử lý như thế nào?”, bà Lynn Tho - chuyên gia quốc tế về PPP của Công ty EY Singapore phát biểu.
Vấn đề khó của dự luật PPP đó là chia sẻ rủi ro nhưng cũng phải cân bằng rủi ro và đảm bảo lợi ích của cả Nhà nước và nhà đầu tư. Theo bà Lynn Tho sự hỗ trợ của Chính phủ với PPP rất quan trọng. Đây là câu chuyện của nhiều nước, không riêng gì Việt Nam. Theo đó, cần phải làm cho nhà đầu tư cảm thấy được an toàn và bảo vệ.
“Có những dự án rủi ro về mặt nhu cầu khiến nhà đầu tư và nhà tài trợ vốn luôn lo ngại. Dự án PPP thường kéo dài 20 - 25 năm, thật khó dự đoán những điều xảy ra trong khoảng thời gian dài như vậy, vì thế Chính phủ nên nghĩ tới việc hỗ trợ dòng tiền cho dự án”, bà chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Sanjay Grover - chuyên gia quốc tế của ADB cũng cho rằng, quyền lợi của nhà đầu tư phải được bảo đảm, nếu không sẽ chẳng có nhà đầu tư nào tham gia dự án PPP, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. “Cơ chế chia sẻ rủi ro của Chính phủ với PPP rất quan trọng để Việt Nam thu hút vốn đầu tư tư nhân, nhất là dòng vốn ngoại. Chính phủ có thể tốn kém nhưng dù thế vẫn rẻ hơn so với chấp nhận tất cả rủi ro”, vị chuyên gia này khuyến nghị.
Thay mặt ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cũng nhận thấy, chia sẻ rủi ro là cơ chế thực sự cần thiết để thu hút các dự án PPP. Vì thế dự luật PPP sẽ đưa ra các cơ chế bảo lãnh như cơ chế chuyển đổi ngoại tệ, cơ chế chia sẻ rủi ro... để thu hút nhà đầu tư.
“Dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công nhưng do hạn chế về nguồn lực nên chúng ta kêu gọi nhà đầu tư tư nhân thực hiện và trong tất cả các dự án, Chính phủ đều có phần tham gia để đảm bảo khả năng thực hiện dự án hiệu quả”, Thứ trưởng Trung phát biểu.
Theo kế hoạch, Dự án Luật PPP sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận