Du lịch Việt Nam cần nghiên cứu đón khách quốc tế vào quý 4-2020
Ngành du lịch Việt Nam từ bây giờ cần nghiên cứu phát triển có chọn lọc một số thị trường khách quốc tế từ khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á để có thể đón khách trở lại vào quý 4-2020, bên cạnh tập trung thị trường du lịch nội địa.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - tổng giám đốc Công ty Vietravel, đại diện ngành du lịch - đưa ra một số đề xuất tại "Hội nghị Diên Hồng" trực tuyến với Thủ tướng ngày 9-5.
Hiện du lịch đang từng bước quay trở lại sau thời gian giãn cách xã hội với tâm lý ngổn ngang. Lúc này, Tổng cục Du lịch cần phối hợp với Hiệp hội Du lịch khởi động lại một chiến dịch điểm đến an toàn cho toàn ngành du lịch, huy động toàn bộ nội lực của ngành.
Điểm sáng an toàn cần được xem là lợi thế không thể bỏ qua
Các điểm đến, vận tải hay dịch vụ phải được xác nhận an toàn trong chiến dịch này để du khách nhận biết và lựa chọn. An toàn là điểm sáng của Việt Nam, đây là lợi thế mà Chính phủ Việt Nam đã tạo ra trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Trong nhiều năm qua, du lịch VN luôn đứng sau Thái Lan, Singpapore thì đây là lúc Việt Nam tận dụng lợi thế này. Nếu không, chúng ta sẽ vô tình bỏ phí thành tích chống dịch COVID-19 an toàn. Điều này cũng giúp giải quyết ổn định tâm lý du khách và định hướng luồng khách, chứ hiện nay nhu cầu du lịch rất cao nhưng khách lại không biết đi đâu an toàn, dẫn đến cách du lịch tự phát, nguy cơ không an toàn cao.
Nếu Việt Nam triển khai chiến tốt dịch "Việt Nam, điểm đến an toàn" thì với những thị trường đang có sự hồi phục hiện nay ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, chúng ta có thể giữ được khách những thị trường này trong quý 4-2020.
Trong bối cảnh hiện nay, du lịch nội địa sẽ hồi phục đầu tiên nhưng du lịch trong nước vẫn rất cần sự chung tay góp sức, ban ngành, tạo ra những tam giác động lực phát triển. Như tại miền Bắc, chúng tôi tính toán các tour tuyến phát triển theo tam giác Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh, miền Trung có Đà Nẵng - Huế - Quảng Nam và Nha Trang - Đắk Lắk - Phú Yên. Vào phía Nam, du lịch có TP.HCM - Vũng Tàu và 13 tỉnh ĐBSCL…
Các điểm này trước mắt nghiên cứu giảm ngay 50% chi phí tham quan các di tích, danh lam, thắng cảnh mà nhà nước đang quản lý.
Chính phủ nghiên cần cứu chọn lọc mở lại các đường bay, bỏ dần hạn ngạch, du lịch chỉ có thể phát triển khi ngành hàng không hoạt động lại bình thường bởi 85% di chuyển trong du lịch hiện nay đều bằng đường hàng không.
Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển lại một số thị trường quốc tế có chọn lọc như thị trường Đông Bắc Á Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Ở khu vực Đông Nam Á có thị trường Thái Lan, Lào, Campuchia.
Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn
Hiện nay, doanh nghiệp lữ hành đang bị đặt trong hoàn cảnh "họa vô đơn chí" khi cạn kiệt dòng tiền mà chưa thể tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ. Các ngân hàng từ chối hồ sơ vay vốn do quan ngại về khả năng trả nợ hoặc do người vay không thể chứng minh được sẽ có dòng tiền dương, do đó dù rất muốn nhưng doanh nghiệp không thể quay trở lại thị trường vì không có tiền chịu chi phí từ tiền nhà, tiền lương nhân viên, sản phẩm mới…
Bản thân các doanh nghiệp du lịch còn có công nợ và bị giam công nợ đều không thể xử lý được, làm cho doanh nghiệp tắc dòng tiền này. Nếu có sự tham gia của ngân hàng, đứng ra trung gian bảo lãnh thì doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn để đầu tư trở lại.
Bên cạnh tiếp cận được gói hỗ trợ. việc giải quyết dòng tiền giữa các doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Ở đây, doanh nghiệp xin được cung cấp cơ chế phù hợp, chứ không hẳn xin tiền.
Bộ Giáo dục và đào xem xét, tính toán chương trình học để có quãng nghỉ hè khoảng 4 tuần, từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9, vì nếu có hè thì du lịch mới phát triển
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nên dịp này chính phủ cần áp dụng chính sách thuế VAT giảm về 5% thay vì mức 10% như hiện nay trong vòng một năm, giúp các sản phẩm trong chuỗi du lịch sẽ rẻ hơn, khách sẽ được hưởng lợi. Điều này từng được triển khai trong những năm 2002-2003.
Với thuế thu nhập doanh nghiệp, đề xuất giảm 22% xuống 15% trong vòng một năm và tăng dần lại theo mức hồi phục của thị trường.
Vừa qua, ngành điện đã có chính sách ưu đãi trong vòng 3 tháng dành cho doanh nghiệp du lịch, rất đáng hoan nghênh, nhưng vẫn nên nghiên cứu kéo dài chính sách này thêm ít nhất 1 năm vì chi phí điện đang chiếm đến 25-30% giá thành dịch vụ hiện nay, do đó sẽ giúp cho giá thành dịch vụ lưu trú giảm đáng kể, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch.
Cuối cùng, để tháo các nút thắt việc thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề của ngành du lịch cũng rất quan trọng.
Du lịch đang gần hồi phục trở lại, các doanh nghiệp nhìn nhận có cả cơ hội và rủi ro trong bối cảnh hiện tại, vì vậy những sự hỗ trợ kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội chỉ Việt Nam có lúc này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận