Du lịch sẵn sàng bứt phá
Nhu cầu du lịch nội địa tăng mạnh, phương án mở cửa quốc tế cũng đang được nghiên cứu, Việt Nam đang nắm trong tay nhiều cơ hội để hồi phục và bứt tốc du lịch sau đại dịch.
Cứ thấy tình hình ổn là “lên đường”
Vừa trở về sau chuyến đi Đà Lạt 3 ngày 2 đêm cách đây 1 tuần, đêm 18.3, Ngọc Nhung (26 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) lại chuẩn bị vali, quần áo cho kịp chuyến bay vào sáng sớm hôm sau đi chơi Phú Yên, cũng 3 ngày 2 đêm. Trả lời rất nhiều bình luận “sướng thế, thấy đi miết” trên Facebook cá nhân, Nhung “khoe” tiếp: “Tuần sau lại có lịch đi Đắk Lắk nữa nè”.
Ngọc Nhung kể: Nhà ba mẹ ở Tây Ninh, gần TP.HCM nên hầu như tuần nào cũng về thăm. Mọi năm, cứ dịp Tết Nguyên đán là cả nhà lại đưa nhau đi du lịch, hết 5 - 6 ngày mới về. Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát ngay trước tết khiến gia đình Nhung phải hủy toàn bộ chương trình tour đã đặt đi Tây Bắc. “Cuồng chân”, ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định ở khu vực miền Bắc, cô gái này đã đưa ba mẹ đi chơi hầu hết các tỉnh miền Tây Nam bộ, sau đó tự mình rủ bạn bè lang thang nhiều điểm du lịch gần vào cuối tuần.
“Đi thời điểm này thực ra rất thích. Vé máy bay thì rẻ, lại khuyến mãi liên tục, nhiều khi không cần mất công săn tìm gì mà vẫn hốt được vé rẻ. Mình làm công việc tự do nên cũng chủ động về thời gian, cuối tuần là có thể vác máy đi được. Kể ra do dịch, chủ yếu rủ bạn bè tự đi theo dạng phượt nên lại khám phá được rất nhiều điểm lạ, thú vị. Cả năm vừa rồi lễ, tết toàn ở nhà tránh dịch, cuồng quá rồi. Giờ cứ thấy tình hình ổn là tranh thủ lên đường thôi”, Nhung nói.
Trực tiếp dẫn đoàn khách 48 người đi Phú Quốc từ 16 - 19.3, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing của TST Tourist, hào hứng khi thấy các đoàn khách lẻ, khách đoàn xuất hiện rất đông tại Đảo Ngọc. Dù chưa tới cao điểm nhưng hiện các chuyến bay đến Phú Quốc khởi hành liên tục, lượng khách lẻ từ TP.HCM, Hà Nội xuất hiện tần suất dày, đều. Được mệnh danh là “điểm đến của giới đại gia” nhưng khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phú Quốc Emerald Bay Resort & Spa cũng thu hút rất đông du khách, báo hiệu nhu cầu nghỉ dưỡng vẫn cao, du lịch đang “ấm lên”.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Phòng Tiếp thị truyền thông lữ hành Saigontourist, cho biết sau thời gian yên ắng cao điểm tết, khách bắt đầu ồ ạt liên hệ tìm kiếm thông tin các tour, tuyến, điểm đến. Ước chừng đã có hàng ngàn khách tìm tới Saigontourist để tham khảo chương trình. Nhân viên công ty bắt đầu tấp nập ghi nhận nhu cầu của khách để điều chỉnh, xây dựng sản phẩm phù hợp cho dịp lễ 30.4 - 1.5 và mùa hè tới.
Du lịch bắt đầu “ấm” dần lên trước mùa cao điểm. Ảnh: Nam Thịnh
Đổi “công thức ” kích cầu
Ngay khi nhu cầu du lịch dần “ấm” lên, hàng không cũng cấp tập tăng tải để “đẩy thuyền” phục vụ du khách mùa hè tới. Trong đó, Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) thông tin sẽ tăng hàng trăm chuyến bay trên gần 30 đường bay nội địa, bổ sung thêm từ 280 - 400 chuyến bay mỗi tuần, tương đương 56.000 - 80.000 ghế. Các đường bay được tăng chuyến kết nối trực tiếp 15 điểm đến trên cả nước, gồm các thành phố lớn và điểm du lịch nổi tiếng như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Cam Ranh, Phú Quốc... Bamboo Airways cũng đã mở 57 đường bay, phủ kín mạng bay nội địa.
Theo số liệu từ công cụ Destination Insights của Google, từ giữa tháng 2.2021 trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch của khách nội địa tăng mạnh so với thời điểm đầu năm, thậm chí có lúc tăng đến 30% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này phản ánh thực tế nhu cầu đi lại du lịch của người dân vẫn rất cao, sẵn sàng đi du lịch trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Thay vì ồ ạt giảm giá, tung hàng ngàn tour giá rẻ, các điểm đến đang thay đổi dần phương thức hút khách bằng các sản phẩm, dịch vụ mới hấp dẫn. Nổi bật nhất phải kể đến “Trung tâm giải trí nghỉ dưỡng Phú Quốc United Center” - siêu quần thể “không ngủ” đầu tiên của Việt Nam vừa được Tập đoàn Vingroup thông tin sẽ chính thức khai trương tại Bắc đảo Ngọc vào ngày 21.4 tới. Với quy mô lên đến hơn 1.000 ha, Phú Quốc United Center có tổng vốn đầu tư hơn 66.000 tỉ đồng, được phát triển theo mô hình “một điểm đến mọi nhu cầu”. Trong đó, Grand World - “TP không ngủ” được giới thiệu là trải nghiệm độc nhất vô nhị, chỉ có tại Phú Quốc United Center là lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đại diện tập đoàn cũng thể hiện rõ kỳ vọng trung tâm giải trí nghỉ dưỡng Phú Quốc United Center khi đi vào hoạt động sẽ vượt xa tầm vóc của một quần thể giải trí đơn thuần, để trở thành một siêu phẩm nghỉ dưỡng - kinh doanh - đầu tư hấp dẫn hàng đầu Việt Nam. Đồng thời, đặt nền móng cho định hướng phát triển kinh tế đêm của Việt Nam, đánh dấu bước tiến đưa Phú Quốc trở thành điểm đến quốc tế mới trên bản đồ du lịch thế giới.
Gần như năm nào Phú Quốc cũng “trình làng” một dự án mới, sản phẩm mới hấp dẫn, buộc khách phải quay trở lại để trải nghiệm. Không phụ công sáng tạo liên tục của các doanh nghiệp lớn hàng đầu đang đầu tư tại Phú Quốc như Vingroup, Sungroup... Phú Quốc tiếp tục góp mặt trong top những điểm đến “hot” nhất mùa du lịch lễ 30.4 - 1.5 và mùa hè tới, theo khảo sát của một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.HCM.
Tương tự, Quảng Nam hiện cũng đã lên kế hoạch một số chương trình đón khách mùa hè, phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên-Huế, Hà Nội và TP.HCM triển khai một số hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tạo điểm nhấn, thu hút du khách. Thời gian qua, phố cổ Hội An cũng đã đón khách tham quan tương đối đông, lượng khách đăng ký lưu trú cũng đang có dấu hiệu “ấm” dần lên.
Mùa du lịch biển, đảo năm 2021 tại Quảng Trị với chủ đề Biển gọi cũng sẽ khai trương tại Khu dịch vụ du lịch Cửa Việt từ ngày 30.4 - 5.5 tới với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, hội nghị hợp tác phát triển du lịch; famtrip giới thiệu các khu điểm du lịch biển, đảo Cồn Cỏ và các điểm du lịch văn hóa, lịch sử của địa phương…
Du lịch nội địa hy vọng phục hồi trong năm nay. ảnh: Phạm Bá Duy
Du lịch nội địa sẽ phục hồi trong năm nay ?
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, phân tích với một đất nước gần 100 triệu dân với thu nhập, sức mua ngày càng cao thì thị trường nội địa luôn quan trọng, đặc biệt trong đại dịch Covid-19, khi du lịch quốc tế trên thực tế đã hoàn toàn mất. Trước dịch, thị trường du lịch nội địa đã đạt hơn 90 triệu lượt khách, gần bằng tổng dân số nước ta. Năm 2020, mặc dù bị giảm tới hơn 34% so với năm trước do ảnh hưởng của Covid-19, 56 triệu lượt khách du lịch nội địa vẫn là một con số rất có giá trị.
“Tôi nghĩ ngành du lịch nước ta không biến mất đi đâu cả. Chúng ta cần giữ được sự lạc quan, niềm tin vào tương lai, đồng thời hành động một cách tỉnh táo để không bị tổn hại thêm về tài chính, giữ được nguồn lực và duy trì, phát triển được các quan hệ hợp tác nghề nghiệp cho sự phục hồi”, ông Nam nói và lưu ý: “Đối với du lịch nội địa, chỉ cần kiểm soát dịch tốt, trong đó có việc nhanh chóng phát hiện và cô lập nhanh các ca nhiễm trong tương lai (chắc chắn là sẽ còn xuất hiện ở lúc này, lúc khác, thời điểm này, thời điểm khác), cô lập cục bộ trong phạm vi hẹp thì du lịch nội địa sẽ trở lại. Trong bối cảnh đi du lịch nước ngoài trong năm nay vẫn còn khó khăn thì cơ hội phát triển du lịch nội địa càng cao. Trong năm khó khăn như 2020 mà du lịch nội địa vẫn giữ được mức 2/3 của năm 2019 thì năm nay chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng phục hồi thị trường được mức trước đại dịch”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận