Du lịch hậu COVID-19: Cơ hội trong thách thức
Kích cầu du lịch nội địa là cơ hội để du lịch Việt Nam khẳng định vị thế, hoàn thiện và phát triển bền vững trên cơ sở cơ cấu lại thị trường khách hàng.
Thời gian gần đây, lượng khách quá tải tại một số địa danh nổi tiếng cho thấy nhu cầu tham quan du lịch hậu COVID-19 của du khách là rất lớn. Thị trường nội địa đang là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp lữ hành phục hồi sau đại dịch và cũng là điều kiện để du lịch Việt Nam khẳng định vị thế, hoàn thiện và phát triển bền vững trên cơ sở cơ cấu lại thị trường khách hàng.
Đại dịch COVID-19 đã khiến du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề nhất trong các ngành kinh tế. Năm 2020, ngành du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD do lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% so với năm 2019, lượng khách trong nước cũng giảm gần 50%…
Thích ứng với tình hình dịch, ngành du lịch đã chuyển hướng tập trung phát triển du lịch nội địa, cùng lúc thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Năm 2021, giải pháp của ngành du lịch trong nước là tiếp tục giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi và duy trì hoạt động.
Thị hiếu và xu hướng của du khách Việt hậu COVID-19 cũng đã có nhiều thay đổi về điểm đến, khoảng cách và hình thức các chuyến đi. Không chỉ đơn thuần là vui chơi, chụp ảnh, các chuyến đi trong năm 2021 sẽ được kỳ vọng mang tới nhiều ý nghĩa, trải nghiệm hoặc nhiều sự thư thái hơn.
Mùa xuân là khoảng thời gian thích hợp để nhiều người chọn đi lễ với mong cầu bình an may mắn cho cả năm. Ngôi chùa Tam Chúc lớn nhất thế giới hiện nay ở tỉnh Hà Nam, kết hợp với quần thể chùa Bái Đính tỉnh Ninh Bình và khu di tích thắng cảnh chùa Hương huyện Mỹ Đức, Hà Nội đang tạo nên tam giác du lịch tâm linh “đắt” khách.
Đáp ứng nhu cầu thị trường, các công ty lữ hành đã tung ra nhiều sản phẩm du lịch tâm linh trọn gói phục vụ đầy đủ nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm tour du lịch bao gồm phương tiện di chuyển (vé tàu xe, vé máy bay khứ hồi), khách sạn và nhà hàng ăn uống kèm theo hướng dẫn viên với giá thành hợp lý.
Ngoài mục đích tâm linh, khi tham gia tour, khách hàng được nghe hướng dẫn viên thuyết trình về lịch sử, văn hoá của các địa danh nổi tiếng và được sắp xếp thời gian nghỉ ngơi tham quan. Giá thành các tour khởi hành từ Hà Nội dao động từ 550 nghìn đồng đến 750 nghìn đồng/người tuỳ thuộc chất lượng ăn uống và nghỉ ngơi mà du khách mong muốn.
Chị Mai Hương và gia đình ở quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa có chuyến đi Tam Chúc vào tháng 3 chia sẻ, chị mua tour trọn gói của một công ty du lịch với giá 600 nghìn đồng bao gồm vé xe Limousine khứ hồi đưa đón tận nhà, 3 bữa ăn và hướng dẫn viên.
“Việc đi tour không bị mệt vì biết lịch trình tham quan, không phải tự tìm hiểu điểm tham quan”, chị Mai Hương cho biết.
Tuy không phải là thời điểm vàng để vui chơi nghỉ dưỡng nhưng du lịch trái mùa hậu COVID-19 chính là cơ hội tốt cho khách hàng bởi giá thành rẻ, thuận tiện đặt chỗ và lượng người tham quan thông thoáng, đảm bảo yêu cầu phòng dịch.
Các tuyến đường bộ vào mùa xuân có hoa đào rừng, hoa mơ, hoa ban cũng góp phần thu hút du khách đến với Sapa, Mộc Châu, Hà Giang, Cao Bằng. Hay nhiều tuyến biển đảo lại đang vào mùa đẹp như Phú Quốc, Côn Đảo, Mũi Né, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Phú Yên cũng là những điểm đến hấp dẫn.
Combo du lịch là một gói dịch vụ bao gồm phương tiện di chuyển và nghỉ dưỡng ăn uống cùng với các khuyến mãi tặng kèm. Khi chọn sản phẩm này khách hàng được chủ động về thời gian và tự mình sắp xếp lộ trình tham quan.
Dù chưa đến mùa cao điểm nhưng những combo “hấp dẫn” như Vinpearl Phú Quốc 4 ngày 3 đêm bao gồm vé máy bay khứ hồi, ăn uống nghỉ ngơi hạng sang chỉ 3 triệu 990 nghìn đồng, hay nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn 3 ngày 2 đêm trong tháng 3 giá chỉ 2 triệu 200 nghìn đồng… đang được rất nhiều khách hàng ưa thích.
Việc các hãng hàng không liên kết với khu nghỉ dưỡng và công ty du lịch mang đến cho khách hàng những sản phẩm giá thành ưu đãi hơn rất nhiều so với khi tách lẻ từng dịch vụ. Đây là một điểm cộng lớn, nhất là trong bối cảnh thu nhập của người dân phần nào bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Phó giám đốc Viettravel Hà Nội Phạm Văn Bảy cho biết, dù chưa vào hè nhưng lượng khách đăng ký combo du lịch tại đơn vị đã có sự tăng trở lại trong tháng 3. Vietravel dự kiến phục vụ 12.000 du khách, mức tăng trưởng tới 169% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh mức giá tốt, công ty đặc biệt chú trọng xây dựng các sản phẩm đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho du khách, nhất là các mùa cao điểm.
Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc chuỗi khách sạn 5 sao Paradise Suites tại đảo Tuần châu, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) cũng cho biết, đây là thời điểm vàng để khám phá du lịch Việt.
“Chúng tôi tập trung liên kết với công ty du lịch cung cấp các gói nghỉ dưỡng với giá thành tốt nhưng vẫn mang đến những trải nghiệm tiện nghi nhất. Bên cạnh đó, cũng mở bán các voucher khuyến mãi lớn kèm các bữa ăn sáng, trưa, tối cho khách du lịch. Mặc dù chưa đến mùa cao điểm nhưng khách sạn vẫn duy trì việc vận hành và nguồn thu cũng có khởi sắc.”
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2021 ngành du lịch dự kiến sẽ khai thác và phục vụ 80 triệu khách du lịch nội địa với tổng doanh thu 377.000 tỷ đồng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, đây là con số khá cao nhưng nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam, cùng sự nỗ lực, đồng hành của các địa phương, hiệp hội du lịch, sự vươn lên vượt khó của doanh nghiệp du lịch thì mục tiêu này sẽ đạt được.
Năm 2021, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung khai thác có hiệu quả thị trường khách nội địa, triển khai tiếp các hoạt động kích cầu du lịch trên cơ sở kế thừa chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn; chú trọng phát huy liên minh, liên kết giữa các địa phương-doanh nghiệp-truyền thông; đẩy mạnh hợp tác công-tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận