Du lịch Đà Nẵng hướng đến khách nội địa trong năm 2022
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, năm 2022 du lịch nội địa được xem là “phao cứu sinh” cho ngành du lịch Đà Nẵng.
Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây hệ luỵ, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành kinh tế của nước ta, trong đó có ngành du lịch. Trước tình hình đó, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng buộc phải có những thay đổi để thích ứng với tình hình mới, đặc biệt là tìm kiếm nguồn khách trong năm 2022.
Dưới tác động của dịch bệnh, nhu cầu, mức độ sẵn sàng đi du lịch cũng như những mối quan tâm trong chuyến du lịch của du khách có nhiều thay đổi. Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch TP. Đà Nẵng, có khoảng 28% du khách nội địa sẽ đến Đà Nẵng trong đầu năm 2022 và gần 42% chưa rõ thời gian đi. Về độ tuổi, có khoảng 42% du khách độ tuổi từ 25-34 tuổi và 23% du khách độ tuổi từ 35-44 tuổi đến Đà Nẵng với đa số là tự túc theo nhóm… Từ đó cho thấy thị trường khách trong năm 2022 chủ yếu là khách du lịch trẻ.
Không những vậy, dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi du lịch của du khách, du khách quan tâm hơn về sự đa dạng của sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ, vấn đề an ninh, an toàn và kiểm soát tốt dịch COVID-19… của điểm đến. Phương thức đi du lịch dũng thay đổi, chủ yếu đi theo nhóm gia đình, đi đến các điểm đến gần, lưu trú dài ngày hơn và khách đến Đà Nẵng từ các địa phương có đường bay trực tiếp.
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, theo báo cáo nghiên cứu của Outbox Consulting, đến quý II/2022 chỉ có Hàn Quốc và Singapore đạt mức phục hồi trung bình, từ quý I/2023 sẽ phục hồi tốt và có thể trở lại bình thường từ quý III/2023. Riêng các thị trường du lịch quốc tế còn lại sẽ chậm hơn.
“Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 toàn cầu, thị trường du lịch trong năm 2022 chủ yếu vẫn là khách nội địa, Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, du lịch gắn với giáo dục, nghỉ dưỡng, du lịch gia đình trải nghiệm, du lịch có ý thức có trách nhiệm, thể thao…nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách”, bà An nói.
Để tạo được sức hút đối với du khách, bà An cho biết, trung tâm cũng xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể tới từng đối tượng khách nội địa và quốc tế theo thông điệp “Enjoy Danang - Tận hưởng Đà Nẵng”.
Theo đó, xác định khách nội địa tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong phục hồi du lịch năm 2022, ngành chú trọng truyền thông điểm đến an toàn, bảo đảm thông tin về tình hình dịch bệnh, các quy định được cập nhật thường xuyên; đồng thời thực hiện quảng bá các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tươi mới, nhấn mạnh yếu tố trải nghiệm để thu hút khách, nhất là khách trẻ. Đối với khách du lịch quốc tế, năm 2022 vẫn là giai đoạn triển khai các chính sách mở cửa để đánh giá sự quay trở lại của các thị trường khách.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết, với những diễn biến của dịch bệnh COVID-19, lạc quan nhất là đến năm 2024, doanh thu ngành du lịch mới bắt kịp số liệu của năm 2019 và với dự báo chung của thị trường thì cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng cố gắng đến tháng 6/2022 sẽ đạt tốc độ tăng trưởng của năm 2020 với khoảng 100 chuyên bay/ngày. Riêng đối với du khách quốc tế thì hy vọng đến tháng 7/2022 sẽ quay trở lại.
Theo ông Dũng, với xu hướng du lịch sau dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đang hướng đến sản phẩm du lịch xanh, du lịch an toàn. Và với tâm lý du khách đi theo hướng nhóm nhỏ, nhóm gia đình, cộng đồng doanh nghiệp đang xây dựng sản phẩm chất lượng cao để đón bắt nhu cầu này.
“Hiện cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn có những gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực như: tiếp tục giúp doanh nghiệp tiếp cận gói ưu đãi tính dụng, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp du lịch... nhằm tránh doanh nghiệp lâm vào cảnh đóng cửa, phá sản. Đặc biệt, các ngành chức năng cần có cơ chế đột phá, giúp doanh nghiệp thích ứng với trạng thái bình thường để phục vụ nguồn khách nội địa và quốc tế", ông Dũng đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Khu Du lịch Bắc Mỹ An cho biết, đã đến lúc phải có các giải pháp đổi mới, thích ứng cho ngành dịch vụ, khách sạn, nhà hàng trong xu thế bình thường mới. Cụ thể là cần tái định vị ngành du lịch khách sạn, nhà hàng bằng cách: xác định dịch vụ cốt lõi của Đà Nẵng như du lịch MICE, ẩm thực, sức khỏe, du lịch thương mại giải trí cao cấp; làm sâu sắc thông điệp về du lịch Đà Nẵng thông qua các thương hiệu đã được khẳng định như: thành phố thân thiện mến khách an toàn, thành phố của những câu chuyện di sản, huyền thoại…
“Cần tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm du lịch bằng cách đầu tư thêm du lịch ẩm thực mua sắm về đêm, du lịch thẩm mỹ, dưỡng lão, du lịch đào tạo, du lịch MICE toàn cầu và chuyển đổi số; tập trung chất lượng sản phẩm và dịch vụ để tăng khả năng chi tiêu của khách. Song song đó, kết hợp các hãng hàng không xúc tiến kết nối quốc tế và mở thêm đường bay tới các thị trường tiềm năng…”, ông Quỳnh cho hay.
Đà Nẵng lên 2 kịch bản phục hồi và phát triển du lịch năm 2022
Kịch bản 1 sẽ phấn đấu tổng lượng khách lưu trú dự kiến đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 3 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,3 lần so với năm 2020); trong đó, khách quốc tế ước đạt 180 ngàn lượt, tăng 1,6 lần và khách nội địa ước đạt hơn 3,32 triệu lượt, tăng 3 lần. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt trên 6,7 ngàn tỉ đồng, tăng 2,6 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,7 lần so với năm 2020).
Kịch bản 2, lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt khoảng 2,1 triệu lượt khách, tăng 87,8% so với năm 2021; khách quốc tế ước đạt 100 ngàn lượt (tương đương năm 2021) và khách nội địa ước đạt 2 triệu lượt, tăng 2 lần so với năm 2021. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 4 ngàn tỉ đồng, tăng 2 lần so với ước thực hiện năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận