Du lịch cần “sống chung” với Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch không thể “án binh bất động” chờ dịch kết thúc, mà phải chấp nhận “sống chung” với dịch bằng cách thay đổi mô hình, sản phẩm, cách thức hoạt động sao cho phù hợp. Đó là quan điểm của ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT, Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel, khi trao đổi với ĐTTC.
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về thực trạng ngành du lịch hiện nay và khả năng phục hồi trước ảnh hưởng của dịch Covid-19?
Những doanh nghiệp lớn còn may mắn trụ lại được nhưng vẫn không thể hoạt động, trong khi doanh nghiệp nhỏ lẻ và ít vốn gần như đã phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động ngay từ trong quý II-2020.
Doanh thu của các doanh nghiệp du lịch chủ yếu đến từ 3 nguồn là du lịch nội địa, du lịch lữ hành đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài và hoạt động lữ hành đón khách nước ngoài đến Việt Nam.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát cả 3 hoạt động này đều bị đóng băng, doanh nghiệp không còn nguồn thu. Cách đây hơn 1 tháng, Chính phủ công bố tạm thời kiểm soát được dịch và cho phép mở lại du lịch nội địa, song chỉ thời gian ngắn dịch đã bùng phát trở lại, hoạt động này lại tạm ngưng, chưa rõ khi nào mới mở lại.
Thực tế, du lịch nội địa có nguồn thu rất ít, không đáng kể so với du lịch nước ngoài, song có thể xem là giải pháp tạm thời để các doanh nghiệp có thể hoạt động cầm chừng nhằm duy trì.
Đơn cử, công ty chúng tôi, doanh thu từ hoạt động du lịch không có, trong khi vẫn nợ ngân hàng và vẫn phải trả lãi hàng tháng, chưa kể còn khoản chi phí đã tạm đóng cho các công ty hàng không trước đó hàng tỷ đồng cho hoạt động du lịch lữ hành quốc tế, đến nay vẫn không thể lấy lại được số vốn trên.
Về khả năng phục hồi của ngành du lịch, tôi cho rằng phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát được dịch bệnh. Kiểm soát được dịch bệnh hay không lại phụ thuộc vào việc chế tạo thành công vaccine khi nào. Nhưng ngay cả khi các nước trên thế giới tìm ra vaccine cho đến lúc có thể sử dụng đại trà, thời gian vẫn kéo dài 1-2 năm nữa.
Do đó, thời gian tới vẫn là thử thách khốc liệt với doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, chắc chắn số doanh nghiệp phá sản còn tăng thêm, hoạt động của ngành khó phục hồi tăng trưởng như thời kỳ trước dịch Covid-19.
- Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp du lịch, thời gian qua đã phát huy tác dụng, thưa ông?
- Tôi cho rằng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ trong thời gian qua là cần thiết, song tính hiệu quả như thế nào có lẽ vẫn còn phải nói đến rất nhiều.
Về các gói hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp, hiện nay nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn chưa thể tiếp cận được. Như công ty chúng tôi cũng vẫn chưa thể vay được đồng nào từ nguồn vốn này.
Trong khi đó, việc miễn giảm thuế thực sự cũng không có nhiều tác dụng. Bởi lẽ từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, hoạt động du lịch bị ngưng trệ, doanh nghiệp không có doanh thu, việc không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là hiển nhiên, không thể xem đó là ưu đãi được.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận các gói tín dụng khác của ngân hàng cũng rất khó khăn. Do doanh nghiệp du lịch gặp khó trong kinh doanh, nên ngân hàng dè dặt cho vay vì sợ phát sinh nợ xấu.
Do đó, tôi cho rằng chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần phải “sát sườn” với doanh nghiệp du lịch hơn. Thí dụ, có thể xây dựng quỹ hỗ trợ doanh nghiệp được trích ra từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp được vay trực tiếp từ quỹ này để tái đầu tư kinh doanh.
- Sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương, hoạt động du lịch nội địa lại bị tạm ngưng. Có ý kiến cho rằng nên duy trì hoạt động này trên cơ sở tăng cường kiểm soát an toàn dịch bệnh. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Tôi cho rằng vẫn nên duy trì hoạt động du lịch nội địa, vì đây là cách tốt nhất để doanh nghiệp du lịch có thể ít nhiều “tự cứu mình”. Vấn đề dịch Covid-19 bùng phát trở lại gần đây, theo tôi do khâu kiểm soát đầu vào từ biên giới chưa được tốt.
Thêm vào đó, nếu buộc phải giãn cách xã hội tạm thời cũng nên giãn cách theo phương thức khoanh vùng, không nên tạm ngưng mọi hoạt động ở các địa phương khác, bởi điều này là không cần thiết.
Hơn nữa, vì diễn biến của dịch Covid-19 còn rất phức tạp, chưa rõ khi nào mới có thể kiểm soát được, do đó cách tốt nhất lúc này là du lịch phải chấp nhận “sống chung” với dịch Covid-19. “Sống chung” ở đây là vừa duy trì hoạt động của mình để có doanh thu, vừa có các biện pháp kiểm soát để đảm bảo an toàn cho khách.
Hiện các doanh nghiệp du lịch bắt buộc phải chuyển đổi mô hình cũng như cách thức hoạt động. Nếu trước đây du lịch thường tổ chức theo các đoàn đông người và tập trung số lượng lớn ở các địa điểm du lịch, nay có thể tổ chức theo quy mô hộ gia đình với hình thức du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày như homestay, farmstay…
Như vậy, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách, doanh nghiệp vẫn có doanh thu, đủ sức cầm cự trong thời gian dịch bệnh chưa kết thúc. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thực hiện việc cắt giảm chi phí, nhân lực. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số như thực tế ảo chưa nhiều doanh nghiệp thực hiện bởi chi phí cho việc này không rẻ.
Còn nhân sự trong ngành du lịch từ đầu năm đến nay đã bị cắt giảm khá nhiều. Điều này gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Người lao động mất việc làm, còn doanh nghiệp sau này muốn phục hồi hoạt động sẽ rất khó khăn do thiếu nhân lực.
- Xin cảm ơn ông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận