Dự kiến chưa áp giới hạn “room” ngoại 49% tại tổ chức trung gian thanh toán
Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn 49% này vào dự thảo quy định.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một số thông tin về định hướng xây dựng các quy định mới về thanh toán không dùng tiền mặt.
Thông tin công bố cho biết, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đã tạo nền tảng pháp lý cơ bản cho hoạt động thanh toán trong thời gian vừa qua, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ và xu hướng hội nhập toàn cầu của nền kinh tế, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thanh toán, đòi hỏi các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt hiện hành cần thiết tiếp tục được bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện.
Tại Dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước dự kiến đưa ra tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là 49% chỉ áp dụng cho các hoạt động trung gian thanh toán (không phải tất cả các công ty Fintech).
Tuy nhiên, sau khi Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước cho biết, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, cơ quan này cũng nhận được các ý kiến khác xung quanh việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn góp, do dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ mới dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của công nghệ nên đầu tư nước ngoài đóng vai trò khá quan trọng, nếu hạn chế có thể ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng, Fintech nói chung.
Ngoài ra, thực tế hiện nay có một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lớn đã được cấp phép và có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 49% nên cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp này.
Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện các vấn đề, các ý kiến góp ý cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam có tham gia; phân tích, đánh giá các tác động của chính sách này mang lại trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự kiến sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn (49%) vào Dự thảo Nghị định.
Ngoài ra, để thực hiện các giải pháp được đề ra tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính trong nền kinh tế (Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ), một trong những chính sách mới được đề cập trong Dự thảo Nghị định đó là dự kiến quy định hoạt động đại lý thanh toán.
Theo Dự thảo, với mô hình giao đại lý, ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ,...
Chính sách mới này nhằm mục tiêu hỗ trợ phổ cập tài chính sâu rộng hơn tới đông đảo người dân bằng việc tăng cường đưa dịch vụ tài chính tới những người dân vốn trước đây chưa có tài khoản ngân hàng, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa,..
Bên cạnh đó, quy định này cũng giúp cho ngân hàng có thể tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận