Dự đoán khủng hoảng
Thấy rất nhiều người share một bài viết trên Bangkok Post cảnh báo nguy cơ khủng hoảng tiền tệ quốc gia N khu vực ASEAN, làm mình nhớ đến một bài tập mình phải làm khi đi học ở Columbia.
Ông thầy cho một loạt các nước giấu tên đánh ký hiệu A, B, C, D... Mỗi nước sẽ được cho rất nhiều thông tin về tình hình kinh tế trong 5 năm liên tiếp trong lịch sử, từ GDP, BoP, dự trữ ngoại hối, tỷ giá, cơ cấu kinh tế theo ngành nghề, mặt hàng xuất nhập khẩu chính, tình hình thị trường chứng khoán, ngân hàng, bất động sản và rất nhiều thông tin khác.
Câu hỏi đặt ra là, nước nào sẽ có khủng hoảng tiền tệ trong năm tiếp theo, sau 5 năm đó?
Cả lớp được ngồi cãi nhau thoải mái. Mỗi người sẽ nhìn vào các yếu tố tích cực hoặc tiêu cực của nền kinh tế đó, rồi cuối cùng thì tự chọn cho mình đáp án Crisis hoặc No crisis.
Đây là một bài tập khó vì nó đòi hỏi kiến thức tổng hợp, bạn phải hiểu rõ diễn biến của các mô hình khủng hoảng, nhận diện đâu là mắt xích yếu trong mỗi nền kinh tế, và có sự nhạy cảm nhất định khi đánh giá các yếu tố.
Với rất nhiều may mắn, mình là người duy nhất trong lớp trả lời đúng tất cả các trường hợp.
Đương nhiên, không có một công thức vàng nào cho việc dự đoán khủng hoảng. Bởi nếu có công thức thì chắc thế giới này sẽ không còn nỗi lo khủng hoảng. Nhưng vẫn có những thứ có thể đúc kết được.
1. Đầu tiên cần biết quốc gia đó có cho tự do lưu chuyển vốn không (free flow of capital)? Nếu không thì khả năng có khủng hoảng tiền tệ là khá thấp.
Tự do lưu chuyển vốn là việc cho phép đổi tiền nội tệ ra ngoại tệ mà không bị hạn chế. Còn nếu có các quy định hạn chế lượng ngoại tệ được phép mua hay phải chứng minh lý do như giấy báo nhập học nước ngoài, vé máy bay du lịch, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa... thì tức là không tự do.
2. Dòng vốn ngắn hạn đổ vào nước đó trong các năm trước khủng hoảng. Bạn có thể theo dõi số liệu này ở BoP các nước, phần financial account. Hãy bỏ qua dòng vốn FDI vì FDI rất kém linh hoạt, không thể rút nhanh mà hãy nhìn vào portfolio và other investment. Nếu dòng vốn này đổ vào nhiều, net vài % GDP trong vài năm trước thì nguy cơ khủng hoảng lớn hơn.
3. Nếu hệ thống ngân hàng nước đó huy động tiền ngắn hạn từ quốc tế bằng ngoại tệ rồi cho vay dài hạn bằng nội tệ trong nước thì nguy cơ khủng hoảng hiện hữu.
4. Nếu quốc gia đó có thâm hụt ngân sách thì cũng đáng lo ngại, mỗi năm thâm hụt vài %GDP liên tục trong vài năm cũng sẽ khiến ngân hàng trung ương phải hỗ trợ. Khoản hỗ trợ này sẽ làm mất giá đồng tiền và dễ khiến dòng vốn tháo chạy.
Còn nhiều thứ khác cần nhìn vào, nhưng mình thấy đây là những điểm cơ bản nhất.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận