Dự đoán hành động của các ngân hàng trung ương trong năm 2024
Các nhà đầu tư đang tăng cường đặt cược vào khả năng các ngân hàng trung ương lớn sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024, khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đang hạ nhiệt nhanh chóng.
Kỳ vọng cắt giảm lãi suất ngày càng gia tăng
Theo Reuters, các thị trường tiền tệ hiện đang dự báo khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất hơn 1 điểm phần trăm trong năm 2024, với thời điểm cắt giảm dự kiến là ngay trong nửa đầu năm 2024.
Không khó để hiểu vì sao các nhà đầu tư lại tỏ ra sốt sắng như vậy trong việc bỏ lại phía sau chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ.
Các dữ liệu mới công bố hồi tuần trước cho thấy, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 11, qua đó làm suy yếu nhận định của ECB về nguy cơ lạm phát cao dai dẳng. Cụ thể, lạm phát trong tháng 11 chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 2,9% trong tháng 10, và gần đạt mục tiêu 2% của ECB.
Bên cạnh đó, các dữ liệu kinh tế yếu kém gần đây của Eurozone cho thấy chính sách tiền tệ của ECB có vẻ đang thắt chặt quá mức và góp phần đẩy nền kinh tế đối mặt với nguy cơ suy thoái.
Simon Harvey, người đứng đầu bộ phận phân tích ngoại hối tại Monex Europe, khuyến cáo “ECB nên bắt đầu nới lỏng chính sách ngay sau tháng 4-2024, và trong trường hợp rủi ro suy thoái trở nên nghiêm trọng hơn, việc cắt giảm lãi suất có thể sẽ được thực hiện ngay sau tháng 3”.
Còn tại Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Fed cũng giảm trong tháng 10. Theo Bộ Thương mại Mỹ, Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,2% so với tháng 9 và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phù hợp với dự báo của giới chuyên gia, và đều giảm so với dữ liệu của tháng 9 (lần lượt là 0,3% và 3,7%).
Các số liệu lạm phát hạ nhiệt, cùng sự chậm lại của nền kinh tế càng củng cố kỳ vọng của thị trường vào việc Fed đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất, và có thể bắt đầu cắt giảm trong năm tới.
Theo công cụ FEDWatch của CME Group, tính đến hôm Chủ nhật (3-12), khả năng Fed cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 5 đã tăng từ mức 65% hồi đầu tuần trước lên gần 90%. Khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 3 cũng tăng từ 35% lên hơn 60%.
Niềm tin của giới đầu tư càng được thúc đẩy hơn nữa, khi Thống đốc Fed Christopher Waller tuần trước cho biết, ông ngày càng tin tưởng rằng lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2%. Tuyên bố của quan chức có ảnh hưởng lớn tại Fed và thường được biết đến với quan điểm diều hâu này đã ngay lập tức có tác động lớn đến giới đầu tư, hỗ trợ thị trường chứng khoán và gây sức ép lên đồng đô la Mỹ.
Dự báo của giới chuyên gia
Các tổ chức tài chính đã đưa ra những nhận định khác nhau về lộ trình lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trong năm 2023, nhưng nhìn chung đều hướng tới cùng một kịch bản: cắt giảm lãi suất.
Bank of America (BofA) nhận định, lạm phát sẽ dần hạ nhiệt trên toàn cầu, cho phép các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất trong năm 2024, qua đó ngăn chặn nguy cơ suy thoái.
Michael Gapen, người đứng đầu bộ phận kinh tế Mỹ của BofA, cho biết ông kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 6, với mức giảm là 0,25 điểm phần trăm trong mỗi quí.
Ngân hàng Deutsche Bank của Đức thậm chí còn đưa ra dự báo về việc Fed sẽ thực hiện mức cắt giảm mạnh hơn so với kỳ vọng của thị trường. Theo các chuyên gia của Deutsche Bank, nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ trong nửa đầu năm 2024, buộc Fed phải hành động để hỗ trợ nền kinh tế. Deutsche Bank dự kiến Fed sẽ thực hiện đợt cắt giảm đầu tiên ở mức 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách tháng 6, và sau đó cắt giảm thêm 1,25 điểm phần trăm trong phần còn lại của năm.
Tập đoàn ING của Hà Lan nhận định, nếu giá xăng được duy trì ở mức thấp, lạm phát tại Mỹ có thể quay trở về mức mục tiêu 2% vào quí 2-2024, qua đó mở ra cơ hội để Fed hạ lãi suất kể từ tháng 5, đặc biệt là khi hoạt động tuyển dụng cũng chậm lại. Các chuyên gia của ING dự báo, Fed có thể cắt giảm lãi suất ở mức 1,5 điểm phần trăm trong cả năm 2024, và cắt thêm 1 điểm phần trăm vào đầu năm 2025.
Cũng theo ING, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ tại Eurozone và Vương quốc Anh đều khép lại trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và kinh tế tăng trưởng yếu hơn dự kiến. ECB được dự báo sẽ giảm lãi suất tổng cộng 0,75 điểm phần trăm mỗi quí kể từ tháng 6-2024. Trong khi đó, BOE cũng sẽ tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ từ giữa năm, với tổng mức cắt giảm là 1 điểm phần trăm trong cả năm 2024, và tiếp tục thực hiện điều tương tự trong năm 2025.
Bất đồng giữa các ngân hàng trung ương và thị trường
Tuy nhiên, trong khi các nhà đầu tư đang đặt cược vào việc lãi suất sẽ sớm được cắt giảm như thế nào, phần lớn các nhà hoạch định chính sách vẫn tỏ ra thận trọng khi cảnh báo còn quá sớm để ăn mừng chiến thắng trong cuộc chiến ổn định giá cả.
Bất chấp nhiều chỉ số tích cực về lạm phát thời gian gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 1-12 khẳng định, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của Fed, có kế hoạch “giữ chính sách tiền tệ hạn chế” cho đến khi các quan chức tin rằng lạm phát đang thực sự quay trở lại mức mục tiêu 2%.
Trước đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng cho biết vẫn còn quá sớm để “bắt đầu tuyên bố chiến thắng” trước lạm phát, đồng thời cảnh báo lạm phát sẽ tăng tốc trở lại “trong những tháng tới” khi các động lực giảm phát gần đây dần mờ nhạt.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel cũng đã lên tiếng cảnh báo về “con đường gập ghềnh phía trước, với lạm phát thăng trầm trong thời gian tới”.
Khảo sát do Consensus Economics tổng hợp cho thấy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với quan điểm này. Họ kỳ vọng lạm phát tại Eurozone có thể tăng trở lại lên tới 3,5% trong tháng 12 và vẫn ở mức trên 2% cho đến ít nhất là đầu năm 2025. Cũng theo Consensus Economics, lạm phát tại Mỹ sẽ duy trì ở mức trên 3% cho đến tháng 1-2024, và sẽ chỉ giảm về 2,4% vào cuối năm.
Quá trình hạ nhiệt lạm phát còn nhiều thách thức
Theo Financial Times, vẫn đang có nhiều yếu tố có thể khiến các nền kinh tế tiên tiến gặp khó khăn trong việc đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.
Đầu tiên là vấn đề giá năng lượng. Sự điều chỉnh giảm mạnh của giá năng lượng trong thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng trong việc kéo tỷ lệ lạm phát hạ nhiệt. Tại Mỹ, giá năng lượng trong tháng 10 đã giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái; còn tại Eurozone, giá năng lượng đã giảm 11,2%.
Nhưng tác động này dự kiến sẽ giảm dần trong thời gian tới, đặc biệt là khi giá năng lượng có thể tăng trở lại.
Một yếu tố quan trọng khác mà các ngân hàng trung ương đã xác định có khả năng khiến lạm phát tăng cao là tiền lương tăng nhanh, đẩy chi phí lên cao đối với các công ty dịch vụ sử dụng nhiều lao động và buộc các doanh nghiệp này phải chuyển chi phí cao hơn sang phía khách hàng.
Các nhà kinh tế của JPMorgan mới đây dự báo, lạm phát cơ bản sẽ duy trì ở mức khoảng 3% trong nền kinh tế toàn cầu trong suốt năm tới, “phần lớn là do áp lực tiếp tục tăng lên của chi phí lao động và giá dịch vụ”.
Ngoài ra, việc chính phủ rút lại các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi tác động của đại dịch và khủng hoảng năng lượng cũng góp phần khiến lạm phát tăng trở lại.
Do vậy, Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) tin rằng, Fed hay ECB sẽ cần phải duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn so với dự kiến của nhà đầu tư, để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn lạm phát khỏi nền kinh tế. Tổ chức này tin rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ chỉ bắt đầu ở Mỹ vào nửa cuối năm 2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận