24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Anh Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dư địa cổ phiếu đón sóng đầu tư công

Các dòng cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công đã tăng khá thời gian qua, và được dự báo vẫn còn dư địa tăng trưởng. Dù vậy, bên cạnh những mã vẫn còn tiềm năng, thì không ít mã cổ phiếu đã tăng nóng theo sóng ngành và không còn tương xứng với triển vọng lợi nhuận.

Tại Báo cáo nhận định về triển vọng đầu tư công - kỳ vọng đẩy mạnh nửa cuối năm và cơ hội trên thị trường chứng khoán, CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhìn nhận rằng, năm 2021 tăng trưởng kinh tế kỳ vọng được dẫn dắt bởi 3 yếu tố: Tiêu dùng, xuất nhập khẩu và đầu tư công. Tuy nhiên, nhìn lại từ đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 5,64%, thấp hơn kỳ vọng ban đầu do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% năm nay gặp ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, tác động đến các khu vực quan trọng như TP.HCM, TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang. Do đó, đẩy mạnh đầu tư công bắt buộc phải trở thành động lực tăng trưởng chính sau khi những đầu kéo như xuất khẩu, tiêu dùng đang gặp nhiều trở ngại bởi những yếu tố khách quan bên ngoài. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội trên thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm nay và năm 2022.

Theo đó, trước những kỳ vọng về tiến độ giải ngân đầu tư công, một số nhóm ngành cơ bản sẽ được hưởng lợi như bất động sản, vật liệu xây dựng, thi công công trình.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng như sắt, thép, gỗ, gạch, đá… đã cải thiện lợi nhuận một cách rõ rệt. Đi kèm với diễn biến thị trường chứng khoán trong nước, dòng tiền trên thị trường dồi dào, giá các cổ phiếu vật liệu xây dựng đã có sóng tăng mạnh.

Dư địa cổ phiếu đón sóng đầu tư công

Sau đợt tăng giá ấn tượng vào nửa đầu năm 2021, các cổ phiếu ngành thép như HPG, TLH, SMC, NKG, HSG… tiếp tục có được mức tăng trưởng khá tốt. Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngành xi măng như HT1 hay BCC cũng ghi nhận khả năng phục hồi mạnh mẽ kể từ mức đáy trong đợt điều chỉnh sâu của thị trường (tính tới ngày 19/7).

Dư địa cổ phiếu đón sóng đầu tư công

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS) cho biết, nhóm vật liệu xây dựng trong thời gian qua đã tăng giá khá tốt, thu hút được dòng tiền đầu tư. Câu chuyện của nhóm này chủ yếu liên quan đến kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công trong 6 tháng cuối năm để phục hồi nền kinh tế. Trong nhóm này, nổi bật nhất là ngành thép, xi măng. Về cơ bản, các doanh nghiệp trong ngành đã có kết quả kinh doanh nửa đầu 2021 thuận lợi, mức tăng trưởng cao và đó chính là lý do thu hút thêm dòng tiền vào nhóm này.

Theo ông Ngọc, trong thời gian tới, nhóm vật liệu xây dựng sẽ có sự phân hoá.

"Không phải công ty nào cũng có thể hưởng lợi từ đầu tư công. Những doanh nghiệp duy trì được kết quả kinh doanh trong quý III, thậm chí là quý IV khi đó mới có thể đảm bảo được dòng tiền, giữ được mức giá cao. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu khác mang tính đầu cơ cao sẽ có sự điều chỉnh trở lại".

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng: "Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Việc triển khai chính sách thúc đẩy đầu tư công thì lại nằm ở tương lai, vì hiện tại các tỉnh thành vẫn đang gồng mình để chống dịch. Đòn bẩy quan trọng nhất về đầu tư công sẽ chỉ được đẩy mạnh vào quý IV năm nay. Mặc dù giá cổ phiếu đang tăng khá nhanh, song hoạt động sản xuất của rất nhiều doanh nghiệp tại khu vực phía Nam lại bị hạn chế. Vì vậy kết quả kinh doanh trong quý III sẽ là bài toán quan trọng đối với các doanh nghiệp này".

Trong khi đó, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định rằng, về bản chất, thị trường vẫn đang khao khát cơ hội đầu tư. Diễn biến dòng tiền luân chuyển qua nhiều nhóm ngành khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đang tạm nghỉ, dòng tiền đầu cơ nhanh chóng chốt lời và cần đến các nhóm cổ phiếu khác, trong đó đầu tư công được lựa chọn với kỳ vọng rằng sau khi dịch bệnh kết thúc khoảng tháng 9 - 10 thì đầu tư công sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Nhưng đó mới đang là kỳ vọng, thực tế chưa diễn ra và chờ đợi diễn biến kiểm soát dịch.

Dư địa cổ phiếu đón sóng đầu tư công
Đầu tư công hiện là yếu tố quan trọng nhất nhằm thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng. Ảnh: Trọng Hiếu.

Triển vọng nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng

Theo SSI Research, trong nửa cuối năm 2021, tăng trưởng doanh thu của các công ty thép sẽ được hỗ trợ bởi việc đẩy mạnh đầu tư công và xuất khẩu.

Mặc dù giá thép trong nước sẽ khó giảm mạnh trong thời gian tới, nhưng nhiều khả năng giá cũng có thể dần trở về mức bình thường trong dài hạn do các yếu tố như: Giá thế giới trở về mức bình thường do nguồn cung phục hồi và chính sách kiểm soát giá thép của chính phủ; nhu cầu trong nước giảm do tác động của dịch COVID-19 đối với các hoạt động xây dựng.

Theo đó, lợi nhuận của các công ty thép có thể tiếp tục đạt tăng trong 1-2 quý tới từ mức cơ bản tương đối thấp trong năm 2020 do giá thép tăng so với cùng kỳ và sản lượng xuất khẩu tăng mạnh.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp này sẽ giảm từ mức đỉnh 6 tháng đầu năm 2021 do nhu cầu trong nước chậm lại, giá thép điều chỉnh, chi phí đầu vào tăng sau khi hàng tồn kho giá rẻ không còn và tác động đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Dài hạn hơn, lợi nhuận ngành thép trong năm 2022 cũng có thể giảm 10% -30% so với mức cao trong năm 2021, do tỷ suất lợi nhuận trở về mức bình thường.

SSI Research cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đã phần nào thay đổi cấu trúc ngành, qua đó tạo cơ hội cho công ty sản xuất hàng đầu củng cố vị thế tài chính và thị phần cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh và vị thế thị trường trong tương lai.

Hiện vẫn còn cơ hội đối với cổ phiếu ngành thép trong ngắn hạn khi xét đến mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, SSI Research lưu ý rằng hệ số P/E của các công ty thép thường đạt mức thấp khi lợi nhuận của các công ty đạt đỉnh, và nhà đầu tư nên cẩn trọng với sự biến động cao của giá cổ phiếu do giá thép biến động và tỷ suất lợi nhuận của các công ty trở về mức bình thường.

Đối với doanh nghiệp đầu ngành như HPG, SSI nhận định lợi nhuận ròng ước tính đạt mức tăng trưởng đáng kể trên 40% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm 2021 và 112% so với cùng kỳ, đạt 28,5 nghìn tỷ đồng cho cả năm 2021.

Bên cạnh đó, mỏ quặng sắt mới mua gần đây với công suất 4 triệu tấn/năm sẽ giúp giảm chi phí đầu vào và hỗ trợ biên lợi nhuận của HPG trong năm 2022. Thị phần công ty được kỳ vọng tiếp tục được mở rộng, do khả năng cạnh tranh được nâng cao nhờ tính kinh tế theo quy mô.

Ngoài ra, tiêu thụ sản lượng mảng thép của HPG cũng sẽ tăng trưởng khi toàn bộ Dung Quất 1 đi vào hoạt động: Theo như kế hoạch, nhà máy này sẽ sản xuất ra và tiêu thụ 2.7 triệu tấn thép HRC trong năm 2021. Ước tính Dung Quất 1 sẽ đóng góp 54% cho doanh thu mảng thép của HPG.

Từ năm 2021, tiêu thụ thép nội địa sẽ được cải thiện tích cực nhờ vào việc áp thuế với sản phẩm thép dẹt nhập khẩu. Vì vậy, VCBS đánh giá, điều này sẽ gây khó khăn đối với các nhà sản xuất nhỏ trong nước khi phải nhập khẩu CRC. Đây là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhỏ trong nước buộc phải mua CRC trong nước và sẽ khó cạnh tranh với các doanh nghiệp tự sản xuất được CRC từ HRC như NKG.

Giá thép HRC liên tục tăng cũng hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh của NKG. Do vậy, giá vốn tồn kho của NKG đang ở mức khá thấp so với bình quân hiện nay trên thị trường và sẽ tiếp tục duy trì tới ít nhất kết thúc quý II/2021.

Không chỉ vậy, việc xuất khẩu thép sang các thị trường Mỹ và châu Âu tăng mạnh cũng sẽ thúc đẩy sản lượng của NKG hay HSG.

Trong nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng cũng không thể bỏ qua 2 'ông lớn' ngành xi măng là HT1 và BCC. Theo VCBS, HT1 đang đi vào trạng thái bão hòa về sản lượng, tạo ra dòng tiền ổn định. Doanh thu và sản lượng của HT1 trong 2021 sẽ hồi phục trở lại mốc của năm 2019 do nhờ sự phục hồi của ngành xây dựng và sau đó sẽ không có nhiều biến động do các nhà máy của HT1 đã hoạt động tối đa công suất.

Biên lợi nhuận gộp của HT1 dự báo sẽ ổn định khi giá bán dự kiến phục hồi so với năm 2020, tuy nhiên giá than đầu năm 2021 có xu hướng tăng trở lại (về mức 77 USD/tấn), do vậy VCBS dự phóng biên lợi nhuận gộp của HT1 sẽ giữ nguyên với mức năm 2020. HT1 hiện có dòng tiền tự do lớn (>1.000 tỷ/năm) và đã trả hết vay nợ dài hạn trong năm 2020, do đó doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ tăng tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt và duy trì trả ổn định vói tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức 18%.

Về phần mình, trong năm 2020, doanh thu thuần của BCC đạt 4.299 tỷ đồng (tăng 12,4% yoy), tăng trưởng này đến từ việc sáp nhập thương hiệu VICEM Tam Điệp theo đề án tái cấu trúc của VICEM 2019-2025. VCBS dự kiến doanh thu của BCC trong 2021 sẽ tăng 17,2% và sau đó tiếp tục tăng trưởng ở mức 1%/năm.

Biên lợi gộp của BCC dự kiến sẽ giảm 1%-1,5% và duy trì ở mức 11% do bán thêm sản phẩm của Tam Điệp (trả phí gia công, tăng giá thành sản phẩm của BCC) cũng như việc gặp áp lực cạnh tranh bởi các nhà máy mới khu vực miền Bắc khiến doanh nghiệp khó có thể tăng được giá bán đi cùng với việc giá than có xu hướng tăng đầu 2021.

Bên cạnh đó, cơ cấu vay nợ của BCC đang được thu hẹp dần nhanh chóng ngay khi doanh nghiệp có lợi nhuận trở lại từ năm 2018, vởi tỷ lệ vay nợ/tổng tài sản từ 0,34 năm 2018 xuống 0,21 năm 2020 cùng với đó là gánh nặng chi phí lãi vay cũng được giảm nhanh. Những yếu tố này sẽ giúp cải thiện lợi nhuận sau thuế của BCC.

Ngoài những doanh nghiệp ngành thép, xi măng, PLC cũng là một trong những công ty hưởng lợi trong chu kì đầu tư công 2021-2025 khi nhu cầu nhựa đường tăng (các dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc-Nam phía đông, các đường cao tốc nối các vùng kinh tế trọng điểm, sân bay Long Thành...). Nhu cầu sử dụng nhựa đường Polymer với BLNG cao (20% – 30%) cho cao tốc sẽ làm tăng hiệu quả kinh doanh của PLC.

Dù sản phẩm nhựa đường đặc nóng (chiếm 80% sản lượng) của PLC không có nhiều khác biệt so với các đối thủ, nhưng công ty lại có lợi thế cạnh tranh nhờ công suất sản xuất lớn hơn nhiều, với hệ thống 7 nhà máy phủ toàn quốc, nhiều kho chứa và có hệ thống phân phối qua các cửa hàng của công ty mẹ (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex).

Tăng trưởng lợi nhuận 2021/2022 của PLC được ước tính ở mức 56%/23%, nhờ mảng nhựa đường tiếp tục tăng trưởng trong khi các mảng khác như dầu mỡ nhờn và hóa chất hồi phục từ mức thấp năm 2020; tỷ suất cổ tức hấp dẫn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả