24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quốc Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự cảm kinh doanh ngân hàng năm 2021

Cùng với nền kinh tế, hệ thống ngân hàng đã vượt qua năm 2020 đầy khó khăn thử thách với thành công kép: Vừa hỗ trợ cộng đồng DN và nền kinh tế phục hồi, vừa duy trì hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả. Bước sang năm 2021, triển vọng kinh doanh ngân hà

Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank:

Cam kết tiếp tục hỗ trợ DN và người dân

Dự cảm kinh doanh ngân hàng năm 2021

Năm 2020 vừa qua cả nền kinh tế thế giới và trong nước đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong nước, chúng ta còn phải đối mặt với khó khăn kép khi vừa ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vừa chịu tác động tiêu cực của thiên tai, bão lũ, xâm ngập mặn. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tăng trưởng 2,91%, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của kinh tế khu vực cũng như thế giới.

Trước những diễn biến bất thường của môi trường kinh tế năm 2020 như vậy, Vietcombank đã rất nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công đa mục tiêu. Theo đó, Vietcombank đã triển khai đồng bộ các kịch bản ứng phó với đại dịch Covid -19 và phòng chống dịch hiệu quả cho cả ngân hàng và khách hàng. Đặc biệt chúng tôi đã đồng hành và chia sẻ với các DN từng bước vượt qua khó khăn thông qua việc cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, phí. Tính chung trong năm qua, ngân hàng đã thực hiện 5 đợt giảm lãi suất với số tiền 3.700 tỷ đồng. Đây là số tiền giảm lãi suất kỷ lục trong 1 năm của ngân hàng.

Mặc dù thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng, song ngân hàng vẫn duy trì phát triển hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đến hết năm 2020, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 13,95%, cao nhất hệ thống trong năm qua. Vietcombank từng bước vượt qua khó khăn, giữ vững vị thế là ngân hàng có quy mô lợi nhuận lớn nhất, nộp ngân sách lớn nhất cả nước trong năm 2020 với số tiền 9.000 tỷ đồng. Về chất lượng tín dụng, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu được ngân hàng kéo xuống còn 0,61% - thấp nhất trong lịch sử cũng là thấp nhất toàn ngành.

Điều đáng mừng nhất các mục tiêu chiến lược của Vietcombank vẫn đi đúng lộ trình. Giai đoạn vừa qua năng lực tài chính của Vietcombank đã được tích tụ để chuẩn bị cho một giai đoạn chinh phục những đỉnh cao mới, những mục tiêu chiến lược mà Vietcombank đã lựa chọn. Đó là giữ vững vị trí ngân hàng số 1 của Việt Nam, là một trong 300 tập đoàn tài chính lớn nhất trong khu vực và 1 trong 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu.

Năm 2021, Vietcombank cam kết tiếp tục hỗ trợ DN và người dân. Mục tiêu mà ngân hàng này đặt ra trong năm nay là vừa kinh doanh hiệu quả và vừa đồng hành, chia sẻ với người dân, DN khắc phục khó khăn. Tôi cho rằng, trong năm 2021 với tín hiệu lạc quan của nền kinh tế, các DN nói chung, Vietcombank nói riêng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh doanh trong giai đoạn phát triển mới. Vietcombank cùng với DN tiếp tục đồng hành phát triển đi tới những thành công.

Dự cảm kinh doanh ngân hàng năm 2021

Ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank:

Chuyển đổi số tiếp tục diễn ra mạnh mẽ

Dự cảm kinh doanh ngân hàng năm 2021

Năm qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt thành tích đáng kể ở nhiều mặt hoạt động. Theo đó, hầu hết các ngân hàng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định nhờ vào tiết giảm chi phí, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa nguồn thu đặc biệt là thu nhập ngoài lãi. Không những thế, khung năng lực quản lý rủi ro cũng được các ngân hàng hoàn thiện trong năm 2020 khi nhiều ngân hàng đã về đích trước hạn cả 3 trụ cột theo Basel II và tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu VAMC.

Về phía LienVietPostBank, chúng tôi cũng đã chủ động đầu tư nguồn lực hoàn thành đồng thời cả 2 nội dung này trước thời hạn, đáp ứng yêu cầu quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế. Đó là cơ sở giúp ngân hàng xây dựng kế hoạch kinh doanh hài hòa giữa ba yếu tố lợi nhuận, rủi ro và quản lý vốn, hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả.

Năm 2020 cũng là năm hoạt động chuyển đổi số, số hóa hoạt động ngân hàng diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn bao giờ hết. Với LienVietPostBank, chúng tôi cho ra mắt sản phẩm LienViet24h ứng dụng công nghệ số hoá và tự động hoá 4.0 nhằm cung cấp cho khách hàng dịch vụ ngân hàng số toàn diện ba trong một với những tiện ích thông minh đáp ứng toàn bộ nhu cầu của khách hàng trên một ứng dụng duy nhất. Cùng với các chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN, đặc biệt quy định cho phép định danh tài khoản trực tuyến 100% sử dụng công nghệ eKYC sẽ giúp ngân hàng nhanh chóng gia tăng thị phần khách hàng và tăng mạnh nguồn thu từ dịch vụ, giảm bớt lệ thuộc vào tín dụng truyền thống.

Bước sang năm 2021, dù còn nhiều thách thức mới ở phía trước, nhưng với thế và lực mới cũng như nền tảng vững chắc, dự báo ngành Ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục có tăng trưởng khả quan. Đặc biệt hứa hẹn nhiều cải tiến về chất lượng dịch vụ, tiện ích tính năng sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, nhiều đổi mới trong cách thức quản trị để linh hoạt ứng phó với biến động của nền kinh tế trong và ngoài nước.

Tiếp nối các thành công đạt được trong năm 2020, LienVietPostBank đã xác định định hướng kinh doanh trong năm 2021 trên cơ sở khai thác tốt thế mạnh, tiềm năng sẵn có và tận dụng hiệu quả các cơ hội kinh doanh. Theo đó, LienVietPostBank tiếp tục phát huy lợi thế mạng lưới rộng lớn để tăng trưởng, đẩy mạnh cho vay bán lẻ.

Năm 2021, LienVietPostBank sẽ triển khai các gói tín dụng, sản phẩm cho vay phù hợp hỗ trợ DN phát triển, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19 theo đúng định hướng của Thủ tướng Chính phủ và NHNN, góp phần tích cực vào việc ổn định kinh tế; tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng. Để đón đầu xu thế trong lĩnh vực ngân hàng, năm 2021, LienVietPostBank tiếp tục phát triển thêm nhiều tính năng, tiện ích ưu việt trên nền tảng ngân hàng số, mang đến sự thuận tiện tối đa và trải nghiệm thú vị cho người dùng với mục tiêu đưa sản phẩm công nghệ số trở nên phổ biến, được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trên thị trường.

Song song với đó, ngân hàng tăng cường đánh giá chất lượng nợ, kiểm soát nợ xấu chặt chẽ, triển khai quyết liệt, toàn diện, sử dụng linh hoạt các biện pháp thu hồi nợ. Các chính sách huy động được điều chỉnh linh hoạt để cân đối nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản và tuân thủ các tỷ lệ an toàn theo quy định, tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn. Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ngân hàng xây dựng các kịch bản hoạt động liên tục và kế hoạch triển khai kinh doanh cụ thể trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại có thể kịp thời ứng phó và duy trì hoạt động ổn định của ngân hàng.

Phát huy tiềm lực và thế mạnh sẵn có, LienVietPostBank tin tưởng năm 2021 ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng kinh doanh bứt phá, hoàn thành các mục tiêu đề ra và hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB:

Nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh

Dự cảm kinh doanh ngân hàng năm 2021

Dù yếu tố tiêu cực trong năm 2020 khá nhiều, nhưng các yếu tố tích cực cũng không ít. Đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ giúp Việt Nam đối phó với đại dịch Covid-19 thành công, tạo nên sự khác biệt của Việt Nam đối với thế giới. Đặc biệt NHNN đã ban hành kịp thời Thông tư 01 cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Nếu không có Thông tư 01, tôi cho rằng, nợ xấu ngân hàng sẽ gia tăng mạnh. Khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới, chúng tôi đã tận dụng cơ hội kinh doanh từ những ngành tăng trưởng tốt như xuất khẩu, năng lượng, thiết bị dụng cụ y tế... Nhờ vậy, tăng trưởng tín dụng của OCB tăng khoảng 25%, huy động vốn tăng 26%; lợi nhuận duy trì tích cực…

Có được kết quả tích cực trên nhờ sự điều hành chính sách tiền tệ rất hiệu quả của NHNN vừa đảm bảo thanh khoản thị trường tốt vừa hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất giảm. Cũng nhờ giảm nhanh được nợ xấu, chi phí dự phòng không cao cùng với việc ngân hàng tiết kiệm chi phí hoạt động từ triển khai số hóa, cải thiện NIM... đã tác động đến kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020 dù đối mặt nhiều khó khăn do tác động từ các nguyên nhân chủ quan.

Viễn cảnh năm 2021, dù khó có thể đưa ra dự báo chính xác, nhưng rõ ràng chúng ta thấy tín hiệu tốt nhiều hơn là xấu. Trên thế giới, có không ít băn khoăn về tốc độ lây lan của Covid tại nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu... ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Nhưng hiện nhiều nước đã sản xuất thành công văc-xin Covid nên cũng giảm bớt phần nào lo lắng về sự bùng phát của dịch bệnh này trên thế giới.

Trong nước, các dự báo về kinh tế Việt Nam của các tổ chức quốc tế cũng như trong nước đều khá lạc quan dựa trên nhiều yếu tố. Điển hình, chỉ số PMI – chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng từ 49,9 điểm của tháng 11/2020 tăng lên 51,7 trong tháng 12/2020 và dự báo có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hiện tỷ giá, lãi suất và lạm phát vẫn được duy trì ổn định. Trong khi NHNN rất có kinh nghiệm trong điều hành, cùng với tiềm lực dự trữ ngoại hối ngày càng tốt chắc chắn tỷ giá, lãi suất trong kiểm soát của cơ quan điều hành tạo ra môi trường kinh doanh ổn định. Cộng với chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, sự hào hứng giới đầu tư tạo động lực cho hoạt động kinh doanh mới tăng lên. Đây là cơ hội để cho ngân hàng một mặt phát triển mở rộng kinh doanh, mặt khác có điều kiện cơ cấu lại danh mục kinh doanh của mình hiệu suất hơn.

Với một môi trường kinh doanh tốt, kinh tế vĩ mô ổn định, ngân hàng sẽ phải tăng tốc để nắm bắt cơ hội kinh doanh trong năm 2021. Trong chiến lược những năm tới, ngân hàng vẫn theo chiến lược ngân hàng bán lẻ, tập trung mạnh vào các phân khúc mục tiêu và sửa đổi một số sản phẩm như cho vay cầm cố BĐS, cho vay kinh doanh hộ gia đình. Điểm mới nữa, năm 2021, ngân hàng sẵn sàng có cơ chế mở thông thoáng hơn tạo điều kiện để khách hàng dễ tiếp cận vốn ngân hàng hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ chủ động giảm lãi suất để cạnh tranh, giữ chân khách hàng. Song song với đó là mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Nói như vậy không có nghĩa là nền kinh tế chỉ có gam màu sáng, mà vẫn còn gam màu tối với những thách thức cho ngân hàng. Có những khu vực tăng trưởng tốt nhưng có nhiều khu vực kinh tế, DN chưa vực dậy được sau Covid như du lịch, dịch vụ, thủy sản, may mặc... Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Điều này gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Do đó, dù khá hào hứng với dự định kinh doanh, nhưng ngân hàng không quên nhiệm vụ kiểm soát tốt rủi ro. Thời gian tới OCB tiếp tục hoàn thành các trụ cột của Basel II tiến tới triển khai Basel III và các chính sách quan trọng khác của NHNN mà trước mắt là Chỉ thị 01 của NHNN vừa ban hành như là kim chỉ nam chỉ đạo xuyên suốt mọi hoạt động của ngân hàng trong năm 2021.

Dự cảm kinh doanh ngân hàng năm 2021

Ông Nguyễn Tuấn Lương - Phó Chủ tịch HĐQT VNPay:

Cơ hội cho các Fintech

Dự cảm kinh doanh ngân hàng năm 2021

Tài chính - ngân hàng là ngành đang dẫn đầu trong việc ứng dụng các nền tảng, công nghệ mới như: blockchain (chuỗi khối), AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn)… Từ những công nghệ nền tảng áp dụng cho lĩnh vực tài chính, chúng ta đưa đến được những dịch vụ mới liên quan định danh điện tử, xác thực sinh trắc học, xếp hạng tín dụng, chuyển tiền xuyên biên giới… Những năm trở lại đây, Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech, tới thời điểm này có khoảng 150 Fintech trong khi cách đây 3 năm con số này mới chỉ khoảng 40 công ty. Các công ty Fintech ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều đang hoạt động trong một loạt lĩnh vực liên quan tới tài chính - ngân hàng: thanh toán, huy động vốn, cho vay, quan lý đầu tư tài sản, bảo hiểm… Năm qua, lĩnh vực thanh toán đã và đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ như Mobile Payment (thanh toán di động), ví điện tử… Những sản phẩm, dịch vụ này đều mang tới cho khách hàng một trải nghiệm mới, với hệ thống thanh toán có mức độ bảo mật cao, chạy trên thời gian thực, chứng minh được tính hiệu quả.

Nói riêng về huy động vốn, Fintech đã mang lại những nền tảng crowdfunding (gọi vốn cộng đồng), giúp cho người dùng khi có những ý tưởng nhưng không có đủ khả năng tài chính đều có thể thực hiện gọi vốn cho các dự án của mình. Hay như hoạt động cho vay, Fintech đã xây dựng ra những nền tảng cho vay ngang hàng P2P Lending mang lại đột phá giúp người đi vay có thể chia sẻ thông tin, giúp cho những nhóm nhỏ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Thời gian qua, chúng ta đều nhìn thấy sự sôi động của thị trường liên quan blockchain. Và trong tương lai gần, công nghệ blockchain vừa là thách thức, cũng vừa là cơ hội mới có thể cung cấp những nền tảng thanh toán xuyên biên giới, nền tảng thanh toán an toàn hơn, có khả năng chịu đựng được những cuộc tấn công lớn…

Cốt lõi của ngân hàng là hoạt động thanh toán, tín dụng thì Fintech ngoài việc phát triển các ứng dụng, các tiện ích, các nền tảng dành cho ngân hàng cũng đang tạo ra hệ sinh thái kết nối, mà nay thường gọi là “siêu ứng dụng”. Các siêu ứng dụng này cho phép công ty Fintech như cánh tay nối dài của các ngân hàng, để có thể kết nối các dịch vụ trong hệ sinh thái, tạo ra tăng trưởng giao dịch. Không dừng lại ở đó, các công ty Fintech cũng đã tham gia sâu hơn vào các hoạt động của nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, vận tải… Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, những ứng dụng như chẩn đoán hình ảnh, phân tích xét nghiệm, hội chẩn, điều trị… bắt đầu đi vào cuộc sống.

Là Fintech đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng trong năm 2020, VNPay cam kết sẽ đóng vai trò cầu nối để các thành viên tiếp cận nhanh hơn xu hướng công nghệ mới thời gian tới. Bởi sự kết hợp giữa Fintech và ngân hàng sẽ giúp phát huy thế mạnh của các bên, chia sẻ hợp tác cùng nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao trải nghiệm khách hàng, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả