Đủ cách làm thêm kiếm tiền trong mùa Covid-19
Bán hàng online, dạy học online, nhận trông trẻ theo giờ tại nhà... là công việc mà nhiều giáo viên hay nhân viên văn phòng lựa chọn để tăng thêm thu nhập cho gia đình trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Dạy học online
Hình thức học qua Internet bằng các phần mềm video call đang dần được áp dụng phổ biến do tình trạng dịch diễn biến căng thẳng, khiến học sinh, sinh viên buộc phải nghỉ học. Nhiều thầy cô đã mở lớp học online để theo dõi việc học của học sinh. Hình thức dạy học này sẽ tăng độ tương tác với người học và giúp bài học được truyền tải dễ dàng, hiệu quả hơn.
Trao đổi với phóng viên, cô giáo Nguyễn Thị Phương Liên, giáo viên tiểu học Trường Quốc tế CND ở TP. HCM cho biết, ngoài chương trình nhà trường, cô Liên còn tranh thủ dạy kèm cho một số học sinh có thu phí. Nhiều giáo viên khó khăn vì bị cắt giảm lương đợt dịch này cũng học phương pháp gia sư online để kiếm thêm thu nhập.
"Có thể dạy qua video call của Facebook hoặc Zalo, nhưng phần mềm tiện dụng, được các thầy cô lựa chọn nhiều là Zoom. Tính năng nổi bật của phần mềm này giúp một thầy có thể dạy được 20-30 trò. Độ tương tác cao giúp thầy trò có thể trực tiếp trao đổi bài học, được giơ tay phát biểu. Việc zoom xa, gần hình ảnh học trò, thầy giáo, hình ảnh bài giảng giúp buổi học sôi động, lý thú",cô Liên cho hay.
"Cái khó là tìm học sinh vì cả phụ huynh và học sinh chưa quen phương pháp này, sợ không hiệu quả nên không học. Những ngày đầu phải cho học thử nghiệm, dần dần các em làm quen, học hiệu quả thì mình đề xuất với phụ huynh thu phí", cô giáo Phạm Bích Hồng, nhận dạy học sinh lớp 5 trên group, chia sẻ.
Cô Hồng tính phí lớp học đông thì thu 15.000 đồng/em; nhóm vài học sinh thu 50.000 đồng, còn một kèm một thì 100.000 đồng. Những học sinh và phụ huynh ở các vùng quê, giờ đây chỉ cần một chiếc điện thoại không quá đắt tiền, có kết nối 3G, 4G là có thể tham gia học tập.
Dịch vụ trông trẻ đắt khách
Trong lúc đang thất nghiệp vì trường mầm non tư thục bị đóng cửa do dịch bệnh, chị Nguyễn Thị Hằng (Phú La, Hà Đông) đã lên hội nhóm “Người tìm việc, việc tìm người” và đăng tin nhận trông trẻ theo giờ, ngày. Bất ngờ là dòng tin chị Hằng đăng chưa đầy 30 phút đã có rất nhiều cuộc gọi muốn thuê chị. Sau khi cân nhắc, chị Hằng đã nhận lời trông trẻ cho một gia đình ở chung cư Victorya (Hà Đông).
Tiền công trông một đứa trẻ 4 tuổi mà chị Hằng nhận được là 300.000 đồng/ngày. Việc của chị là cho bé ăn, ngủ, nghỉ đúng giờ theo yêu cầu của phụ huynh. Khi bé thức, chị Hằng sẽ dạy bé học hát, tập tô giống như đang ở trường.
Chị Hằng chia sẻ: “Trông trẻ tại nhà nhàn hơn nhưng thu nhập lại cao hơn rất nhiều so với lương mà trường tư thục trả. Nhưng nói gì thì nói nó cũng chỉ là công việc tạm thời, lấp chỗ trống thôi, chứ tâm lý của chúng tôi ai cũng mong hết dịch để trở lại trường dạy học”.
Hiện theo khảo sát, chi phí thuê người trông 2 trẻ từ 7h sáng đến 6 giờ chiều lên tới 400 nghìn đồng/ngày. Chi phí cao, nhưng nhiều nơi giữ trẻ không tính theo tháng, theo tuần mà tính theo ngày, ngày nào dứt ngày đó.
Chi phí phí giữ trẻ mùa dịch không có mức giá cố định, gần như tùy thuộc vào khả năng, nhu cầu của gia đình theo kiểu "liệu cơm gắp mắm". Không ít gia đình khá giả chấp nhận thuê người giữ con với giá rất cao, thậm chí cả triệu đồng/ngày.
Chị Nguyễn Thị Hương, ở Thủ Đức, TPHCM cho biết, "nhà tôi thuê cô từ 7h sáng đến 6 giờ chiều, chi phí là 400.000 đồng/ngày", Chị Hương nói và chia sẻ thêm, nhà mình có hai cháu, nhưng một cháu lớp 3, tự lo mọi việc nên chủ yếu là chăm cháu nhỏ 3 tuổi. Còn nhiều gia đình trong khu chị ở, có hai con thì chi phí cao hơn.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn thuê được người có chuyên môn về trông trẻ. Chính vì vậy sẽ đành phải thuê những người là lao động tự do. Nhu cầu nhiều nên dịch vụ này ngày càng nở rộ. Đó cũng là cơ hội để những người không có công ăn việc làm ổn định có được thu nhập, thậm chí là thu nhập cao.
Bán hàng online
Dạo quanh một vòng mạng xã hội, chắc hẳn ai cũng từng thấy những lời mời chào, buôn bán đủ thứ từ bạn bè. Mùa dịch, việc buôn bán kinh doanh trên mạng xã hội lại càng nhộn nhịp hơn. Ai cũng mong sẽ kiếm được thêm tiền để trang trải và càng mong dịch bệnh mau chóng được kiểm soát, cuộc sống bình thường trở lại.
Chị Lê Huỳnh Kim Như, vốn là chủ một cửa hàng thời trang online nhỏ, nhưng tình hình buôn bán trong mùa dịch hết sức khó khăn, chị phải tạm ngưng nhập hàng để tránh bị tồn đọng và lỗ vốn. Chị Như liền nảy ra ý định bán thức ăn vặt, đồ khô giao hàng tận nơi, chủ yếu nhắm đến dân văn phòng và người làm việc tại nhà.
"Ban đầu chỉ tính chuyển mặt hàng kinh doanh để duy trì cửa hàng quần áo, nhưng càng làm càng thấy doanh thu khá tốt. Mùa này mọi người hạn chế ra đường, không tụ tập đông người, nên đặt thức ăn giao tận nhà là tiện lợi nhất. Mình chọn bán các món ăn vặt để được lâu trong vòng một tuần, để tiện cho việc gửi hàng. Món tươi, nóng ăn liền phí giao hàng nhanh khá đắt, cũng khó thương lượng với khách", chị Như chia sẻ kinh nghiệm.
Chị Nguyễn Thị Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội), chủ một cửa hàng kinh doanh hải sản cho biết: "Trước tình hình dịch bệnh thế này, người dân ít đi lại, cho nên xu hướng đặt hàng online nhiều hơn. Vì thế tôi thường xuyên đăng tải các mặt hàng trên nhiều hội nhóm facebook, ghi rõ giá cả để mọi người tiện theo dõi. Khi có đơn gần thì tôi tự đi ship, còn xa quá thì liên hệ grab chuyển tới cho khách, cũng rất tiện. Nếu khách đặt nhiều thì tôi miễn tiền ship". Chị Hiền cho biết, mỗi ngày chị nhận khoảng 20 đơn hàng của khách đặt online.
Tuy nhiên, chị Hiền cũng cho rằng, việc bán hàng online cũng gặp khó khăn trong việc giao hàng khi nhiều shipper đã về quê trốn dịch, vì thế giá vận chuyển sẽ cao hơn ngày thường. Bên cạnh đó, một số nguyên liệu để làm đồ bị tăng giá do dịch, điển hình là thịt lợn, để không bị bù lỗ, nhiều chủ hàng không làm các món liên quan đến thịt lợn để đảm bảo khách hàng không bị mua giá quá cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận